Dự thảo Quy hoạch tổng thể quốc gia

Chưa thể hiện hoàn chỉnh bản chất của quy hoạch

- Thứ Hai, 08/08/2022, 06:37 - Chia sẻ

“Dự thảo Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 về tổng thể như một phiên bản của Quy hoạch tổng thể kinh tế - xã hội quốc gia nâng cao, chưa thể hiện được một cách hoàn chỉnh bản chất của quy hoạch” - KTS. Trần Ngọc Chính, Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam nhận xét.

“Vẫn chỉ là phép cộng thuần túy”

Cần khẳng định Việt Nam là quốc gia biển. Trong lợi thế và thách thức phát triển cần phân tích kỹ hơn vị trí, vai trò của khu vực đô thị, kinh tế biển đảo, du lịch, môi trường đô thị, môi trường biển. Vì hiện ô nhiễm môi trường đô thị đang có nguy cơ tăng; môi trường biển đang bị tổn thương rất nhiều và đang suy giảm nhiều về chất lượng. Đồng thời, cần làm rõ tác động tiêu cực đối với các hoạt động cải tạo không gian biển, thực chất là lấn biển không được kiểm soát thời gian qua. Về tổ chức không gian biển cần làm rõ thêm quy hoạch kiểm soát không gian ven bờ, xác định các vùng cần bảo tồn, cấm xây dựng, lấn biển.

KTS. Trần Ngọc Chính, Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam.

Dự thảo Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (Quy hoạch tổng thể quốc gia) là quy hoạch đầu tiên được triển khai lập ở nước ta theo Luật Quy hoạch năm 2017. Mặc dù cơ bản đã bám sát nhiệm vụ được Thủ tướng phê duyệt song về tổng thể, dự thảo “như một phiên bản của Quy hoạch tổng thể kinh tế - xã hội quốc gia nâng cao, chưa thể hiện được một cách hoàn chỉnh bản chất của quy hoạch. Đó là việc sắp xếp, phân bố không gian các hoạt động kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh gắn với phát triển kết cấu hạ tầng, sử dụng tài nguyên và bảo vệ môi trường trên lãnh thổ xác định để sử dụng hiệu quả các nguồn lực của đất nước phục vụ mục tiêu phát triển bền vững cho thời kỳ xác định” - KTS. Trần Ngọc Chính bình luận.

Theo dự thảo, định hướng và tổ chức không gian phát triển tập trung vào các ngành hạ tầng kỹ thuật gồm 8 lĩnh vực: giao thông; năng lượng; thông tin và truyền thông; công trình phòng chống thiên tai và hệ thống thủy lợi; hệ thống cảng cá và khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá; mạng lưới trạm khí tượng thủy văn và quan trắc môi trường; hệ thống hạ tầng phòng cháy chữa cháy; hệ thống công trình quốc phòng, khu quân sự, kho đạn dược, công nghiệp quốc phòng (được trình bày trong báo cáo riêng).

KTS. Trần Ngọc Chính nhận xét, định hướng tổ chức không gian phát triển các ngành hạ tầng kỹ thuật từ quan điểm, mục tiêu đến tổ chức không gian chưa bảo đảm tích hợp, vẫn mang tính chuyên ngành độc lập, ngành nào biết ngành ấy và “dường như vẫn chỉ là phép cộng thuần túy”. Về tổ chức không gian cho các ngành hạ tầng kỹ thuật chưa nói lên điều gì vì nếu là tổ chức không gian thì phải nghiên cứu hướng phát triển, phân vùng quy hoạch, chỉ tiêu đất đai dành cho phát triển (quỹ đất, quy mô…).

Chia sẻ với quan điểm trên, TS. Phạm Văn Tân, nguyên Phó Chủ tịch, Tổng thư ký Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (VUSTA) cho rằng, khi đọc nội dung báo cáo của dự thảo Quy hoạch tổng thể quốc gia, “người đọc có cảm nhận khá rõ đây mới chỉ là bản tổng hợp các bản quy hoạch thành phần của một số ngành, lĩnh vực: ngành giao thông vận tải thì đề xuất quy hoạch hạ tầng giao thông, ngành công thương đề xuất về quy hoạch năng lượng…”.

