Phiên họp thứ Mười của Ủy ban Thường vụ Quốc hội

Có nên tiếp tục tổ chức cơ quan thanh tra cấp huyện?

- Thứ Hai, 18/04/2022, 19:08 - Chia sẻ
Tiếp tục Phiên họp thứ Mười, chiều nay, 18.4, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật Thanh tra (sửa đổi). Một trong những nội dung được nhiều Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội quan tâm, thảo luận là nên giữ hệ thống tổ chức cơ quan thanh tra như hiện nay (gồm Thanh tra Chính phủ, Thanh tra tỉnh, Thanh tra huyện) hay chỉ giữ 2 cấp và không tổ chức cơ quan Thanh tra huyện?

Trình bày Tờ trình về dự án Luật, Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong nêu rõ, dự thảo Luật Thanh tra (sửa đổi) lần này quán triệt quan điểm "Thanh tra là tai mắt của trên, là bạn của dưới" và mục đích hoạt động thanh tra nhằm kiến nghị hoàn thiện cơ chế, chính sách, phòng ngừa, phát hiện và xử lý vi phạm pháp luật trong quản lý nhà nước. Dự thảo Luật đề cao vai trò và làm rõ trách nhiệm hơn của Thủ trưởng các cơ quan quản lý nhà nước trong tổ chức, chỉ đạo hoạt động thanh tra, xử lý kết luận, kiến nghị thanh tra, nâng cao việc chịu trách nhiệm trước pháp luật về hành vi và quyết định của mình.

Về hệ thống cơ quan thanh tra theo cấp hành chính, dự thảo Luật giữ nguyên hệ thống tổ chức gồm Thanh tra Chính phủ, Thanh tra tỉnh, Thanh tra huyện.

Cơ bản nhất trí với tổ chức các cơ quan Thanh tra Chính phủ và Thanh tra tỉnh như hiện nay, nhưng trong Báo cáo thẩm tra dự án Luật, Thường trực Ủy ban Pháp luật cho biết, nhiều ý kiến đề nghị không tổ chức cơ quan Thanh tra cấp huyện do ở cấp huyện không có nhiều nhu cầu thanh tra, biên chế rất ít, nên không phát huy được hiệu quả. Việc không tổ chức cơ quan Thanh tra cấp huyện cũng nhằm phù hợp với chủ trương về tinh gọn tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế; khắc phục tình trạng "dàn đều" về biên chế của các cơ quan Thanh tra cấp huyện, bổ sung nguồn nhân lực để nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Thanh tra cấp tỉnh. Việc không tổ chức cơ quan Thanh tra huyện vẫn bảo đảm nguyên lý "ở đâu có quản lý thì ở đó có thanh tra" vì khi không tổ chức cơ quan Thanh tra cấp huyện thì chức năng, nhiệm vụ thanh tra của cơ quan này sẽ được chuyển cho Thanh tra tỉnh.

Không đồng tình với hướng này, nhiều ý kiến cho rằng, dự thảo Luật tiếp tục duy trì Thanh tra huyện như hiện nay. Lý lẽ là bởi tổ chức thanh tra hành chính ở cấp huyện đã có quá trình hình thành và phát triển ổn định lâu dài, cơ bản đến nay vẫn phù hợp. Việc duy trì, củng cố cơ quan Thanh tra hành chính ở cấp huyện để tham mưu, giúp UBND cấp huyện về công tác thanh tra, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo là cần thiết; bảo đảm tuân thủ chặt chẽ nguyên lý "ở đâu có quản lý thì ở đó có thanh tra".

Đặc biệt, việc giữ mô hình Thanh tra huyện còn bảo đảm phù hợp và thực hiện có hiệu quả quy định của Luật Tổ chức chính quyền địa phương, Luật Khiếu nại, Luật Tố cáo và Luật Phòng, chống tham nhũng vì các luật này đều giao nhiệm vụ, quyền hạn nhất định cho Thanh tra huyện. Những vấn đề bất cập trong tổ chức và hoạt động của Thanh tra huyện hiện không phải do thiết chế này không còn phù hợp mà cần được quan tâm giải quyết, bảo đảm đủ điều kiện, năng lực để hoàn thành các nhiệm vụ được giao.

