Chuyển đổi số ngành y tế

Tiện ích và minh bạch

- Thứ Năm, 01/04/2021, 07:20 - Chia sẻ
Tại cuộc họp về ứng dụng công nghệ thông tin trong ngành y tế mới đây, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long nhấn mạnh, quan trọng nhất trong chuyển đổi số ngành y tế là phải tạo tiện ích cho người dân cũng như bảo đảm tính công khai, minh bạch trong công tác quản lý.

Thuận lợi trong khám, chữa bệnh

Theo Cục Công nghệ thông tin, Bộ Y tế, với việc ban hành Thông tư 46/2018/TT-BYT về việc quy định hồ sơ bệnh án điện tử và Thông tư 54/2017/TT-BYT về Bộ tiêu chí ứng dụng công nghệ thông tin tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh; các bệnh viện hoàn toàn có đủ cơ sở pháp lý, cơ sở kỹ thuật để đẩy mạnh ứng dụng công nghệ trong khám, chữa bệnh. Đến nay, 100% bệnh viện đã triển khai hệ thống thông tin bệnh viện (HIS); 99,5% cơ sở khám bệnh, chữa bệnh tại 63 tỉnh, thành phố trên toàn quốc đã kết nối liên thông với hệ thống giám định của Bảo hiểm xã hội Việt Nam.

	Chuyển đổi số ngành y tế bảo đảm tiện ích cho người dân trong khám, chữa bệnh
Chuyển đổi số ngành y tế bảo đảm tiện ích cho người dân trong khám, chữa bệnh
Ảnh: Thảo Mộc

Đặc biệt, 11 bệnh viện đã ứng dụng thành công và công bố sử dụng bệnh án điện tử thay thế bệnh án giấy. Cục trưởng Cục Công nghệ thông tin, Bộ Y tế Trần Quý Tường nhấn mạnh, việc triển khai bệnh án điện tử mang lại lợi ích rất to lớn cho người dân, bác sĩ và người quản lý như hướng đến xây dựng hệ thống mã số định danh cho bệnh nhân; giúp người dân khám, chữa bệnh tại tất cả các cơ sở y tế mà không cần phải đem theo các hồ sơ giấy tờ liên quan. Người bệnh không phải lo lắng nếu làm mất kết quả xét nghiệm, dễ dàng so sánh từng chỉ số xét nghiệm ở các đợt khám khác nhau để biết sức khỏe tổng quát của mình.

Với bác sĩ, bệnh án điện tử cùng với việc truyền tải dữ liệu giữa các bệnh viện nhanh chóng sẽ giúp việc xác định bệnh nhanh, chính xác hơn; tránh chỉ định các xét nghiệm cận lâm sàng trùng lặp như siêu âm, X-quang… Bác sĩ cũng dễ dàng tìm lại các thông tin của bệnh nhân theo từng đợt điều trị, từ đó, góp phần giảm thiểu sai sót y khoa, giảm thiểu thời gian hành chính chờ đợi, giảm phiền hà cho bệnh nhân. Thậm chí, bác sĩ có thể tư vấn cho người dân ở xa nhờ xem hồ sơ bệnh án từ xa…

Một trong những dấu ấn của ngành y tế trong chuyển đổi số là khám, chữa bệnh từ xa đã có bước phát triển vượt bậc. Hiện, toàn bộ 63 tỉnh, thành phố đã có bệnh viện đăng ký tham gia Đề án Khám, chữa bệnh từ xa, trong đó một số bệnh viện/trung tâm y tế tại vùng sâu, vùng xa, miền núi, hải đảo; nước bạn Lào (2 bệnh viện) và Campuchia (1 bệnh viện) đăng ký tham gia làm bệnh viện tuyến dưới. Lần đầu tiên một số bệnh viện đã thí điểm đưa ứng dụng “điện toán biết nhận thức” hỗ trợ điều trị ung thư tại Bệnh viện K (năm 2017), Bệnh viện đa khoa tỉnh Phú Thọ (năm 2018)… Một số bệnh viện ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong giám sát phác đồ điều trị nội trú, ngoại trú (cho phép sử dụng cận lâm sàng và thuốc với mã ICD tương ứng; cảnh báo tương tác thuốc và sử sụng thuốc).

Bảo đảm quản lý hiệu quả

Không chỉ tạo thuận lợi cho người dân trong khám, chữa bệnh, thúc đẩy số hóa trong ngành y tế cũng bảo đảm công tác quản lý chặt chẽ và hiệu quả. Đơn cử như mới đây, Bộ Y tế đã công khai Ngân hàng dữ liệu ngành dược. Theo đó, đến ngày 30.3, toàn bộ hồ sơ cấp số đăng ký của Cục Quản lý Dược, Bộ Y tế đã được hoàn thiện trên Cổng dịch vụ công cấp độ 4, doanh nghiệp có thể ở nhà tra cứu được tình trạng hồ sơ của đơn vị mình. Hay với việc thiết lập Công khai y tế, Bộ Y tế đã và đang tiến hành công khai giá các thiết bị y tế cũng như cấu hình thiết bị y tế, tiến tới công khai giá trúng thầu của các gói thầu thiết bị y tế, nhằm giúp cho các cơ sở y tế có nhu cầu mua sắm thiết bị y tế tham khảo, lập dự toán, bảo đảm công khai, minh bạch, công bằng, hiệu quả.

Hệ thống khám, chữa bệnh từ xa Viettel Telehealth
Hệ thống khám, chữa bệnh từ xa Viettel Telehealth
Ảnh: Thảo Mộc

Cùng với việc hoàn thiện ngân hàng dữ liệu ngành dược, ứng dụng công khai y tế, các ứng dụng hỗ trợ phòng, chống dịch Covid-19, ngành y tế còn xây dựng phần mềm quản lý tiêm chủng triển khai trên cả nước, với trên 6,2 triệu đối tượng tiêm chủng được quản lý. Theo lãnh đạo Bộ Y tế, trong thời gian tới phải đẩy mạnh tiêm chủng online, cập nhật thông tin tiêm chủng vaccine của mỗi người lên hệ thống QR-code, để tiến hành thực hiện "hồ sơ vaccine". Thông tin này sẽ cập nhật đầy đủ lịch trình tiêm chủng của mỗi người dân, liên kết với hồ sơ sức khỏe điện tử.

Với hơn 97,5 triệu hồ sơ sức khỏe cá nhân - trung tâm để triển khai các dịch vụ khác như đăng ký khám, chữa bệnh online, quản lý thông tin chống dịch, đại diện Bộ Y tế nhấn mạnh, về dữ liệu y tế, chỉ duy nhất Bộ Y tế có quyền quản lý, khai thác, sử dụng và bảo mật thông tin sức khỏe của người dân theo hình thức cơ bản là tập trung và thường kỳ cập nhật thông tin lên hệ thống dùng chung.

Khẳng định việc chuyển đổi số hay ứng dụng công nghệ thông tin trong ngành y tế là nhiệm vụ vừa mang tính chính trị vừa mang tính chuyên môn, gắn chặt với hoạt động quản lý và hoạt động thường ngày của Bộ Y tế, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long nêu rõ, cần gắn chặt việc ứng dụng công nghệ thông tin với trách nhiệm của người đứng đầu đơn vị. Theo đó, việc đánh giá trách nhiệm của người đứng đầu có cả phần đánh giá về ứng dụng công nghệ thông tin tại đơn vị.

Thảo Mộc