Các nhà thực vật học phát hiện thêm 6 loài thực vật đặc hữu tại Việt Nam cho thế giới

- Chủ Nhật, 16/04/2023, 18:12 - Chia sẻ

Các nhà thực vật học từ trường Đại học Văn Lang và các đồng nghiệp phát hiện thêm sáu loài thực vật đặc hữu tại Việt Nam cho thế giới, và một loài mới cho Việt Nam.

Trong những năm gần đây, TS. Phạm Văn Thế - Trưởng Phòng Thí nghiệm Quản lý Sinh thái và Môi trường, Viện Tiên tiến Khoa học và Công nghệ của trường Đại học Văn Lang phối hợp với các đồng nghiệp từ Viện Sinh thái và Tài nguyên Sinh vật, Viện Hàn Lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam và các nhà khoa học từ Nhật bản và Nga đã phát hiện ra sáu loài thực vật mới cho thế giới đang sinh trưởng tại Việt Nam và một loài mới cho hệ thực vật Việt Nam.

Tất cả các loài thực vật trên đều được phát hiện trong các chuyến điền dã của nhóm tại các vùng rừng núi của Việt Nam trong khoảng thời gian từ cuối năm 2021 đến đầu năm nay.

Các phát hiện quan trọng trên đều được nhóm công bố trên các tập san ISI uy tín nên có giá trị tham khảo cao. Đa phần các loài trên đều có hoa đẹp, cây nhỏ nên có giá trị làm cây cảnh, một số loài có tiềm năng tốt cho dược liệu.

Sáu loài mới đang sinh trưởng tại Việt Nam cho thế giới bao gồm:

Các nhà thực vật học phát hiện thêm 6 loài thực vật đặc hữu tại Việt Nam cho thế giới -0
Hình 1: Hoa và lá loài Sát khuyển quảng bình. (Ảnh: Phạm Văn Thế)

1- Sát khuyển Quảng Bình (hình 1) có tên khoa học là Cynanchum quangbinhense thuộc họ Trúc đào (Apocynaceae) được phát hiện tại khu vực núi đá vôi xã Hóa Sơn, huyện Minh Hóa, tỉnh Quảng Bình (thuộc vùng đệm của Vườn Quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng).

Đặc điểm nổi bật của loài này là dây leo nhỏ, thân lá có nhựa mủ trắng, hoa nhỏ và màu hơi vàng pha lẫn xanh. Hiện Việt Nam đã ghi nhận được tổng cộng 7 loài Sát khuyển, bao gồm cả loài mới công bố.

Hầu hết các loài trong chi này đều có độc, vì vậy có giá trị tiềm năng cho dược liệu. Sát khuyển Quảng Bình được công bố chi tiết trên tạp chí ISI chuyên ngành thực vật Taiwania vào cuối năm 2021 (Cynanchum quangbinhense (Apocynaceae: Asclepiadoideae), a new species from vietnam, and additional information on c. officinale. Taiwania, 66(4), 2021, 459–465. https://doi.org/10.6165/tai.2021.66.459).

Các nhà thực vật học phát hiện thêm 6 loài thực vật đặc hữu tại Việt Nam cho thế giới -0
Hình 2: Cây và hoa của loài tỏi đá Sơn La (Ảnh: Trịnh Ngọc Bon)

2. Tỏi đá Sơn La (hình 2) có tên khoa học là Aspidistra sonlaensis thuộc họ Măng tây (Asparagaceae) được phát hiện tại khu vực rừng nguyên sinh đang bị tác động mạnh thuộc xã Ngọc Chiến, huyện Mường La, tỉnh Sơn La.

Đây là một loài thân rễ, có lá rộng, và dài đến 1,5m. Cụm hoa gần sát đất, hoa lúc non hơi xanh trắng, lúc già chuyển dần sang tím đỏ. Loài thực vật này ưa bóng mát, nơi ẩm, có lá dài và rộng nên rất thích hợp cho các cảnh quan đô thị.

