Giải ngân đầu tư công:

Tổ chức thực hiện vẫn là khâu yếu

- Thứ Sáu, 27/05/2022, 22:37 - Chia sẻ

Cùng một mặt bằng thể chế nhưng có những bộ, ngành, địa phương giải ngân rất tốt, trong khi đó, có những bộ, ngành, địa phương giải ngân kém hơn. Khâu tổ chức thực hiện của chúng ta vẫn là một khâu yếu.

Thứ trưởng Bộ Tài chính Võ Thành Hưng đã nhấn mạnh điều này tại Tọa đàm Bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế và phát triển bền vững do Cổng Cổng Thông tin điện tử Chính phủ tổ chức chiều nay, 27.5.

Giải ngân 22-23% trong 5 tháng

Vấn đề đầu tư công là một trong những nội dung được nhiều đại biểu quan tâm tại tọa đàm chiều nay. Đề cập đến vấn đề đầu tư công, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Lê Minh Hoan cho rằng, đây là “vấn đề day dứt của Chính phủ và của Thủ tướng Chính phủ”.

TỔNG THUẬT: Tọa đàm 'Bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế và phát triển bền vững' - Ảnh 1.
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan. Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Cũng theo Bộ trưởng Lê Minh Hoan, mặc dù chúng ta đã có chủ trương đầu tư trung hạn, tức là danh mục đầu tư trung hạn đã làm rồi, “nhưng danh mục quy hoạch đầu tư cho trung hạn vẫn có nhiều cái chưa được hoàn chỉnh lắm”. Do đó, khi chúng ta đăng ký thì hình dung sẽ làm được nhưng khi bắt tay vào thực hiện thì nhiều vướng mắc như: chuyển đổi đất rừng, chuyển đổi đất lúa, đền bù...

Nêu những khó khăn này, Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho rằng, chuẩn bị đầu tư vẫn là khâu chủ yếu. Tất cả vấn đề liên quan đến một dự án, không chỉ là "mưa thuận gió hòa", nhiều khi đang bàn thì bão lũ tới rồi. Những dự án càng dài thì càng có những biến động về giá cả, biến động về thời tiết và rất nhiều biến động khác, ngay cả Covid-19 vừa qua, rất nhiều công trường cũng "đóng băng" – Bộ trưởng Lê Minh Hoan nói.

TỔNG THUẬT: Tọa đàm 'Bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế và phát triển bền vững' - Ảnh 1.
Thứ trưởng Bộ Tài chính Võ Thành Hưng - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Cùng chung trăn trở về đầu tư công, Thứ trưởng Bộ Tài chính Võ Thành Hưng cho rằng, đây không phải vấn đề mới, chúng ta đã nhìn nhận rất nhiều năm qua, đã có rất nhiều cuộc hội thảo, hội nghị và chỉ ra rất nhiều nguyên nhân cả chủ quan và khách quan, cả về mặt thể chế và tổ chức thực hiện, cả trách nhiệm của Trung ương và trách nhiệm của các địa phương. Tuy nhiên, trong 5 tháng đầu năm 2022, chúng ta mới giải ngân được khoảng 22-23%. “Mức này có cao hơn một chút so với cùng kỳ của năm 2021 nhưng so với kế hoạch năm là thấp” – ông Hưng nói.

Theo ông Hưng, công tác chuẩn bị đầu tư của các bộ, ngành, địa phương đối với các dự án là yếu, thể hiện ở chỗ dự toán Thủ tướng Chính phủ giao chúng ta không phân bổ được hết ngay từ đầu năm, phải phân bổ nhiều lần trong năm. Đến thời điểm hiện nay theo dõi của Bộ Tài chính vẫn còn 11 bộ và 17 địa phương chưa phân bổ hết dự toán năm 2022 như Thủ tướng giao. “Yếu trong khâu dự toán sẽ dẫn đến vấn đề chậm chạp trong khâu thực hiện, vướng vấn đề này vấn đề kia”- ông Hưng bày tỏ lo ngại.

Bên cạnh đó, ông Hưng cho rằng, vấn đề vướng thứ hai là vướng về giải phóng mặt bằng. Trong thời gian qua giá nhà đất ở một số địa phương có tăng và đó cũng là một yếu tố dẫn đến giải phóng mặt bằng sẽ khó khăn hơn. Bên cạnh đó, cũng có nhiều vụ việc liên quan đến đất đai thì công tác giải phóng mặt bằng cũng có “chỗ này, chỗ kia” gặp vướng mắc. Ngoài ra, giá cả nguyên vật liệu tăng cao, nhiều chủ đầu tư thậm chí bỏ cọc để không bị lỗ thêm. Vì vậy cũng ảnh hưởng rất nhiều đến dự án.

