Căng thẳng do dự luật tăng thuế ở Kenya

Khó khăn còn ở phía trước

- Thứ Bảy, 29/06/2024, 06:13 - Chia sẻ

Một ngày sau khi Tổng thống Kenya William Ruto đưa ra sự nhượng bộ quan trọng - chấp nhận rút lại kế hoạch tăng thuế gây tranh cãi, hàng nghìn người tiếp tục xuống đường biểu tình trong ngày 28.6.

Tổng thống Kenya William Ruto phát biểu trên truyền hình ngày 27.6 thông báo rút lại dự luật tăng thuế. Ảnh: AP
Tổng thống Kenya William Ruto phát biểu trên truyền hình ngày 27.6 thông báo rút lại dự luật tăng thuế. Ảnh: AP

Sự nhượng bộ của Tổng thống Ruto dường như không giúp xoa dịu nỗi bất bình của người dân khi trong hai ngày 27 - 28.6, hàng nghìn thanh niên ở Nairobi, Mombasa, Kisumu và các thành phố khác tiếp tục xuống đường biểu tình, dọa sẽ chiếm giữ trụ sở Quốc hội và kêu gọi Tổng thống từ chức, mặc dù số lượng ít hơn so với đầu tuần. Họ cho biết sẽ tiếp tục cuộc “tuần hành một triệu người” trong những ngày tới bất chấp sự nhượng bộ của Chính phủ. Các cuộc biểu tình biến thành bạo lực khi cảnh sát không thể trấn áp bằng hơi cay, vòi rồng và đã sử dụng đạn thật khiến ít nhất 2 người thiệt mạng.

Chính phủ hoãn tăng thuế, kêu gọi đối thoại

Trước đó, trong một phát biểu trên truyền hình ngày 27.6, Tổng thống Ruto đã đưa ra nhượng bộ quan trọng: "Sau khi nghiêm túc lắng nghe người dân Kenya, họ nói rằng họ không ủng hộ dự thảo Luật Tài chính 2024, tôi chấp thuận ý kiến đó, do đó tôi sẽ không ký dự luật này". “Mọi người đã lên tiếng. Sau khi dự luật được thông qua, cả nước đã chứng kiến nhiều biểu hiện không hài lòng, xúc phạm các thể chế hiến pháp, biểu tình dẫn đến thiệt hại về người và tài sản", ông bổ sung.

Tổng thống Ruto nói thêm rằng, ông sẽ tổ chức đối thoại với thanh niên, giới trẻ Kenya và thúc đẩy các biện pháp khác thay vì tăng thuế, chẳng hạn như tăng cường "thắt lưng buộc bụng" để giải quyết tình trạng thâm hụt tài chính, bắt đầu bằng việc giảm ngân sách cho chính bản thân Tổng thống.

Những nhượng bộ quan trọng trên được đưa ra sau đợt biểu tình biến thành bạo động trong những ngày qua. Nhiều người xông vào đập phá tòa nhà Quốc hội ở Thủ đô Nairobi trong khi các nhà lập pháp đang bỏ phiếu lần cuối thông qua dự luật tăng thuế.

Cảnh sát ở Nairobi đã nổ súng sau khi hơi cay và vòi rồng không thể giải tán đám đông; đồng thời sơ tán các nghị sĩ qua một đường hầm dưới lòng đất. Giới chức y tế nước này cho hay ít nhất 23 người thiệt mạng trong cuộc đụng độ giữa cảnh sát và những người biểu tình bên ngoài trụ sở Quốc hội.

Dự luật tăng thuế - nguồn cơn của cuộc biểu tình

Dự luật Tài chính 2024 được Quốc hội Kenya thông qua hôm 25.6 dự kiến sẽ tăng thuế đối với hầu hết các mặt hàng và dịch vụ thiết yếu, bao gồm dữ liệu internet, nhiên liệu, hoạt động chuyển khoản ngân hàng cho đến… tã lót.

Dự luật được đề xuất là một phần trong nỗ lực cắt giảm gánh nặng nợ khổng lồ lên tới hơn 80 tỷ USD của đất nước, khiến quốc gia này sử dụng hơn một nửa doanh thu thuế hàng năm để trả lãi. Chính phủ cho biết những “thay đổi đau đớn” này là cần thiết để trả lãi cho khoản nợ khổng lồ của quốc gia, giảm thâm hụt ngân sách và duy trì hoạt động của chính phủ. Tuy nhiên, những người biểu tình coi đây là sự bóp nghẹt cuộc sống của người dân, vốn đang phải đối mặt với chi phí sinh hoạt cao do đồng nội tệ mất giá.

