Ngăn chặn "giấy khám sức khỏe" giả

Bài cuối: Nâng cao ý thức, xử nghiêm vi phạm

- Thứ Tư, 31/03/2021, 06:16 - Chia sẻ
Nhiều người "vô tư" mua, bán, sử dụng giấy khám sức khỏe giả mà không biết rằng nếu bị phát hiện sẽ đối diện với những chế tài rất nghiêm khắc... Để ngăn chặn nạn mua bán giấy khám sức khỏe giả, cần phải tuyên truyền, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của công dân; có biện pháp quản lý hữu hiệu và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm.

Còn ngại xử lý

Theo Nghị định số 34/2011/NĐ-CP quy định xử lý kỷ luật công chức: Công chức sử dụng giấy tờ không hợp pháp để được tham gia đào tạo, bồi dưỡng; được dự thi nâng ngạch công chức sẽ bị phạt cảnh cáo. Trường hợp sử dụng giấy tờ không hợp pháp để được bổ nhiệm chức vụ sẽ bị cách chức. Trường hợp sử dụng giấy tờ không hợp pháp để được tuyển dụng vào cơ quan, tổ chức, đơn vị sẽ bị buộc thôi việc.

Đơn giản hóa thủ tục, quy trình khám chữa bệnh để khuyến khích người dân đi khám bệnh một cách thực chất

Nghị định số 27/2012/NĐ-CP quy định về xử lý kỷ luật viên chức và trách nhiệm bồi thường, hoàn trả của viên chức, cũng nêu rõ: Viên chức sử dụng giấy tờ không hợp pháp để được tham gia đào tạo, bồi dưỡng; được dự thi hoặc xét thay đổi chức danh nghề nghiệp bị phạt cảnh cáo. Áp dụng hình phạt cách chức đối với viên chức sử dụng giấy tờ không hợp pháp để được bổ nhiệm chức vụ. Riêng trường hợp sử dụng giấy tờ không hợp pháp để được tuyển dụng vào đơn vị sự nghiệp công lập sẽ bị buộc thôi việc.

Ngoài ra, sử dụng giấy khám sức khỏe giả có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Cụ thể, tại Điều 341, Bộ luật Hình sự sửa đổi năm 2017 quy định: Tội làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức; tội sử dụng con dấu hoặc tài liệu giả của cơ quan, tổ chức như sau: Người nào làm giả con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác của cơ quan, tổ chức hoặc sử dụng con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ giả thực hiện hành vi trái pháp luật, thì bị phạt tiền từ 30 triệu đồng đến 100 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 2 năm; nặng nhất là khung hình phạt tù đến 7 năm...

Vậy nhưng, ở góc độ là người sử dụng lao động, một doanh nghiệp (xin được dấu tên) đóng tại tỉnh Hưng Yên cho biết, quá trình tuyển dụng công nhân làm việc tại nhà máy, bộ phận tuyển dụng nhân sự đã phát hiện nhiều giấy tờ có dấu hiệu làm giả trong hồ sơ xin việc. Trong đó, việc giả mạo giấy khám sức khỏe và bằng tốt nghiệp THPT là nhiều nhất. Tuy vậy, do cần người làm việc, trong khi nguồn lực lại rất ít nên mặc dù khi phát hiện hoặc biết rõ giấy tờ đó là giả mạo song vẫn nhắm mắt cho qua. Trừ trường hợp nào trong giấy khám sức khỏe ghi đều đạt, nhưng thực tế sức khỏe lại yếu, không đủ đáp ứng khả năng công việc thì doanh nghiệp mới trả lại hồ sơ...

Tương tự, qua trao đổi với một số doanh nghiệp thương mại và dịch vụ đồ gỗ, nội thất, sản xuất bim bim, phân bón tại Khu Công nghiệp Cầu Gáo, Đan Phượng, Hà Nội, được biết: Vì muốn công nhân gắn bó lâu dài; công việc cũng cần có sức khỏe, nên khi tiếp nhận hồ sơ xin việc của lao động ngoài bằng cấp chuyên môn, chúng tôi cũng rất chú trọng tờ giấy khám sức khỏe. Tuy vậy, thực tế qua nhận hồ sơ cho thấy, các giấy khám sức khỏe phần lớn đều không có ảnh, không có dấu đỏ giáp lai, nhưng thường xuê xoa cho xong thủ tục để nhận người vào làm, đáp ứng nhu cầu thời vụ.