Cho ý kiến với nội dung này, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn nhấn mạnh vai trò quan trọng của tổ chức Thanh tra cấp huyện và thực tiễn cho thấy không nên bỏ cấp thanh tra này, bởi Thanh tra huyện có nhiệm vụ thay mặt Nhà nước để thực hiện nhiệm vụ trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội, ngân sách, giải quyết khiếu nại, tố cáo từ địa phương, cơ sở, cấp xã, phường. "Nếu bỏ Thanh tra huyện thì ai làm vấn đề này? Nếu thí điểm thì đề nghị không nên đưa vào Luật", Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội nói.

Cùng quan điểm, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Nguyễn Phú Cường nêu rõ, không những “rất cần thiết” mà Thanh tra huyện còn “rất quan trọng”. Bởi ở cấp xã không tổ chức cơ quan thanh tra, nếu bỏ Thanh tra huyện sẽ có "khoảng vắng" giữa cấp xã, phường và Thanh tra tỉnh. Trong khi đó, công việc ở cơ sở, phường, xã ngày càng nhiều, càng phức tạp, Thanh tra tỉnh khó thể bao quát được hết.

Hiện nay, theo quy định của Luật Khiếu nại, Luật Tố cáo, trước khi đối thoại với dân, ban hành quyết định hành chính cũng phải có cơ quan thanh tra. Do đó, theo Chủ nhiệm UB Nguyễn Phú Cường, “không những không bỏ, mà cần tăng cường thêm vai trò, nhân lực cho Thanh tra cấp huyện".

Việc giữ hay bỏ Thanh tra huyện có liên quan đến Chiến lược phát triển ngành thanh tra đến năm 2030, trong đó có nêu vấn đề 2 cấp thanh tra. Nêu vấn đề này, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị cơ quan soạn thảo và cơ quan thẩm tra cần tiếp tục nghiên cứu, lấy ý kiến, và tinh thần là "không chốt chặt" mà đưa ra để Quốc hội thảo luận. Chủ tịch Quốc hội đề nghị cơ quan soạn thảo tiếp tục rà soát, hoàn thiện dự thảo Luật Thanh tra (sửa đổi), bảo đảm sau khi ban hành sẽ có cơ sở pháp lý, điều kiện xây dựng ngành Thanh tra thực sự trong sạch, vững mạnh, nâng cao hiệu lực, hiệu quả của công tác thanh tra, góp phần quan trọng nâng cao năng lực quản trị nhà nước, quản lý xã hội.

Về hình thức thanh tra, theo quy định của Luật Thanh tra hiện hành có 3 hình thức, gồm: Thanh tra theo kế hoạch; thanh tra thường xuyên; và thanh tra đột xuất. Dự thảo Luật Thanh tra (sửa đổi) lần này đã lược bỏ hình thức thanh tra thường xuyên, nhằm góp phần khắc phục tình trạng "chồng chéo, trùng lặp", dẫn đến lạm dụng, khó phân biệt giữa thanh tra và kiểm tra.

Cơ bản tán thành với quy định này, Thường trực Ủy ban Pháp luật cho rằng, thực chất của thanh tra thường xuyên chính là hoạt động kiểm tra của cơ quan quản lý nhà nước. Do đó, nếu duy trì hình thức thanh tra này là không đúng với tính chất của hoạt động thanh tra.

Thực tế cho thấy, từ thực trạng "hoạt động thanh tra, kiểm tra của các ngành dày đặc, gây bức xúc cho đối tượng thanh tra, kiểm tra", Chính phủ đã chỉ đạo đưa vào dự thảo Luật nhiều quy định nhằm khắc phục tình trạng chồng chéo, trùng lắp trong hoạt động thanh tra, giữa hoạt động thanh tra với kiểm tra, kiểm toán.

Cơ bản tán thành với các quy định của dự thảo Luật, các Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị bổ sung quy định rõ trách nhiệm, cơ chế phối hợp của các cơ quan quản lý nhà nước ở trung ương và địa phương, các cơ quan có thẩm quyền thanh tra, kiểm tra, kiểm toán trong xây dựng định hướng, kế hoạch thanh tra nhằm lược bỏ ngay từ đầu những nội dung có nguy cơ dẫn đến chồng chéo, trùng lặp trong hoạt động thanh tra.

Anh Phương