Phát triển điện gió ngoài khơi

Sớm hoàn thiện quy hoạch không gian biển

- Thứ Tư, 09/02/2022, 06:40 - Chia sẻ
Việt Nam có nhiều tiềm năng để phát triển điện gió ngoài khơi. Tuy nhiên, điều này cũng đem lại những thách thức về môi trường và xã hội, đòi hỏi cần sớm hoàn thiện quy hoạch không gian biển hiệu quả.

Tiềm năng cung cấp 12% điện năng năm 2035

Với hơn 3.200km bờ biển và tổng diện tích biển khoảng 1 triệu kilomet vuông, mực nước biển thấp, tốc độ gió thổi thường xuyên ở mức cao, Việt Nam có tiềm năng điện gió ngoài khơi rất lớn, nhất là vùng biển Nam Trung Bộ và Vịnh Bắc Bộ. Tính đến hết ngày 31.10.2021, Việt Nam đã có 88 dự án điện gió hòa lưới với tổng công suất đặt khoảng 4,2GW. Riêng với điện gió ngoài khơi, hiện đã có 35 dự án đang nghiên cứu và triển khai với tổng công suất dự kiến lên đến 60GW.

Việt Nam có nhiều tiềm năng phát triển điện gió ngoài khơi
Nguồn: ITN

Trong Báo cáo Lộ trình điện gió ngoài khơi cho Việt Nam, do Ngân hàng Thế giới (WB) vừa công bố, chỉ rõ: đến năm 2035, sẽ có khoảng 450 tua-bin gió ngoài khơi cỡ lớn vận hành, được lắp đặt trong khoảng 10 trang trại gió ngoài khơi móng cố định và một hoặc hai trang trại gió móng nổi. Bên cạnh đó, dựa trên các kế hoạch hiện tại, sẽ có khoảng 30 trang trại điện gió gần bờ nhỏ sử dụng tua-bin nhỏ hơn.

WB đưa ra hai kịch bản tiềm năng để phát triển điện gió ngoài khơi của Việt Nam. Kịch bản tăng trưởng thấp (cung cấp 5% nhu cầu điện) và kịch bản tăng trưởng cao (cung cấp 12% nhu cầu điện) vào năm 2035. Cả hai kịch bản đều có thể mang lại lợi ích đáng kể cho Việt Nam.

Tuy nhiên, khi phân tích các điểm mạnh, điểm yếu, cơ hội và nguy cơ đối với Việt Nam cho thấy, nếu theo kịch bản thấp, quy mô thị trường sẽ không thu hút được nhiều quan tâm của các đơn vị phát triển quốc tế cũng như sẽ không duy trì được sự cạnh tranh trong nước đủ để có thể cạnh tranh về cung ứng cũng như sản xuất móng. Bên cạnh đó, chi phí năng lượng cao hơn 23% so với kịch bản tăng trưởng cao và chi phí ròng lũy kế cao hơn 2,5 lần cho 47% điện năng vào năm 2035. Đặc biệt, Chính phủ phải làm cùng một khối lượng công việc để tạo ra 27% khối lượng việc làm và tổng giá trị gia tăng so với kịch bản tăng trưởng cao. Đồng thời, việc này cũng sẽ phụ thuộc quá nhiều vào các dự án điện gió gần bờ có tác động môi trường và xã hội cao.

Trong khi đó, ở kịch bản cao, sẽ giảm chi phí nhanh hơn, tới 20% chi phí năng lượng quy đổi (LCOE) vào năm 2035; tăng gần 4 lần số lượng việc làm địa phương và giá trị gia tăng cho nền kinh tế; giảm hơn một nửa chi phí ròng cho người tiêu dùng. “Điện gió ngoài khơi có thể đóng một vai trò quan trọng trong việc đáp ứng bền vững nhu cầu điện đang gia tăng nhanh chóng của Việt Nam và có tiềm năng cung cấp 12% điện năng của Việt Nam vào năm 2035”, WB đánh giá.

Làm rõ đánh giá tác động

Tuy vậy, việc phát triển điện gió ngoài khơi cũng đem lại những thách thức về môi trường và xã hội. Cụ thể, các chuyên gia của WB cho rằng, việc phát triển điện gió ở các khu vực gần bờ (cách bờ 3 hải lý, tương đương 5,5km) có nguy cơ cao gây ra tác động xấu đến môi trường và xã hội, bởi các lý do như: đó là sự hiện diện của các loài động vật nằm trong Sách Đỏ ở các vùng ven biển; việc các khu vực này gần với các môi trường sống được bảo vệ hoặc nhạy cảm; tác động tiềm tàng đến động lực trầm tích ven biển cũng như đến các cộng đồng ven biển, đặc biệt là đối với sinh kế của những người đánh bắt tận thu. Các dự án điện gió gần bờ nằm gần khu vực đa dạng sinh học trọng điểm, khu vực môi trường sống quan trọng hoặc nhạy cảm của động vật hoang dã sẽ khó đáp ứng tiêu chuẩn của các quỹ quốc tế, thường tuân theo tiêu chuẩn môi trường và xã hội của WB.

Để tránh hoặc quản lý những tác động này, cần phải hoàn thành quy hoạch không gian biển hiệu quả ngay từ đầu. Các đánh giá tác động môi trường và xã hội (ESIA) cụ thể cho từng dự án sẽ được yêu cầu để thu thập dữ liệu cơ bản và xác định các biện pháp thích hợp để tránh, giảm thiểu và bù đắp cho các tác động liên quan đến dự án.

“Trong trường hợp không có hướng dẫn và tiêu chuẩn rõ ràng của Chính phủ đối với đánh giá tác động môi trường và xã hội, lựa chọn địa điểm và phát triển các dự án ban đầu không tốt, bao gồm các dự án điện gió gần bờ, có thể dẫn đến các tác động bất lợi về môi trường và xã hội, làm tổn hại đến uy tín của ngành, làm chậm các cơ hội đầu tư từ nước ngoài và triển vọng tăng trưởng trong tương lai”, Báo cáo của WB chỉ rõ.

Dẫn kinh nghiệm thách thức lớn nhất với các dự án điện gió ngoài khơi ở châu Âu là về bảo vệ môi trường và bảo đảm sinh kế cho người dân chứ không phải là vấn đề kỹ thuật, ông Bernard Casey, Giám đốc phát triển Mainstream Renewable Power cho rằng, đây là vấn đề Việt Nam cần quan tâm. Theo ông, Việt Nam phải đánh giá tác động của các dự án này với cộng đồng địa phương như sẽ ảnh hưởng tới đánh bắt cá thế nào và tránh tác động tiêu cực. Muốn vậy, phải đào tạo nâng cao năng lực cho ngư dân, chuyển đổi nghề đánh bắt xa bờ. Bên cạnh đó, phải đánh giá môi trường sinh thái của chim, động vật bản địa, bao gồm nghiên cứu cả về quy trình di cư, đặc biệt là hoạt động xây móng trụ cột cần thực hiện chi tiết để không vướng về luật pháp nhưng cũng thu hút về tài chính đầu tư các dự án.

Minh Châu