Chi tiết loài Tỏi đá Sơn La được đặt tên theo đặc điểm địa danh nơi phát hiện và công bố trên tạp chí ISI chuyên ngành thực vật Phytotaxa vào cuối năm 2021 (Aspidistra sonlaensis (Asparagaceae, Nolinoideae), a new species from northern Vietnam. Phytotaxa, 528(1), 2021, 10–18. https://doi.org/10.11646/phytotaxa.528.1.2)

Các nhà thực vật học phát hiện thêm 6 loài thực vật đặc hữu tại Việt Nam cho thế giới -0
Hình 3: Hoa của loài Huệ đá hoa vàng nhạt tại Vườn Quốc gia Cát Tiên. (Ảnh Phạm Thị Thành Đạt và Nguyễn Sinh Khang)

3- Huệ đá hoa vàng nhạt (hình 3) có tên khoa học là Peliosanthes luteoviridis thuộc họ Măng tây (Asparagaceae) được nhóm nghiên cứu phát hiện tại Vườn Quốc gia Cát Tiên, tỉnh Đồng Nai.

Đây cũng là một loài thực vật nhỏ, ưa bóng mát, hoa khá đẹp. Hoa tuy nhỏ nhưng nổi bật bởi màu hoa vàng nhạt pha lẫn xanh nhạt.

Loài mới này cũng được công bố trên tạp chí Phytotaxa vào đầu năm 2022 (Peliosanthes luteoviridis (Asparagaceae), a new species with yellowish green flowers from southern Vietnam. Phytotaxa, 538(3), 2022, 234–240. https://doi.org/10.11646/phytotaxa.538.3.6)

Các nhà thực vật học phát hiện thêm 6 loài thực vật đặc hữu tại Việt Nam cho thế giới -0
Hình 4: Hoa loài Mạch môn Mường Nhé. (Ảnh Nguyễn Sinh Khang)

4- Mạch môn Mường Nhé (hình 4) có tên khoa học là Ophiopogon muongnhensis thuộc họ Măng tây (Asparagaceae) được phát hiện tại điểm cực tây của tổ quốc, thuộc khu vực rừng nguyên sinh A Pa Chải, xã Sín Thầu, huyện Mường Nhé, tỉnh Điện Biên. Loài mạch môn này có đặc điểm nổi bật là cây thân rễ có lá dài đến 90 cm, hình dải thuôn hẹp, mặt dưới lá sáng bạc, cụm hoa cao khoảng 20 cm mang 9-12 chùm hoa.

Hoa màu trắng, hơi xanh và có nhiều đốm tím ở mặt trong cánh hoa. Loài Mạch môn mới này được công bố vào đầu tháng Tư, 2023 trên tạp chí Phytotaxa (Ophiopogon muongnhensis (Asparagaceae, Convallarioideae), a new species from northwest Vietnam. Phytotaxa 591 (2), 2023, 171–176).

Theo TS. Phạm Văn Thế thì một vài loài Mạch môn đã được y thư cổ xác nhận là có giá trị dược liệu cao, vì vậy ông Thế dự định sẽ cùng đồng nghiệp tiếp tục nghiên cứu tiềm năng dược liệu của loài mới này.

Các nhà thực vật học phát hiện thêm 6 loài thực vật đặc hữu tại Việt Nam cho thế giới -0
Hình 5: Mặt dưới lá mang các ổ bào tử của loài Ráng yểm dực Đà Nẵng. (Ảnh Phạm Văn Thế)

5- Ráng yểm dực Đà Nẵng (hình 5) có tên khoa học là Tectaria danangensis thuộc họ Ráng yểm dực (Tectariaceae) được tìm thấy tại Vườn Quốc Gia Bạch Mã (tỉnh Thừa Thiên Huế), nơi tiếp giáp với khu vực rừng của tỉnh Đà Nẵng. Đây là một loài thuộc nhóm thực vật cổ, nhóm Dương xỉ. Nhóm này không có hoa, sinh sản bằng bào tử, hoặc sinh sản vô tính.

