Kỳ họp thứ Tám, Quốc hội Khóa XIV:

Củng cố và tăng cường niềm tin trong Nhân dân

- Thứ Hai, 21/10/2019, 11:03 - Chia sẻ
Các kết quả tích cực đạt được trong năm 2019 về cả kinh tế, xã hội đã tạo ra hiệu ứng lan toả nhất định trên nhiều lĩnh vực, giúp củng cố và tăng cường niềm tin trong Nhân dân và cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Đây là những nhận định nêu trong Báo cáo thẩm tra đánh giá kết quả thực hiện Nghị quyết của QH về Kế hoạch phát triển KT - XH năm 2019; dự kiến Kế hoạch phát triển KT - XH năm 2020 do Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh trình bày trước QH tại Phiên khai mạc Kỳ họp thứ Tám sáng nay.

Thêm dư địa để thực hiện tốt hơn nhiệm vụ bảo đảm an sinh xã hội

Trình bày Báo cáo thẩm tra đánh giá kết quả thực hiện Nghị quyết của QH về Kế hoạch phát triển KT - XH năm 2019; dự kiến Kế hoạch phát triển KT - XH năm 2020, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết, Ủy ban Kinh tế cơ bản nhất trí với các kết quả đạt được trong năm 2019 do Chính phủ đưa ra. Năm 2019 tiếp tục  đạt được những chuyển biến tích cực, toàn diện trên nhiều lĩnh vực kinh tế-xã hội, là năm thứ hai có tốc độ tăng trưởng khá, đạt tương đối đồng bộ các mục tiêu tổng quát đã được QH đề ra.


Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh  trình bày Báo cáo thẩm tra đánh giá kết quả thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về Kế hoạch phát triển KT - XH năm 2019
Ảnh: Quang Khánh

Chủ nhiệm UB Vũ Hồng Thanh cũng nhấn mạnh về một số thành công nổi bật trong điều hành kinh tế vĩ mô năm 2019, như lạm phát được kiểm soát phù hợp với mục tiêu đề ra cho thấy việc điều hành chính sách tiền tệ được thực hiện linh hoạt, lạm phát kỳ vọng trong tầm kiểm soát mặc dù chịu tác động từ diễn biến bất lợi của thị trường quốc tế và áp lực từ việc tăng giá điện, giá thực phẩm và việc điều chỉnh giá hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước quản lý theo lộ trình giá thị trường. Hệ số tín nhiệm quốc gia được cải thiện. Số lượng doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, số vốn đăng ký đều tăng. Việc giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, thúc đẩy tăng trưởng GDP sẽ tạo thêm dư địa để thực hiện tốt hơn các nhiệm vụ bảo đảm an sinh xã hội, tạo việc làm, nâng cao thu nhập và đời sống của Nhân dân, ổn định trật tự, an toàn xã hội. “Kết quả tích cực này đã tạo ra hiệu ứng lan toả nhất định trên nhiều lĩnh vực giúp cho việc củng cố và tăng cường niềm tin trong Nhân dân và cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước”, ông Vũ Hồng Thanh nói.

Nhưng để thấy rõ hơn những kết quả đạt được và tiếp tục duy trì những thành tựu nêu trên, bảo đảm tính bền vững trong phát triển kinh tế, Ủy ban Kinh tế đề nghị Chính phủ quan tâm, đánh giá kỹ hơn một số vấn đề. Trong đó, đối với kết quả về tăng trưởng kinh tế, tuy tốc độ tăng trưởng GDP đạt mức cao so với nhiều năm trước, song Ủy ban Kinh tế nhận thấy, cần phân tích rõ động lực và chất lượng của tăng trưởng trong thời gian qua để có thể áp dụng cho việc tăng trưởng GDP năm 2020 - năm cuối của nhiệm kỳ kế hoạch 5 năm 2016-2020. Đề nghị đánh giá về thực trạng và tác động của khoa học, công nghệ đối với tăng trưởng kinh tế. 

Đối với xuất công nghiệp, Ủy ban Kinh tế nhận thấy, việc phát triển thương hiệu quốc gia, sức cạnh tranh sản phẩm Việt Nam và bảo vệ thương hiệu trong nước cũng chưa phát huy hiệu quả. Việc nội địa hóa, thực hiện liên kết sản xuất một số sản phẩm như cơ khí chế tạo và hỗ trợ thị trường từ các dự án lớn, quan trọng quốc gia cho hàng hóa cơ khí chế tạo sản xuất trong nước còn nhiều hạn chế. Các ngành công nghiệp hỗ trợ trong nước còn chậm phát triển, chưa tham gia được nhiều vào mạng sản xuất và chuỗi giá trị toàn cầu. Đối với sản xuất nông nghiệp, bên cạnh sự tác động của các dịch bệnh, Ủy ban Kinh tế đề nghị, ngành thủy sản cũng gặp nhiều bất lợi trong việc Ủy ban Châu Âu (EC) chưa xem xét việc gỡ “Thẻ vàng”. Do vậy, cần làm rõ trách nhiệm của một số địa phương trong công tác kiểm tra, giám sát tại cảng cá và hệ thống giám sát tàu cá theo yêu cầu; chú trọng thực hiện hiệu quả công tác đàm phán để được công nhận về các tiêu chuẩn quốc tế, quản lý an toàn thực phẩm và kiểm dịch động, thực vật.

