Cuộc chiến triệt tiêu hàng giả

- Thứ Hai, 29/06/2020, 06:47 - Chia sẻ
Hàng giả, hàng lậu, hàng kém chất lượng… luôn là những mối lo của mọi quốc gia. Dẫu là một trong những thị trường kiểm soát hàng hóa nghiêm ngặt nhất thế giới, châu Âu cũng không tránh khỏi vấn nạn này.

Nguy hại khôn lường

Theo báo cáo phối hợp giữa Liên minh châu Âu (EU) và Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD), hàng giả, hàng lậu chiếm đến 7% tổng lượng hàng nhập khẩu vào khu vực này với giá trị tương đương 121 tỷ euro. Dù 97% lượng hàng giả cố gắng đưa vào châu Âu đã bị nhà chức trách chặn lại ở đường biên, nhưng 3% còn lại cũng đủ khiến châu Âu thất thu mỗi năm khoảng 15 tỷ euro tiền thuế và các khoản đóng góp xã hội.

Nguồn ITN

Không chỉ vậy, tờ Corriere della Sera (Italy) cho biết, hàng năm, các doanh nghiệp trong khối còn mất thêm khoảng 56 tỷ euro do tác động trực tiếp từ hàng giả, hàng lậu. Do sự lan tràn của các mặt hàng này, nhiều nhà máy tại lục địa già buộc phải sản xuất ít hơn tương ứng. Hậu quả là có đến 434.000 việc làm bị mất bởi “nền kinh tế hàng giả”. Riêng tại Pháp, con số trên là gần 30.000. Thống kê cho thấy có 11 lĩnh vực sản xuất tại EU chịu ảnh hưởng trực tiếp từ các sản phẩm giả như mỹ phẩm, chăm sóc sắc đẹp, rượu, dược phẩm... trong đó thiệt hại nhất là ngành sản xuất đồ chơi và thuốc lá.

Ngoài những tổn thất về kinh tế, hàng giả, hàng lậu còn rất nguy hiểm với người tiêu dùng. Một báo cáo của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) chỉ rõ, hàng năm, có tới 700.000 người thiệt mạng do sử dụng thuốc giả. Đề cập đến hàng giả, thuốc lá giả, Cao ủy Kovacs thuộc Ủy ban châu Âu cảnh báo, sức khỏe và an toàn của người dân trong khu vực là một vấn đề quan trọng. Nguy hại hơn, theo Cơ quan cảnh sát châu Âu (Europol), những hoạt động trái phép này còn mang lại khoản lãi khủng cho các nhóm tội phạm có tổ chức.

Nhiều chuyên gia so sánh, nếu buôn bán ma túy có thể đạt những khoản lãi gấp 25 lần giá trị hàng hóa thì thuốc giả đem lại lợi nhuận gấp 10 lần con số đó. Chính bởi vậy, nhiều tổ chức tội phạm quốc tế đã thông qua sản xuất hàng giả, hàng nhái để “rửa tiền”, rồi dùng những khoản lợi nhuận kếch xù trên cho các hoạt động phạm pháp khác như buôn bán ma túy hay vũ khí…

Cần phối hợp hành động quốc tế

Để đối phó với sự hoành hành của hàng giả, EU cho biết phải có một sự phối hợp hành động quốc tế ở mọi cấp. Ủy ban Kinh tế và Xã hội châu Âu (EESC) đã đề nghị các thành viên trong khu vực hành động và hợp tác nhằm chống lại vấn nạn này. Trước tiên là nâng cao nhận thức của người tiêu dùng. Nếu không có người tiêu thụ, hàng giả, hàng nhái sẽ không thể phát triển. EESC kêu gọi đẩy mạnh tuyên truyền những nguy cơ do hàng giả gây ra đến người tiêu dùng.

Pháp và Italy, hai cường quốc thời trang có nhiều thương hiệu bị làm nhái, cũng khuyến cáo người dân và khách du lịch sẽ bị xử phạt nặng nếu sử dụng quần áo, phụ kiện là hàng nhái với mức phạt tiền tối đa là 300.000 euro và phạt tù lên đến 3 năm. Bên cạnh đó, tuyên truyền cho người dân hiểu lượng tiền mặt họ bỏ ra để mua những sản phẩm trên đang đi về đâu hoặc hướng dẫn họ cách kiểm tra hàng giả nhờ vào công nghệ mới. Đây được coi là cách thiết thực để ngăn chặn đầu ra của hàng giả, hàng nhái.

Một trong những nguyên nhân khiến vấn nạn hàng giả tồn tại là do luật pháp của mỗi nước thành viên trong liên minh chưa đồng nhất. Do đó, EESC chủ trương đưa ra khuôn khổ pháp lý chung. Ủy ban cũng kêu gọi khuyến khích các ứng dụng sáng tạo về truy xuất nguồn gốc, áp dụng nhiều thỏa thuận song phương về thực thi pháp luật trên các chuỗi sản xuất hay mở rộng hoạt động tình  báo.

Từ tháng 4 năm ngoái, EU tiến hành áp dụng quy định mới, theo dõi đường đi của dược phẩm theo thời gian thực ở quy mô toàn châu Âu. Theo đó, mỗi hộp dược phẩm lưu hành trên thị trường khu vực đều được gắn một mã định danh duy nhất, chứa đầy đủ thông tin cần thiết. Tất cả các kho hàng, hiệu thuốc, nơi sản phẩm thuốc đi qua đều phải quét mã số này và đưa lên cơ sở dữ liệu chung. Cơ quan Sở hữu trí tuệ châu Âu (EUIPO) đề xuất mở rộng quyền cho hải quan, cung cấp cho đơn vị trên nhiều phương tiện phù hợp hơn nữa cả về pháp lý và tài chính.

Các băng nhóm buôn hàng giả thường có 3 thủ đoạn chính: Chia nhỏ lượng hàng tuồn vào khu vực tại các điểm trung chuyển chính như Albanie, Maroc, Ukraine hay Thổ Nhĩ Kỳ, rồi gửi qua đường bưu điện; chuyển riêng rẽ rồi lắp ráp các nguyên vật liệu thành sản phẩm cuối ngay trên đất châu Âu và che giấu nguồn gốc, xuất xứ. Chúng thường chọn các khu chế xuất, nơi luật lệ lỏng lẻo và hầu như không có kiểm tra để ít bị phát hiện khi sản xuất hàng giả. Vì vậy, việc xử lý không chỉ cần đến sự kiểm soát chặt chẽ từ hải quan mà còn phải nhìn nhận, kiểm soát lại từ chính những nơi sản xuất như thế.

Ngoài ra, những phương thức bán hàng trực tuyến, qua các trang mạng như Alibaba hay Amazon và sự dễ dãi trong các dịch vụ chuyển phát hàng cũng có thể tạo môi trường cho nền kinh tế hàng giả phát triển. Bởi thế, theo EUIPO, cũng cần áp dụng hình thức phạt nặng nếu không kiểm soát được tình trạng bán hàng giả trên những nền tảng này.                                                    

Ngọc Minh