Bầu cử Tổng thống Bắc Macedonia: Trọng tâm là tiến trình gia nhập EU

- Thứ Ba, 23/04/2024, 16:09 - Chia sẻ

Cử tri Bắc Macedonia sẽ bỏ phiếu vào ngày mai, 24.4 cho vòng đầu tiên của cuộc bầu cử tổng thống. Đây là cuộc bỏ phiếu thứ bảy kể từ khi quốc gia Balkan nhỏ bé giành được độc lập từ Nam Tư cũ vào năm 1991.

Bầu cử Tổng thống Bắc Macedonia: Trọng tâm là tiến trình gia nhập EU -0
Ứng cử viên Siljanovska Davkova và đương kim Tổng thống Stevo Pendarovski. Ảnh: The Australian

Bảy ứng cử viên sẽ tham gia tranh cử trong cuộc bỏ phiếu ngày 24.4. Người thắng cử phải giành được hơn 50% phiếu trong số 1,8 triệu cử tri đã đăng ký. Vì vậy, cuộc bầu cử gần như chắc chắn sẽ bước vào vòng thứ hai, dự kiến được tổ chức vào ngày 8.5 cùng với cuộc bầu cử Quốc hội. Tỷ lệ cử tri đi bỏ phiếu phải đạt ít nhất 40% trong vòng thứ hai để kết quả có hiệu lực.

Các cuộc vận động tranh cử hiện tập trung vào tiến trình của Bắc Macedonia gia nhập Liên minh châu Âu (EU), vấn đề nhà nước pháp quyền, chống tham nhũng, chống đói nghèo và vực dậy nền kinh tế trì trệ của đất nước.

Theo các cuộc thăm dò dư luận, hai ứng cử viên đang dẫn đầu là Tổng thống đương nhiệm Stevo Pendarovski, 61 tuổi, người đang tìm kiếm nhiệm kỳ 5 năm thứ hai với sự hỗ trợ từ đảng Dân chủ Xã hội cầm quyền; và bà Gordana Siljanovska Davkova, 70 tuổi, người được liên minh đối lập VMRO-DPMNE ủng hộ. Đây sẽ là lần thứ hai bà Siljanovska Davkova tranh cử tổng thống, sau khi thất bại trước ông Pendarovski vào năm 2019.

Các ứng cử viên tổng thống khác bao gồm giáo sư luật Biljana Vankovska, người đang tranh cử cho đảng cánh tả Levica, và Thị trưởng Maksim Dimitrievski của thị trấn phía Bắc Kumanovo.

Hai thành viên của cộng đồng dân tộc thiểu số Albania cũng tham gia tranh cử là Ngoại trưởng đương nhiệm Bujar Osmani từ Liên minh Dân chủ Albania, một phần của liên minh cầm quyền, và Arben Taravari từ một đảng đối lập dân tộc Albania.

Hai cách tiếp cận trong vấn đề tư cách thành viên EU

Hai bên có cách tiếp cận khác nhau đối với vấn đề nóng bỏng của Bắc Macedonia về tư cách thành viên EU. Quốc gia Balkan đệ đơn gia nhập khối EU từ năm 2005, nhưng tiến trình này vấp phải sự phản đối của nước láng giềng Hy Lạp trong nhiều năm vì tranh chấp tên gọi.

Khúc mắc với Hy Lạp đã được giải quyết vào năm 2018, nhưng sau đó, đến lượt Bulgaria phản đối nỗ lực gia nhập của Bắc Macedonia do tranh chấp về ngôn ngữ và di sản văn hóa. Chính quyền Sofia cho biết họ sẽ chỉ dỡ bỏ quyền phủ quyết đối với tư cách thành viên EU nếu Skopje công nhận nhóm thiểu số người Bulgaria trong hiến pháp nước này.

Các cuộc đàm phán về tư cách thành viên EU với Bắc Macedonia - và ứng cử viên đồng hương Albania - đã bắt đầu vào năm 2022 và quá trình này dự kiến ​​​​sẽ mất nhiều năm.

Ông Pendarovski đã kêu gọi sửa đổi hiến pháp để công nhận nhóm thiểu số người Bulgaria, trong khi bà Siljanovska Davkova khẳng định các cuộc đàm phán với EU phải được tổ chức theo khuôn khổ mới và vẫn không cam kết về vấn đề thay đổi hiến pháp.

Ông Pendarovski nói rằng nếu được trao nhiệm kỳ thứ hai, ông sẽ “cống hiến hết mình để xây dựng một nền chính trị theo chủ nghĩa hiện thực mới trên đường tới EU”.

Trong khi đó, bà Siljanovska Davkova ủng hộ tiến trình Bắc Macedonia trở thành thành viên của EU nhưng nhấn mạnh vào những cải cách sâu rộng. Bà nói khi trình bày chương trình tranh cử của mình: “Ngoài những cải cách về hệ thống và tư duy, chúng tôi còn cần tầm nhìn, khả năng lãnh đạo và sự cam kết tích cực với kiến ​​thức chuyên môn về chính quy trình này”.

Tham nhũng – mối quan tâm lớn của cử tri

Các chuyên gia cho rằng Bắc Macedonia đang phải đối mặt với nạn tham nhũng hoành hành ở mọi lĩnh vực, mọi tổ chức. Đại sứ Mỹ tại Skopje Angela Aggeler cho rằng: “Chỉ bằng cách vạch trần những kẻ tham nhũng, chúng ta mới có thể bắt đầu giúp đất nước giải quyết mọi vấn đề mà nước này đang phải đối mặt”.

Cả ứng cử viên Pendarovski và Siljanovska đều nhấn mạnh ưu tiên thúc đẩy cuộc chiến chống tham nhũng trong chiến dịch tranh cử của họ.

Bà Siljanovksa nói: “Hiện nay cơ quan tư pháp không bảo đảm tính độc lập trong khi các cải cách tư pháp còn mang tính đảng phái. Quyền lực bị lạm dụng để tham nhũng, làm giàu bất chính cho cá nhân. Một bộ máy nhà nước thiếu trách nhiệm giải trình, điều tra và trừng phạt. Mua sắm công là một căn bệnh ung thư”.

Trong khi đó, Tổng thống Pendarovski cho biết chống tội phạm tham nhũng sẽ là ưu tiên cao nhất ông. Ông nói: “Tôi tin rằng sức mạnh của tội phạm có tổ chức đã bị đánh giá thấp và tôi rất tiếc vì chưa có đủ dũng khí và sự kiên trì trong cuộc chiến chống tội phạm có tổ chức và tham nhũng”.

Mặc dù tổng thống không có quyền tác động đến các quyết định hành pháp nhưng người giữ vị trí này có thể đề cử các thẩm phán cho tòa án hiến pháp và tối cao của đất nước. Quốc hội có tiếng nói cuối cùng về việc bầu chọn thẩm phán.

Quỳnh Vũ
#