Covid cản đà tăng trưởng của ngành gỗ

- Thứ Tư, 08/09/2021, 14:57 - Chia sẻ
Từ giữa tháng 7 đến nay, kim ngạch xuất khẩu gỗ sụt giảm đáng kể do ảnh hưởng của dịch bệnh. Trong cả 2 kịch bản xuất khẩu 4 tháng cuối năm Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam xây dựng, mục tiêu 14,5 tỷ USD đặt ra đầu năm đều không đạt được.
Ngành gỗ đang đối mặt với nhiều khó khăn do covid-19
Nguồn: ITN

Nguy cơ chậm, mất đơn hàng

Thống kê từ Tổng cục Hải quan, kim ngạch xuất khẩu của ngành gỗ trong tháng 7 chỉ đạt 1,33 tỷ USD, giảm 14,4% so với tháng 6; nửa đầu tháng 8 tiếp tục giảm 45,46% so với cùng kỳ tháng 7 và đạt 373 triệu USD. Kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ giảm rất sâu (10 – 23%) ở hầu hết các thị trường như Mỹ, Trung Quốc, EU, Hàn Quốc, Canada...

Theo Tổng thư ký Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam (Vietfores) Ngô Sỹ Hoài, sự sụt giảm này là do các tỉnh thành phía Nam, nơi có đến 70% doanh nghiệp gỗ của cả nước,phải thực hiện giãn cách. Mới đây, Vietfores khảo sát 162 doanh nghiệp gỗ ở TP. Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai, Long An và Tây Ninh. Trong số này, 52% doanh nghiệp đã ngừng hoạt động, 44/68 nghìn người lao động đã tạm nghỉ việc. Những doanh nghiệp áp dụng “3 tại chỗ” cũng đối mặt với rất nhiều khó khăn như công suất sụt giảm trong khi chi phí tăng cao, nguy cơ lây nhiễm rình rập…

Hiệp hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TP. Hồ Chí Minh (HAWA) thông tin, hiện chỉ có 30 - 40% trong số hơn 600 doanh nghiệp thành viên còn duy trì hoạt động và công suất cũng chỉ đạt 35 - 40%. Cao điểm xuất khẩu của ngành từ tháng 8 đến tháng 11 nhưng khả năng hoàn thiện các đơn hàng trong thời gian tới rất khó.

Tương tự, Công ty CP Kỹ nghệ gỗ Tiến Đạt (Bình Định) cho biết, trước đây doanh nghiệp xuất khẩu hàng trăm container sản phẩm mỗi tháng thì nay giảm mạnh chỉ còn 40 container. Nếu không thể ổn định sản xuất, nguy cơ chậm đơn hàng rất lớn.

Theo ông Hoài, thời điểm này, đơn hàng tới tấp đổ về nhưng nhiều doanh nghiệp phải hủy nhiều đơn hàng vì chuỗi sản xuất bị đứt gẫy. Ngay cả khi kiểm soát được dịch doanh nghiệp cũng chưa thể phục hồi ngay được. Đây là thách thức không nhỏ của ngành.

Doanh nghiệp cần chia sẻ gánh nặng chi phí 

Phó chủ tịch HAWA Nguyễn Chánh Phương cho rằng, lúc này cần ưu tiên tiêm vaccine cho lao động của các doanh nghiệp gỗ đang thực hiện “3 tại chỗ”, đặc biệt ở phía Nam. Hiện doanh nghiệp phải gánh 2 khoản chi phí lớn là xét nghiệm nhanh Covid và tiền ăn cho công nhân, trong khi y tế của các địa phương cũng quá tải, nhiều nhà máy phải giữ lại F0 để điều trị. Nhà nước cần sớm hỗ trợ doanh nghiệp tháo gỡ những khó khăn này. Về các địa phương phải làm rõ: lao động đi làm trở lại cần những yêu cầu gì để doanh nghiệp nắm được và chủ động kế hoạch sản xuất.

Cũng theo ông Phương, mô hình “4 xanh” gồm người lao động xanh, cung đường xanh, vùng sản xuất xanh và nơi ở xanh sẽ giúp doanh nghiệp ổn định và duy trì hoạt động sản xuất và tránh được rủi ro. Ông khuyến khích doanh nghiệp đăng ký thực hiện mô hình này, nhưng địa phương cần có hướng dẫn cụ thể và cung cấp cho doanh nghiệp những thông tin cần thiết. Ví dụ "cung đường xanh" là những con đường nào? Công nhân lưu trú ở "vùng xanh" là họ đến lưu trú tập trung tại một nơi an toàn hay được về nhà trong những "vùng xanh"?

Theo tính toán của Vietfores, có 2 kịch bản xuất khẩu gỗ trong 4 tháng cuối năm. Kịch bản thứ nhất, xuất khẩu quý III tiếp tục giảm, quý IV bắt đầu hồi phục khoảng 70%, đưa tổng kim ngạch xuất khẩu ngành gỗ đạt khoảng 13,55 tỷ USD. Kịch bản thứ 2, xuất khẩu tiếp tục đà giảm cho đến hết quý IV và tổng kim ngạch xuất khẩu đạt khoảng 12,69 tỷ USD.

“Nỗi lo lớn nhất lúc này là đà tăng trưởng 20 năm qua của ngành gỗ sẽ quay trở lại xuất phát điểm. Do đó, bên cạnh nỗ lực duy trì sản xuất của doanh nghiệp, Nhà nước cần chính sách hỗ trợ đủ mạnh và hỗ trợ hiệu quả”, Tổng thư ký Vietfores Ngô Sỹ Hoài nói. Ông đề đề xuất các chính sách như: lùi thời gian đóng bảo hiểm xã hội ít nhất 6 tháng, tạm dừng đóng phí công đoàn, giảm 50% tiền thuê đất... Quan trọng nhất, Ngân hàng Nhà nước xem xét, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho doanh nghiệp vay vốn để duy trì dòng tiền phục vụ hoạt động sản xuất.

Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29.5.2020 của Chính phủ

Hạnh Nhung