Chương trình phục hồi kinh tế triển khai quá chậm

- Thứ Ba, 24/05/2022, 06:42 - Chia sẻ

Ủy ban Kinh tế đánh giá việc Chính phủ vẫn chưa hoàn thiện trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội danh mục các dự án sử dụng nguồn vốn của Chương trình hỗ trợ phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội là quá chậm, làm giảm hiệu quả, ý nghĩa của Chương trình.

Trong Báo cáo thẩm tra đánh giá bổ sung kết quả thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2021; tình hình thực hiện những tháng đầu năm 2022, Ủy ban Kinh tế cho rằng, các nhiệm vụ thực hiện chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội theo Nghị quyết số 43 của Quốc hội triển khai chậm.

Cụ thể, sau 5 tháng từ khi Quốc hội ban hành Nghị quyết 43, cho đến nay, các chính sách quan trọng vẫn đang trong quá trình xây dựng hướng dẫn, chưa được áp dụng vào thực tiễn. Ví dụ, chính sách hỗ trợ lãi suất, triển khai chương trình “Sóng và máy tính cho em”, khơi thông nguồn vốn từ Quỹ Phát triển khoa học và công nghệ của doanh nghiệp, hướng dẫn cơ chế đặc thù được quy định tại Nghị quyết...

Chính phủ cũng mới trình bổ sung dự toán năm 2022 hơn 18,3 nghìn tỷ đồng cho các dự án đã có trong Kế hoạch đầu tư công trung hạn, chỉ tương đương 16% tổng số vốn dành cho đầu tư phát triển của Chương trình cần được phân bổ, bổ sung dự toán. Điều này dẫn đến áp lực phải giải ngân, tăng bội chi rất lớn trong năm 2023.

Đặc biệt, đến nay, Chính phủ vẫn chưa hoàn thiện trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội danh mục các dự án sử dụng nguồn vốn của Chương trình. Như vậy là “quá chậm, làm giảm hiệu quả, ý nghĩa của Chương trình”, Ủy ban Kinh tế nhấn mạnh.

Chương trình phục hồi kinh tế triển khai quá chậm -0
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh trình bày báo cáo thẩm tra kinh tế, xã hội, ngân sách. Ảnh: Quang Khánh

Trong báo cáo gửi tới Quốc hội, Chính phủ thừa nhận các dự án đầu tư sử dụng nguồn vốn Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội đến nay chưa trình được Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định bổ sung vốn là chậm so với yêu cầu.

Chính phủ giải thích, điều này là do phần lớn các dự án dự kiến bố trí từ nguồn Chương trình là các dự án mới, cần thời gian hoàn thiện thủ tục đầu tư theo quy định của Luật Đầu tư công. Sau khi có đủ điều kiện theo quy định mới có cơ sở để báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét việc bố trí vốn.

Trước đó, tại phiên họp ngày 11.5 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ bày tỏ lo ngại với tiến độ giải ngân “rất chậm” của gói chính sách tài khóa, tiền tệ 347 nghìn tỷ đồng của Chương trình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội.

Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh: “Theo tinh thần nghị quyết của Quốc hội, đến 2023 nếu không giải ngân được thì trình Quốc hội chấm dứt chứ không có chuyện đưa vào gói sau đó chuyển nguồn để làm lại. Nó không đúng tính chất gói kích thích kinh tế”.

Nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, giải pháp Chủ tịch Quốc hội đưa ra là xác đáng và hợp lý. Bởi lẽ, nếu cố thúc ép giải ngân bằng mọi giá thì hệ quả khó lường, nhất là khi mấu chốt của việc “tiêu tiền” chậm trễ này là do khâu chuẩn bị đầu tư còn yếu, không kỹ lưỡng, chưa đáp ứng yêu cầu. Hơn nữa, nếu giải ngân dồn sang năm 2023 thì với quy mô 347 nghìn tỷ đồng của Chương trình sẽ gây ra nhiều áp lực cho kinh tế vĩ mô và rủi ro cho nền kinh tế.  

Không chỉ Chương trình phục hồi, việc thực hiện các nghị quyết khác của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng rất chậm đã làm mất đi tính cấp thiết, ý nghĩa của chính sách hỗ trợ ở thời điểm khó khăn.

Ví dụ, Nghị quyết 12 của UBTVQH về các chính sách đặc thù trong lĩnh vực y tế ban hành rất khẩn trương, tuy nhiên sau 4 tháng, nghị định quy định chi tiết và biện pháp thi hành mới được ban hành. Hoặc, công tác hỗ trợ cho người lao động theo Nghị quyết 03 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội vẫn chưa thực hiện dứt điểm mặc dù đã hết thời hạn.

Hà Lan
#