Phát huy tiềm năng, thế mạnh và tính đa dụng của rừng

- Thứ Sáu, 12/08/2022, 17:26 - Chia sẻ

Ngày 12.8, tại Vườn Quốc gia Cúc Phương, Ninh Bình, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tổ chức Hội nghị Thực trạng và giải pháp phát triển bền vững các Vườn quốc gia.

Bộ trưởng NN và PTNT Lê Minh Hoan và Thứ trưởng NN và PTNT Lê Quốc Doanh chủ trì Hội nghị.

Hội nghị diễn ra với sự hỗ trợ của Tổ chức phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) thông qua hợp phần Bảo tồn đa dạng sinh học, dự án VFBC thu hút sự quan tâm của hơn 100 đại biểu đến từ các tổ chức quốc tế: GIZ, WWF, USAID, IUCN, FFI... đại diện một số trường đại học, viện nghiên cứu, hiệp hội các vườn quốc gia; một số đơn vị thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và đại diện 6 Vườn quốc gia thuộc Tổng cục Lâm nghiệp và các VQG thuộc khu vực Bắc Trung Bộ.

Phát huy tiềm năng, thế mạnh và tính đa dụng của rừng -0
Bộ trưởng NN và PTNT Lê Minh Hoan phát biểu kết luận hội nghị

Theo báo cáo tại Hội nghị, cả nước hiện có 167 khu rừng đặc dụng với tổng diện tích trên 2,3 triệu ha, trong đó Tổng cục Lâm nghiệp được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phân cấp giao trực tiếp quản lý 6 Vườn quốc gia: Ba Vì, Tam Đảo, Cúc Phương, Bạch Mã, Yok Don và Cát Tiên (là những vườn có diện tích rừng nằm trên địa bàn 2 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trở lên). 6 Vườn quốc gia này chiếm 26,7% tổng diện tích các Vườn quốc gia trên toàn quốc, có nhiều hệ sinh thái rừng quan trọng, đặc trưng cho các hệ sinh thái tự nhiên; là nơi lưu giữ, bảo tồn nguồn gen đa dạng sinh học rất phong phú, quý hiếm, đặc hữu của Việt Nam; đóng góp quan trọng trong bảo vệ tính nguyên vẹn của hệ sinh thái, bảo tồn đa dạng sinh học, giáo dục môi trường, nghiên cứu khoa học…

Tại hội nghị, các đại biểu cho rằng, không chỉ 6 Vườn quốc gia trực thuộc Tổng cục Lâm nghiệp, mà đối với 167 khu rừng đặc dụng trên cả nước đều có nhiều cơ hội, tiềm năng để phát triển trong tương lai.

Phát huy tiềm năng, thế mạnh và tính đa dụng của rừng -0
Quang cảnh hội thảo

Theo đó, trong thời gian tới, ngoài việc tiếp tục bảo vệ nguyên vẹn hệ sinh thái rừng đặc trưng, tổ chức thực hiện tốt hoạt động bảo tồn, cứu hộ nuôi dưỡng, tái thả động vật hoang dã thì các Vườn quốc gia cần tiếp tục đa dạng hoá các sản phẩm du lịch sinh thái. Tập trung hoàn thành Đề án phát triển du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí giai đoạn 2021-2030 các Vườn quốc gia. Trên cơ sở đó tổ chức các dự án du lịch sinh sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí theo các phương thức phù hợp với tiềm năng, lợi thế và điều kiện thực tế của từng Vườn, khai thác đặc trưng về vẻ đẹp của cảnh quan tự nhiên, đặc trưng về văn hoá bản địa. Cần sáng tạo trong hình thức tổ chức để thu hút khách, kết hợp giữa du lịch và giáo dục môi trường; quản lý tốt các tuyến, điểm tổ chức du lịch sinh thái, nhất là các điểm cho thuê môi trường rừng…

Phát biểu kết luận tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ NN và PTNT Lê Minh Hoan ghi nhận và đánh giá Báo cáo về “Thực trạng và giải pháp phát triển bền vững các Vườn Quốc gia” đã đưa ra được nhiều kết quả tích cực, nhiều hoạt động đa dạng, phong phú, nhiều giải pháp khả thi, hứa hẹn đem đến hiệu quả cao trong bảo vệ bền vững các vườn quốc gia.

Bộ trưởng Bộ NN và PTNT Lê Minh Hoan nhấn mạnh, rừng là ngôi nhà thiên nhiên của mọi người, mọi loài sinh vật, chứ không của riêng ai. Giữ rừng không nên bó hẹp trong tư duy quản lý, mà cần mở rộng thành tư duy quản trị rừng. Vì vậy, bảo vệ rừng không nhất thiết phải đóng cửa rừng bằng mọi cách, mà cần có cách tiếp cận hài hoà, đồng bộ, tương tự như nhiều quốc gia đã làm. Cách thức giữ rừng, quản trị rừng, bảo vệ rừng hiệu quả nhất, phải chăng là để rừng luôn rộng mở với người dân, với cộng đồng, chào đón tất cả chúng ta cùng trở về, cùng chung tay gìn giữ, bảo tồn và phát triển?

Đồng thời, kinh tế lâm nghiệp bền vững cần được quan tâm, quyết không đánh đổi tăng trưởng bằng sự suy thoái môi trường, làm mất đi đa dạng sinh học, cân bằng tự nhiên. Cùng với giá trị kinh tế từ sản xuất gỗ thô, rừng còn là không gian bảo tồn các động vật hoang dã, là nơi trải nghiệm cảnh quan thiên nhiên, là nơi gìn giữ tính đa dạng sinh học, hấp thụ khí cácbon. Những giá trị gần như vô hình đó, tạo ra không gian sống hài hoà, thân thiện giữa con người với thiên nhiên. Cân bằng hệ sinh thái giúp con người qua các thế hệ được tận hưởng những “món quà” thiên nhiên ban tặng. Cân bằng hệ sinh thái rừng giúp cân bằng nhịp sinh học của chính con người, gieo vào con người tình yêu cây cối, yêu rừng, yêu thiên nhiên và trên hết là tình yêu con người.

Phát huy tiềm năng, thế mạnh và tính đa dụng của rừng -0
Bộ trưởng Lê Minh Hoan cùng đoàn công tác của Bộ NN và PTNT đã tái thả động vật hoang dã sau cứu hộ về rừng nguyên sinh Cúc Phương, trong Vườn Quốc gia Cúc Phương

Bộ trưởng Bộ NN và PTNT bày tỏ cám ơn những kinh nghiệm thực tiễn từ các quốc gia, thông qua các vị Đại sứ, Tham tán, chuyên gia, đối tác quốc tế, luôn là gợi mở hữu ích, thiết thực với sự phát triển rừng bền vững tại Việt Nam. Sự đồng hành, hỗ trợ của các tổ chức, đối tác quốc tế giúp nâng cao năng lực cộng đồng là vô cùng quan trọng, nhất là trong công tác bảo tồn, phục hồi hệ sinh thái rừng, ứng dụng kỹ thuật, công nghệ vào tuần tra, bảo vệ, giám sát đa dạng sinh học, nghiên cứu các loài động vật, thực vật nguy cấp, quý hiếm, tối ưu các giá trị đa chức năng của rừng...

Sáng cùng ngày, Bộ trưởng Lê Minh Hoan cùng đoàn công tác của Bộ NN và PTNT đã tái thả động vật hoang dã sau cứu hộ về rừng nguyên sinh Cúc Phương, trong Vườn Quốc gia Cúc Phương.

Tin và ảnh: Minh Hương
#