Nên dừng ở mức độ khuyến cáo...

- Thứ Tư, 12/11/2014, 15:47 - Chia sẻ
Việc bảo dưỡng kỹ thuật, sửa chữa phương tiện giao thông đường bộ là việc làm cần thiết, thế nhưng theo Thông tư 53 của Bộ Giao thông – Vận tải vẫn còn không ít băn khoăn…

Theo Thông tư 53 thì các đơn vị vận tải, chủ xe, lái xe phải thực hiện các quy định về bảo dưỡng thường xuyên, định kỳ phương tiện để duy trì an toàn kỹ thuật của xe. Việc bảo dưỡng thường xuyên được thực hiện hàng ngày hoặc trước, sau và trong mỗi chuyến đi; bảo dưỡng định kỳ thực hiện theo chu kỳ được xác định theo quãng đường hoặc thời gian xe chạy...

Có thể thấy, việc ban hành Thông tư này là cần thiết nhằm góp phần bảo đảm an toàn giao thông. Thế nhưng trên thực tế vẫn còn một số vấn đề cần phải xem xét.

Thứ nhất, việc thực hiện bảo dưỡng kỹ thuật, sửa chữa phương tiện giao thông đường bộ theo cách nhìn nhận chung từ trước tới nay của người tiêu dùng đơn thuần chỉ là theo khuyến cáo của nhà sản xuất. Có thực hiện đầy đủ theo đúng khuyến cáo hay không là việc của người sử dụng chứ nhà sản xuất không bắt buộc. Còn đối với việc sửa chữa thì đó là việc đương nhiên. Hỏng hóc thì phải sửa chữa thì mới có thể vận hành được. Hơn nữa, theo quy định hiện này thì các phương tiện giao thông đường bộ quy định tại Thông tư này đã phải bắt buộc thực hiện đăng kiểm theo định kỳ mới được phép lưu thông.

Thứ hai là giả sử quy định này được các chủ phương tiện thực hiện một cách đầy đủ và nghiêm túc thì giá trị của tem kiểm định phương tiện của cơ quan đăng kiểm có giá trị pháp lý như thế nào? Liệu khi phương tiện đến hạn phải kiểm định có phải xuất trình giấy tờ chứng minh phương tiện đã thực hiện nghiêm túc các quy định theo Thông tư 53 như một quy định bắt buộc khi phương tiện đến hạn phải thực hiện đăng kiểm hay không? Và nếu có thì ở đây không thể loại trừ yếu tố tiêu cực bởi theo Điều 8, Chương II của Thông tư thì kết quả bảo dưỡng định kỳ của cơ sở bảo dưỡng, sửa chữa đơn thuần chỉ là “phải được thể hiện trong Sổ bảo dưỡng sửa chữa”.

Liệu Thông tư này có gây phiền toái cho chủ các phương tiện hay không và liệu đây có phải là “cơ hội” để các cơ sở bảo dưỡng, sửa chữa tăng thêm thu nhập hay không?

Có lẽ việc bảo dưỡng phương tiện chỉ nên dừng ở mức độ khuyến cáo của nhà sản xuất.

Minh Vân