Một cán bộ làm công tác tổ chức, tuyển dụng nhân sự ở một cơ quan nhà nước (xin được dấu tên) tiết lộ: Qua việc tiếp nhận hồ sơ tuyển dụng đầu vào phát hiện không ít trường hợp giấy khám sức khỏe chưa bảo đảm đúng quy chuẩn quy định như giấy khám sức khỏe chỉ vẻn vẹn là tờ giấy có dấu đỏ với vài dòng chữ nguệch ngoạc, các kết luận ghi chữ “ BT”, rất ít giấy có ảnh đóng dấu giáp lai của bệnh viện... nhưng chúng tôi chỉ nhắc nhở để người lao động bổ sung giấy chuẩn, chưa xử phạt trường hợp nào vì thực tế vẫn chú trọng chuyên môn hơn.

Thông tin trên một số báo, Vụ trưởng Vụ Quản lý phương tiện và người lái (Tổng cục Đường bộ Việt Nam) Lương Duyên Thống cho biết, trong quá trình tiếp nhận và giải quyết hồ sơ cấp mới, cấp đổi giấy phép lái xe, Tổng cục đã nhận được một số giấy khám sức khỏe có dấu hiệu làm giả.

Cần giải pháp hiệu quả

Trao đổi vấn đề này, Luật sư Vũ Tuấn (Đoàn Luật sư TP. Hà Nội) cho biết: Pháp luật đã có quy định tương đối chặt chẽ về “tội làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức”. Tuy nhiên, qua các vụ việc mua bán giấy khám sức khỏe được bóc gỡ cho thấy, thực trạng này vẫn chưa có dấu hiệu thuyên giảm. Nếu không sớm có biện pháp ngăn chặn sẽ gây hệ lụy lớn cho chính người mua, người bán và xã hội. Người bán là người vi phạm pháp luật; người mua không chỉ vi phạm pháp luật mà nguy hiểm hơn họ không biết thực tế về tình trạng sức khỏe của mình có đủ điều kiện để lái xe hay làm các công việc cụ thể hay không.

Từ số liệu nhu cầu sử dụng lao động của ngành chức năng công bố cho thấy, trung bình mỗi năm cả nước có đến hàng triệu hồ sơ các loại cần có giấy chứng nhận sức khỏe. Như vậy, cung luôn luôn ở mức cao, nhất là khi chưa có sự cải thiện về quy trình, thủ tục khám chữa bệnh. Trong khi đó, tình trạng sử dụng giấy chứng nhận sức khỏe giả không chỉ gây ảnh hưởng đến uy tín của các cơ sở khám chữa bệnh, mà còn tác động đến kết quả việc sắp xếp, sử dụng nhân sự của doanh nghiệp...

Vậy nhưng, chính quan niệm, nhận thức giản đơn của người lao động và người sử dụng đã khiến các đối tượng phạm tội có “đất” để hoạt động. Việc mua giấy tờ giả có thể giúp người mua tiết kiệm được thời gian đi khám sức khỏe nhưng bản thân người mua sẽ chịu nhiều hệ lụy. Trước hết, do không đi khám sức khỏe nên không biết được tình trạng sức khỏe bản thân, trong trường hợp nộp hồ sơ xin việc hay tuyển dụng có thể dẫn đến người sử dụng lao động phân công công việc không phù hợp, dễ gây nên nguy cơ tai nạn lao động hoặc mắc các bệnh nghề nghiệp… Bên cạnh đó, việc sử dụng giấy khám sức khỏe giả để bổ sung vào hồ sơ xin việc, hồ sơ tuyển dụng, hồ sơ học sinh, sinh viên… là hành vi thể hiện sự thiếu trung thực nên có thể bị các doanh nghiệp, cơ quan quản lý xử lý kỷ luật như buộc thôi việc, buộc thôi học, không tiếp tục bổ nhiệm hoặc không cho đi học…

Khi chế tài đã có, việc siết chặt các quy định, tăng cường kiểm tra, giám sát, tăng cường công tác tuyên truyền là yếu tố đặt lên hàng đầu để giảm thiểu các hệ lụy liên quan đến mua, bán giấy khám sức khỏe giả. Ngoài sự vào cuộc tích cực của các cơ quan chức năng, đặc biệt là sự phối hợp giữa bệnh viện và cơ quan công an trong việc phát hiện, xử lý các đối tượng liên quan, thì mỗi người dân cần phải thay đổi nhận thức, khi khám sức khỏe phải đến các cơ sở y tế và các bệnh viện có uy tín, đồng thời chấp hành nghiêm các quy định. Có như vậy, mới hy vọng hạn chế được tình trạng trên.

Bài và ảnh: H. Thanh- T. Yến- Ng. Ngân