Tuy nhiên, điều quan trọng vẫn là do khâu tổ chức thực hiện. Cùng một mặt bằng thể chế nhưng có những bộ, ngành, địa phương giải ngân rất tốt, trong khi đó, cũng có những bộ, ngành, địa phương giải ngân kém hơn. Khâu tổ chức thực hiện của chúng ta vẫn là một khâu yếu – ông Hưng đặc biệt nhấn mạnh.

Hỗ trợ cho hơn 50 triệu lượt người lao động

Đánh giá về bức tranh bảo đảm an sinh xã hội tại các địa phương trong điều kiện mở cửa kinh tế hiện nay, Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Lê Văn Thanh cho hay, Chính phủ đã ban hành rất nhiều chính sách quan trọng để hỗ trợ cho người dân, doanh nghiệp và người lao động vượt qua đại dịch Covid-19. Nghị quyết 42/NQ-CP hỗ trợ người dân, doanh nghiệp, trong đó, có người nghèo, người lao động, người có công. Đặc biệt là Nghị quyết 68/NQ-CP, với 12 nhóm chính sách được ban hành nhằm hỗ trợ người lao động bị mất việc làm, người lao động bị ngừng việc, người lao động bị thất nghiệp, trong đó có người lao động tự do, hỗ trợ cả doanh nghiệp (từ giãn đóng bảo hiểm thất nghiệp, cho vay trả lương…). Tổng tất cả những chính sách này, chúng ta đã hỗ trợ cho hơn 50 triệu lượt người lao động và người dân, với tổng mức 81 nghìn tỷ đồng.

TỔNG THUẬT: Tọa đàm 'Bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế và phát triển bền vững' - Ảnh 1.
Thứ trưởng Bộ Lao động -Thương binh và Xã hội Nguyễn Văn Thanh

Bên cạnh đó, để bảo đảm an sinh, giúp người dân vượt qua khó khăn trong đại dịch, các địa phương ban hành thêm chính sách riêng để hỗ trợ các người lao động tự do, những đối tượng lao động đặc thù mà Nghị quyết của Trung ương chưa phủ đến. Qua khảo sát, hầu hết các đối tượng đã được hỗ trợ vượt qua khó khăn do đại dịch Covid-19. Người lao động có an sinh tốt hơn, người sử dụng lao động có điều kiện vượt qua khó khăn.

Việc giải ngân hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động theo Chương trình phục hồi, phát triển kinh tế-xã hội “vẫn chậm hơn so với mong muốn”. Đến nay mới giải ngân được khoảng 40 tỷ đồng cho hơn 10.000 lao động. Số này đang còn nhỏ so với yêu cầu là 6.600 tỷ đồng cho gần 4 triệu lao động. Bộ vừa đôn đốc các địa phương, yêu cầu thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa, để trong tháng 6.2022 cơ bản lập được hết danh sách và người lao động cơ bản nhận được số tiền này. Đề nghị Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Liên đoàn Lao động các địa phương phát huy vai trò của Công đoàn cơ sở đôn đốc các doanh nghiệp nhanh chóng lập danh sách gửi thẩm định.

Thứ trưởng Bộ Lao động -Thương binh và Xã hội Nguyễn Văn Thanh

Theo Thứ trưởng Nguyễn Văn Thanh, có thể thấy, qua Covid-19, nhờ có an sinh xã hội đã giúp bảo đảm an ninh trật tự, an toàn xã hội, thực hiện mục tiêu kép vừa phòng, chống dịch, vừa phục hồi kinh tế - xã hội. Trải qua 2 năm phòng, chống dịch Covid-19, nhiều doanh nghiệp bị phá sản hoặc dừng hoạt động, dẫn đến một loạt người lao động bị mất việc làm. Nhờ có các chính sách cho vay vốn trả lương, phục hồi sản xuất, giúp cho người lao động có việc làm trở lại.

Việc thực hiện Nghị quyết 68/NQ-CP, 3.600 doanh nghiệp, người sử dụng lao động đã được vay vốn và hỗ trợ cho 1,2 triệu người lao động, với kinh phí khoảng 4.800 tỷ đồng. Qua đánh giá của các doanh nghiệp, nguồn hỗ trợ này đã giúp doanh nghiệp có nguồn kinh phí để trả lương, giữ chân người lao động. Vì vậy, đến nay, các doanh nghiệp cơ bản đã phục hồi được sản xuất kinh doanh, đáp ứng được yêu cầu phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội Thứ trưởng Lê Văn Thanh thông tin thêm.

Ông Thanh cũng cho biết, qua thực tế kiểm tra, hầu hết các đối tượng đã nhận được hỗ trợ, còn có thể có một số ít chưa nhận được, Bộ đang yêu cầu các địa phương rà soát lại. Đặc biệt lần này, Bộ đang yêu cầu thực hiện theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, gửi công điện cho các địa phương thực hiện tổng kết Nghị quyết 68/NQ-CP. Vấn đề nào chưa nhận được cần báo cáo lên trên để kịp thời giải quyết cho người dân – ông Thanh nói.

Lê Hùng
#