Về vốn đầu tư, Ủy ban Kinh tế nhận thấy, đu tư trực tiếp nước ngoài tăng về số lượng dự án, nhưng giảm về số vốn đăng ký. Tiến độ giải ngân vốn đầu tư công chậm; vốn giải ngân một số công trình, dự án trọng điểm quốc gia còn nhiều vướng mắc. Đánh giá về thu, chi ngân sách Nhà nước, Ủy ban Kinh tế cũng lưu ý, dù kết quả thu NSNN ước vượt dự toán, tuy nhiên, tỷ lệ huy động từ thuế, phí thấp so với mục tiêu. Các khoản thu từ hoạt động sản xuất kinh doanh đạt thấp, tình trạng nợ đọng thuế còn lớn. Tỷ lệ chi thường xuyên trong tổng chi ngân sách đã được cải thiện nhưng vẫn còn cao. Việc thực hiện một số chính sách an sinh xã hội đã được quan tâm nhưng chưa đủ nguồn lực, chưa đạt hiệu quả cao.

Một số ý kiến trong Ủy ban Kinh tế cũng bày tỏ lo ngại về tình trạng thất nghiệp của thanh niên ở khu vực thành thị còn khá cao; số người hưởng trợ cấp thất nghiệp và tỷ lệ thất nghiệp đối với lao động được đào tạo ở bậc đại học, cao đẳng tăng. Ủy ban Kinh tế đề nghị, cần báo cáo về hiệu quả của các giải pháp về đào tạo nghề, nhất là đào tạo lao động tay nghề cao.

Bên cạnh đó, nhiều ý kiến trong Ủy ban Kinh tế cũng bày tỏ lo ngại về tình trạng ô nhiễm môi trường liên quan sự cố cháy nổ, nhiễm bẩn nguồn nước sinh hoạt gây thiệt hại và để lại hậu quả nghiêm trọng nhưng chậm trễ trong công bố thông tin, chưa chủ động đánh giá và có biện pháp kịp thời khắc phục hậu quả của sự cố đối với hoạt động kinh tế - xã hội, môi trường, sức khỏe người dân. Đồng thời, việc xử lý các sai phạm của tổ chức, người có thẩm quyền liên quan, doanh nghiệp còn chậm, gây bức xúc trong Nhân dân.

Làm rõ cơ sở để đưa ra một số chỉ tiêu

Về dự kiến Kế hoạch phát triển KT - XH năm 2020, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết, Ủy ban Kinh tế đồng tình với mục tiêu tổng quát cho năm 2020 được Chính phủ đưa ra, song đề nghị làm rõ cơ sở của chỉ tiêu. Cụ thể, cần làm rõ cơ sở của chỉ tiêu tăng trưởng tổng kim ngạch xuất khẩu để phù hợp mối tương quan giữa chỉ tiêu này với GDP trong hai năm 2019-2020, đặc biệt là chỉ tiêu tỷ lệ nhập siêu so với tổng kim ngạch xuất khẩu dưới 3%, vì kết quả 4 năm gần đây đều xuất siêu. Ủy ban Kinh tế cũng đề nghị, cân nhắc tăng chỉ tiêu tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ để phù hợp mục tiêu tổng quát “phát triển nhân lực chất lượng cao”. Đề nghị làm rõ về năng lực cung ứng điện hiện nay.

Về các nhiệm vụ, giải pháp để thực hiện các chỉ tiêu về KT - XH năm 2020 được đặt ra, Ủy ban Kinh tế đề nghị, cần quan tâm thực hiện việc bảo đảm tiến độ xây dựng và chất lượng các dự án luật; tổ chức thực hiện có hiệu quả các luật đã ban hành. Tăng cường kiểm tra, phát hiện các văn bản sai nội dung, trái thẩm quyền, mâu thuẫn, chồng chéo, việc chậm triển khai luật, pháp lệnh và xử lý sai phạm. Hướng dẫn và triển khai các chính sách về đổi mới, sắp xếp lại tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế. Triển khai xây dựng, phê duyệt hệ thống quy hoạch giai đoạn tới. Nghiên cứu, xây dựng hệ thống chỉ tiêu kinh tế-xã hội cho giai đoạn 2021-2025 để đánh giá đầy đủ, thực chất về tăng trưởng kinh tế và chất lượng cuộc sống của Nhân dân.

Bên cạnh đó, chú ý thực hiện quyết liệt việc cắt giảm thủ tục hành chính một cách thực chất; minh bạch và xử lý nghiêm sai phạm trong thực thi công vụ. Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương. Đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công, tiến độ các công trình trọng điểm quốc gia; thúc đẩy, tạo thuận lợi triển khai các dự án điện và dự án giao thông quan trọng; hoàn thiện khung pháp lý về giá điện hạ thế; chống tiêu cực, tham nhũng trong đầu tư xây dựng cơ bản.  Điều hành linh hoạt, phối hợp chặt chẽ chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ để phấn đấu kiểm soát lạm phát năm 2020 theo mục tiêu QH đề ra.

Ủy ban Kinh tế cũng đề nghị, cần chấn chỉnh, xử lý nghiêm sai phạm trong quản lý đất đai; quản lý cháy, nổ; quản lý y tế, giáo dục, văn hóa, thể thao, du lịch; bảo vệ môi trường; quản lý và bảo vệ rừng. Đẩy mạnh công tác phòng, chống dịch bệnh. Tiếp tục đẩy mạnh công tác đấu tranh, phòng ngừa tội phạm, nhất là tội phạm có yếu tố nước ngoài, tội phạm về ma túy; ngăn chặn, xử lý nghiêm các đường dây tín dụng đen. Chủ động phòng ngừa những bất ổn về an ninh, chính trị, trật tự an toàn xã hội. Xử lý vấn đề ô nhiễm môi trường nghiêm trọng ở các thành phố, đô thị.

Phương Thủy