Loài mới này mọc dưới tán rừng nguyên sinh, có lá cao gần 1 m (tính cả cuống). Đây là một phát hiện đặc biệt vì rất hiếm khi tìm ra loài mới ở nhóm thực vật cổ này.

Công bố loài mới này được xuất bản trên tạp chí chuyên ngành PhytoKeys vào gần giữa năm 2022 (Tectaria danangensis (Tectariaceae), a new fern species from Vietnam. PhytoKeys 194, 2022, 1–13. https://doi.org/10.3897/phytokeys.194.80129).

Các nhà thực vật học phát hiện thêm 6 loài thực vật đặc hữu tại Việt Nam cho thế giới -0
Hình 6: Hoa loài Thu hải đường đá vôi. (Ảnh Fan Changli)

6- Thu hải đường đá vôi (hình 6) có tên khoa học là Begonia holostyla thuộc họ Thu hải đường (Begoniaceae) phát hiện tại khu vực rừng trên núi đá vôi thuộc các tỉnh Hòa Bình, Sơn La và Thanh Hóa. Loài thực vật này có thân rễ và lá mập. Lá non đỏ, hoa màu trắng rất đẹp. Thông thường các loài Thu hải đường đều được những người chơi cây cảnh sưu tầm.

Trên thế giới có khoảng gần 2000 loài/dưới loài Thu hải đường, và khoảng gần 40 loài có lá hình lọng như vậy. Do đó, nhóm phải mất nhiều năm nghiên cứu mới quyết định công bố loài mới.

Phát hiện này được đăng tải trên tạp chí Bulletin of Botanical Research vào gần cuối năm 2022 (Begonia holostyla, A New Species of Peltate-leaved Begoniaceae from the Karst Region of Northern Vietnam. Bulletin of Botanical Research, 2022, 42 (4): 521-527. DOI: 10.7525/j.issn.1673-5102.2022.04.001).

Bên cạnh những loài công bố mới cho khoa học, nhóm nghiên cứu của TS. Phạm Văn Thế còn phát hiện một loài ghi nhận mới cho hệ thực vật Việt Nam, đó là loài Parnassia procul. Loài thực vật này được phát hiện đầu tiên tại Thái Lan, và gần đây phát hiện thấy phân bố tại Langbian, Đà Lạt, Lâm Đồng.

Các nhà thực vật học phát hiện thêm 6 loài thực vật đặc hữu tại Việt Nam cho thế giới -0
Hình 7: Loài Parnassia wightiana trong sinh cảnh tự nhiên và hoa loài Parnassia wightiana. (Ảnh Phạm Văn Thế)

Đây là loài ưa ẩm, ưa sáng thường hay mọc ven suối, bãi cỏ. Chúng có thân mang hoa, lá cao khoảng 20 cam. Cánh hoa xẻ răng cưa rất đặc biệt, và các nhị lép (nhị không có bao phấn) đặc trưng của chi Parnassia.

Tính đến nay, mới chỉ có hai loài Parnassia phát hiện phân bố ở Việt Nam. Ngoài loài vừa kể trên, loài còn lại là Parnassia wightiana cũng được nhóm nghiên cứu phát hiện tại Yên Bái và Hà Giang.

Các loài Parnassia trên thường có giá trị dược liệu rất cao, trong đó có loài P. wightiana. Công bố chi tiết về hai loài này được đăng tải trên tạp chí Phytotaxa và cuối năm 2022 (The genus Parnassia in Vietnam, and a checklist of Vietnamese Celastraceae. Phytotaxa, 536(3), 2022, 213–227. https://doi.org/10.11646/phytotaxa.536.3.2).

Các phát hiện trên một lần nữa xác nhận tính đa dạng sinh học của hệ thực vật tại Việt Nam và càng làm cho chúng ta hiểu hơn về cách làm việc tỉ mỉ của các nhà khoa học nhằm phát hiện các loài mới, đóng góp vào kho tàng tri thức chung của nhân loại.

Nhật Hồng
#