Triển khai Chiến lược phát triển giáo dục nghề nghiệp giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045:

Lấy kế hoạch phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội địa phương làm căn cứ

- Thứ Sáu, 27/05/2022, 19:27 - Chia sẻ

Đó là một trong những lưu ý của Phó tổng cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp Phạm Vũ Quốc Bình tại Hội nghị triển khai chiến lược phát triển giáo dục nghề nghiệp (GDNN) giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045 khu vực Trung du miền núi phía Bắc và đồng bằng Sông Hồng vừa diễn ra sáng 27.5 tại trường Cao đẳng Du lịch Hải Phòng.

Lấy kế hoạch phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội địa phương làm căn cứ  -0
Phó tổng cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp Phạm Vũ Quốc Bình phát biểu. Ảnh: Đức Kiên

Tại Hội nghị, hơn 200 đại biểu từ các Sở Lao động, Thương binh và Xã hội; Phòng GDNN, các cơ sở GDNN, doanh nghiệp thuộc 17 tỉnh, thành phố khu vực Trung du miền núi phía Bắc và đồng bằng sông Hồng đã được quán triệt chủ trương đường lối, định hướng phát triển GDNN; kế hoạch triển khai các Chương trình mục tiêu quốc gia, Chương trình đầu tư công giai đoạn 2021-2025; đồng thời đánh giá công tác tuyển sinh, đào tạo và mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp triển khai công tác tuyển sinh gắn với giải quyết việc làm thực hiện Chiến lược.

Lấy kế hoạch phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội địa phương làm căn cứ  -0
Giám đốc Sở Lao động Thương binh và Xã hội Hải Phòng Đỗ Văn Bình phát biểu. Ảnh: Đức Kiên

Phát biểu chào mừng Hội nghị, ông Đỗ Văn Bình, Giám đốc Sở Lao động Thương binh và Xã hội Hải Phòng chia sẻ những kết quả tích cực mà Hải Phòng đạt được trong thời gian qua. Đồng thời, khẳng định sự đóng góp quan trọng của nguồn nhân lực trực tiếp; trong đó, mấu chốt là những chỉ đạo, định hướng phát triển GDNN, căn cứ pháp lý… của Chính phủ, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, Tổng cục GDNN. Ông Đỗ Văn Bình đánh giá, hội nghị có ý nghĩa quan trọng, kịp thời, thúc đẩy nâng cao chất lượng GDNN trong tình hình mới của cả nước nói chung và Hải Phòng nói riêng.

Lấy kế hoạch phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội địa phương làm căn cứ  -0
Vụ trưởng Vụ Kế hoạch-Tài chính Khương Thị Nhàn phát biểu. Ảnh: Đức Kiên

Hội nghị cũng đã nghe Vụ trưởng Vụ Kế hoạch-Tài chính, Tổng cục GDNN Khương Thị Nhàn phổ biến những điểm mới, quan trọng của Chiến lược; Kế hoạch triển khai Chiến lược phát triển GDNN giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045 (Quyết định số 2239/QĐ-TTg ngày 30.12.2021 của Thủ tướng Chính phủ). Theo đó, Chiến lược gồm 8 nhóm nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu. Trong đó, giải pháp “Đẩy nhanh chuyển đổi số, hiện đại hóa cơ sở vật chất thiết bị và đổi mới chương trình, phương thức đào tạo” và “Phát triển đội ngũ nhà giáo, nghệ nhân, chuyên gia, người dạy nghề và cán bộ quản lý trong giáo dục nghề nghiệp” được xác định là giải pháp đột phá.

Lấy kế hoạch phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội địa phương làm căn cứ  -0
Toàn cảnh Hội nghị. Ảnh: Đức Kiên

Cũng tại Hội nghị, các đại biểu được nghe phổ biến Kế hoạch triển khai các dự án, tiểu dự án về GDNN trong các Chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021-2025; định hướng công tác tuyển sinh, đào tạo gắn với lao động việc làm; thảo luận về thuận lợi, khó khăn và đề xuất các nội dung liên quan đến việc triển khai các nhiệm vụ trọng tâm của lĩnh vực trong năm 2022.

Đặc biệt, các ý kiến vướng mắc liên quan đến Chiến lược đã được lãnh đạo Tổng cục GDNN ghi nhận, giải đáp thấu đáo. “Các Sở cần bám vào kế hoạch phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội địa phương và nguồn lực để làm căn cứ xây dựng Kế hoạch triển khai Chiến lược; Rà soát lại các ván đề liên quan thể chế; đẩy mạnh tuyên truyền, xây dựng hệ sinh thái truyền thông về Chiến lược; tham mưu UBND tỉnh về công tác tổ chức nhân sự thực hiện; chỉ đạo các cơ sở GDNN xây dựng dữ liệu, học liệu, nền tảng số dùng chung. Riêng đối với 3 chương trình mục tiêu, các địa phương phải lên kế hoạch (kể cả các địa phương đã tự chủ) nhằm thực hiện hiệu qủa Chiến lược, không để lọt, sót đối tượng” – Phó tổng cục trưởng Phạm Vũ Quốc Bình lưu ý.

Bình Nhi