Cũng theo ông Tân, quy hoạch hạ tầng kỹ thuật quốc gia không chỉ có 8 lĩnh vực trên mà còn rất nhiều lĩnh vực khác cần phải bổ sung, như: hạ tầng kỹ thuật tại các đô thị; hạ tầng kỹ thuật vùng nông thôn, miền núi, hải đảo; hạ tầng kỹ thuật trong lĩnh vực giáo dục - đào tạo; hạ tầng kỹ thuật phục vụ khám bệnh, chữa bệnh… Đối với mạng lưới trạm khí tượng thủy văn và quan trắc môi trường, hạ tầng phòng cháy, chữa cháy nên đưa chung vào lĩnh vực hạ tầng kỹ thuật bảo vệ môi trường, phòng chống thiên tai, rủi ro, ứng phó với biến đổi khí hậu thay vì để thành lĩnh vực riêng.

Không nên đưa nội dung hạ tầng phòng cháy chữa cháy thành lĩnh vực riêng trong Quy hoạch tổng thể quốc gia.
Không nên đưa nội dung hạ tầng phòng cháy chữa cháy thành lĩnh vực riêng trong Quy hoạch tổng thể quốc gia

Điều kiện nào để thực hiện quy hoạch?

Định hướng phát triển ngành hạ tầng kỹ thuật cấp quốc gia là một trong các nội dung trong Quy hoạch tổng thể quốc gia, đồng thời sẽ được cụ thể hóa trong quy hoạch ngành cấp quốc gia. Vì thế, TS. KTS. Lê Thị Bích Thuận, Phó Tổng thư ký Tổng hội Xây dựng Việt Nam cho rằng, nội dung của định hướng phát triển ngành hạ tầng cấp quốc gia trong Quy hoạch tổng thể chỉ nên dừng ở mức độ xác định các mục tiêu, chỉ tiêu cần có để phục vụ việc phát triển kinh tế hiệu quả, tiết kiệm, không nên trình bày quá chi tiết vào việc đầu tư các công trình cụ thể vì đây là nội dung của quy hoạch ngành quốc gia.

Để xác định được mục tiêu, chỉ tiêu và định hướng không gian phát triển cho các ngành hạ tầng kỹ thuật quốc gia cần xác định rõ nhiệm vụ, chức năng mà hệ thống hạ tầng có nhiệm vụ phải phục vụ, tức là căn cứ vào nhu cầu xã hội. Trên cơ sở đó, chủ động không đầu tư dư thừa lãng phí nhưng không bị động quá tải do dự báo sai trong quy hoạch. Đáng tiếc, dự thảo Quy hoạch tổng thể quốc gia chưa nêu được luận chứng để phát triển ngành hạ tầng kỹ thuật mà đi sâu vào trình bày quy mô phát triển của từng ngành, thậm chí lấn sang nội dung của quy hoạch ngành quốc gia là không phù hợp, TS. KTS. Lê Thị Bích Thuận nêu.

Chẳng hạn, đối với hệ thống hạ tầng giao thông, dự thảo mới chỉ đề cập hạ tầng đường bộ, cảng biển, đường sắt, sân bay và các tuyến đường thủy nội địa mà không nêu rõ mức độ đáp ứng của từng phương thức vận tải cho nhu cầu xã hội, vì thế không xác định được hiệu quả đầu tư cho từng loại hình. Nội dung dự thảo chỉ mang tính liệt kê, không nêu được luận cứ, cơ sở để hình thành quy mô, số lượng các công trình hạ tầng giao thông cần đầu tư…

Điểm đáng chú ý được các chuyên gia chỉ ra là dự thảo Quy hoạch tổng thể quốc gia không đề cập điều kiện để thực hiện quy hoạch. Cụ thể, dự thảo chưa dự kiến nhu cầu sử dụng quỹ đất, nhu cầu về vốn cho từng giai đoạn, các hình thức huy động vốn, yếu tố nguồn nhân lực hay các giải pháp về chính sách phù hợp với trình độ phát triển kinh tế - xã hội và khả năng đáp ứng của Việt Nam là những yếu tố hết sức quan trọng quyết định tính khả thi của quy hoạch. “Việc dự thảo đi vào cuộc sống thế nào là vấn đề còn chưa rõ”, Chủ tịch VUSTA Phan Xuân Dũng nhấn mạnh. Vì vậy, để bảo đảm tính khả thi, dự thảo cần xác định rõ nguồn kinh phí cần thiết để thực hiện quy hoạch.

Đan Thanh