Trước đó, Chính phủ đã có một số nhượng bộ khi cam kết sẽ không áp mức thuế mới được đề xuất đối với bánh mì, dầu ăn, quyền sở hữu ô tô và các giao dịch tài chính. Nhưng điều đó vẫn chưa đủ đối với người biểu tình. Trong khi đó, Bộ Tài chính cho biết những nhượng bộ này buộc Chính phủ phải cắt giảm chi tiêu hoặc tăng thuế ở những nơi khác.

Phong trào tự phát và khó thương lượng

Kể từ tuần trước, hàng nghìn thanh niên đã xuống đường ở Nairobi và một số thành phố khác sau khi một phong trào trực tuyến do thanh niên lãnh đạo phát động cuộc biểu tình phản đối tăng thuế. Trước kia, các cuộc biểu tình ở Kenya thường do các nhà lãnh đạo chính trị đối lập thúc đẩy. Họ thường là những người có thể chấp nhận các thỏa thuận thương lượng khi yêu cầu của họ được thỏa mãn. Nhưng những người Kenya trẻ tuổi trong các cuộc biểu tình đang diễn ra không có người lãnh đạo chính thức và họ ngày càng táo bạo trong các yêu cầu của mình. Ban đầu họ chỉ tập trung bày tỏ sự phản đối đối với dự thảo Luật Tài chính, nhưng sau đó yêu cầu của họ ngày càng mở rộng. Giờ đây, họ thúc đẩy các khẩu hiệu đòi Tổng thống Ruto từ chức.

Đất nước giữa những áp lực

Chính những người trẻ đang tham gia biểu tình hiện nay là những người từng bỏ phiếu đưa Tổng thống Ruto giành chiến thắng trong cuộc bầu cử gần hai năm trước. Khi đó, họ ủng hộ ông và tin tưởng vào lời hứa sẽ áp dụng cách tiếp cận "từ dưới lên" đối với nền kinh tế để giải quyết tỷ lệ thất nghiệp cao trong giới trẻ và cải thiện cuộc sống của những người nghèo.

Tuy nhiên sau đó, ông bị mắc kẹt giữa áp lực từ phía các chủ nợ như Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), vốn đang thúc giục chính phủ của ông cắt giảm thâm hụt ngân sách trước khi rót thêm viện trợ, những khoản nợ khổng lồ đang đè nặng lên đất nước với chi phí lãi suất ngày càng đắt đỏ do giá trị đồng nội tệ giảm trong khi bên kia là sức ép từ lời hứa về xóa đói giảm nghèo và gia tăng phúc lợi cho người dân.

Trong khi đó, người dân Kenya đang phải vật lộn để đối phó với một số cú sốc kinh tế do tác động kéo dài của đại dịch Covid-19, ảnh hưởng từ cuộc chiến ở Ukraine, và tình trạng mất mùa do hai năm hạn hán liên tiếp khiến đồng tiền mất giá.

Dự luật Tài chính 2024 sẽ cho phép Chính phủ tăng thêm 2,7 tỷ USD tiền thuế như một phần trong nỗ lực giảm nhẹ gánh nặng nợ nần của Kenya, trong đó riêng khoản trả lãi đã tiêu tốn 37% doanh thu hàng năm.

Dữ liệu của Tradeweb cho thấy trong bối cảnh bất ổn, trái phiếu chính phủ bằng đồng đô la của Kenya đã trượt giá trong ngày 26.6. Kỳ hạn năm 2024 giảm nhiều nhất, giao dịch thấp hơn 0,6 cent ở mức 74,7 cent/1USD.

Nhà phân tích Abdullahi Halakhe của vùng Sừng châu Phi cho rằng: Vấn đề lớn nhất mà Tổng thống đang phải đối mặt không chỉ là những khó khăn kinh tế, các khoản nợ mà là sự mất mát về niềm tin. Dù đã nhượng bộ, nhưng người dân không còn lắng nghe Tổng thống. “Vết thương” từ sự thiếu hụt lòng tin và tính hợp pháp mà Tổng thống đang phải đối mặt sẽ mất rất nhiều thời gian để chữa lành - trong khi nền kinh tế không ở trong tình trạng tốt nhất. Vì vậy, Tổng thống không thể lựa chọn giữa các phương án tốt và xấu; ông ấy chỉ có các lựa chọn xấu…”.

Quốc Đạt

Theo Africa News, The Guardian