Kỷ niệm 75 năm Báo Cứu quốc - Giải phóng - Đại đoàn kết

- Thứ Sáu, 06/01/2017, 14:36 - Chia sẻ
Sáng 6.1, tại Hà Nội, Báo Đại đoàn kết đã tổ chức Lễ kỷ niệm 75 năm Ngày truyền thống Báo Cứu quốc - Giải phóng - Đại đoàn kết (25.1.1942 - 25.1.2017).

Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân tới dự và phát biểu.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Chủ tịch Nước Trần Đại Quang; Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân; Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Đinh Thế Huynh; cùng nhiều lãnh đạo Đảng và Nhà nước gửi lẵng hoa chúc mừng.


Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân  phát biểu

Trong diễn văn đọc tại Lễ kỷ niệm, Tổng biên tập Báo Đại đoàn kết Hồng Thanh Quang đã ôn lại lịch sử 75 năm truyền thống vẻ vang của Báo Cứu quốc - Giải phóng - Đại đoàn kết, nêu rõ, vào những ngày này cách đây 75 năm, thực hiện Nghị quyết của Hội nghị Xứ ủy Bắc Kỳ, tờ báo Cứu quốc đã được chuẩn bị tích cực cho việc ra đời số đầu tiên. Đến ngày 25.1.1942, trong một căn nhà lá nhỏ của một người nông dân nghèo ở làng Xuân Kỳ (nay thuộc xã Đông Xuân, Sóc Sơn, Hà Nội), báo Cứu Quốc - cơ quan tuyên truyền của Tổng bộ Việt Minh đã ra số đầu tiên. Tòa soạn lúc ấy có nguyên Tổng Bí thư Trường Chinh làm Chủ nhiệm kiêm Chủ bút; Ban Biên tập có các nhà báo Lê Quang Đạo và Lê Toàn Thư...

Trải qua nhiều khoảng thời gian trong điều kiện hoạt động bí mật, hiểm nguy và gian khổ cho đến ngày hòa bình lập lại, báo Cứu Quốc được chuyển về Hà Nội, ở địa chỉ nhà số 66 Bà Triệu hiện nay. Đến đầu năm 1964, từ Hà Nội, MTTQ Việt Nam đã quyết định cử một đoàn cán bộ báo Cứu Quốc vào miền Nam làm nòng cốt để thành lập báo Giải Phóng - cơ quan Trung ương của Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam. Và ngày 22.12.1964, báo "Giải Phóng” với 4 trang khổ lớn, in 2 màu đã xuất hiện trong vùng giải phóng miền Nam, vùng ven và đưa vào nội đô, sang Phnompenh, Campuchia và ra miền Bắc. Sau khi đất nước hoàn toàn thống nhất, đầu năm 1977, báo Giải Phóng hoàn thành sứ mệnh lịch sử, báo Cứu Quốc hợp nhất với báo Giải phóng, lấy tên là báo Đại Đoàn kết, cơ quan Trung ương của MTTQ Việt Nam, xuất bản số đầu tiên ngày 6.2.1977.


Báo Đại Đoàn Kết đã chính thức ra mắt giao diện mới của Báo điện tử Đại Đoàn Kết

Tiếp nối truyền thống vẻ vang của báo Cứu quốc và báo Giải phóng, trong những năm qua, báo Đại đoàn kết đã nỗ lực không ngừng, khẳng định là tờ báo gắn bó sâu sắc với nhân dân, với khối đại đoàn kết toàn dân tộc, đồng hành cùng sự nghiệp cách mạng, cùng dân tộc và đất nước; là nơi tập hợp và chuyển tải những ý kiến tham vấn, phản biện về các vấn đề lớn của đất nước. Đặc biệt kể từ sau Đổi mới đến nay, Đại đoàn kết giữ vị trí tiên phong trong tham vấn về vấn đề đại đoàn kết hòa hợp, hòa giải dân tộc; chính sách thu hút kiều bào, nhân sĩ, trí thức tham gia xây dựng đất nước; đấu tranh chống tiêu cực, đấu tranh với những biểu hiện suy thoái về đạo đức và lối sống, đấu tranh quyết liệt với các âm mưu chia rẽ phá hoại khối đại đoàn kết dân tộc...

Thời gian gần đây, trong bối cảnh kinh tế có nhiều khó khăn, trong điều kiện báo giấy đang bị cạnh tranh khốc liệt bởi báo chí điện tử và mạng xã hội, báo Đại đoàn kết đã có những bước phát triển mới. Kể từ năm 2012, báo Đại đoàn kết đã xuất bản hàng ngày, với 7/7 kỳ mỗi tuần. Từ năm 2014, ấn phẩm Tinh hoa Việt bộ mới đã phát hành 2 kỳ mỗi tháng với những đổi mới căn bản về nội dung và hình thức được bạn đọc đón đợi. Tháng 6.2015, báo Đại đoàn kết điện tử chính thức được khai trương, đáp ứng được đòi hỏi của thời kỳ mới, khi xu hướng làm báo điện tử đang trở thành một ưu thế, cung cấp tới bạn đọc những thông tin nhanh nhạy hơn, kịp thời hơn.


Đại diện lãnh đạo Báo Đại Đòan kết nhận cờ của MTTQ Việt Nam

Phát biểu tại Lễ kỷ niệm, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân khẳng định, Đảng, Nhà nước và Nhân dân luôn ghi nhận, đánh giá cao vai trò và những đóng góp to lớn của báo Đại đoàn kết đối với sự nghiệp cách mạng của đất nước trong 75 năm qua. Từ báo Cứu quốc, báo Giải phóng đến báo Đại đoàn kết hiện nay, dù trải qua nhiều thời kỳ với những tên gọi riêng, nhưng luôn giữ vị trí tiên phong trong sự nghiệp đại đoàn kết toàn dân tộc cũng như tiến trình dân chủ hóa và đổi mới đất nước. Báo đã luôn đồng hành chặt chẽ với sự phát triển của đất nước và của MTTQ Việt Nam. Sự tiếp nối truyền thống của báo Đại đoàn kết cùng sự gắn bó chặt chẽ với thực tiễn cuộc sống của nhân dân, việc thực hiện sứ mạng chính trị của MTTQ Việt Nam chính là cội rễ của sự thành công đại đoàn kết hôm nay. Trong lịch sử 87 năm MTTQ Việt Nam luôn có trang sử vẻ vang 75 năm của báo Cứu quốc - Giải phóng - Đại đoàn kết.

Năm 2017 là năm thứ 2 thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XII của Đảng, năm thứ 3 thực hiện Nghị quyết Đại hội VIII MTTQ Việt Nam và năm đầu tiên triển khai Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ. Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam đề nghị, trong thời gian tới báo Đại đoàn kết cần tiếp tục phát huy truyền thống vẻ vang, nêu cao ý thức và trách nhiệm chính trị, làm tròn trách nhiệm là người tiên phong, là công cụ truyền thông trực tiếp, hiệu quả của MTTQ Việt Nam trong việc xây dựng, củng cố và phát huy khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

+ Nhân dịp này, Báo Đại đoàn kết đã chính thức ra mắt giao diện mới của Báo điện tử Đại đoàn kết.

Tin và ảnh: Trung Thành