Chú trọng tuyên truyền, phổ biến pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo

- Thứ Năm, 21/10/2021, 15:50 - Chia sẻ
Nhờ tăng cường tuyên truyền, phổ biến Luật Tín ngưỡng, tôn giáo và các quy định pháp luật liên quan, tình hình hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang những năm qua ổn định, sinh hoạt tôn giáo thuần túy; chức sắc, chức việc, tín đồ các tôn giáo chấp hành nghiêm chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, tích cực tham gia phát triển kinh tế - xã hội địa phương, tham gia các hoạt động xã hội...
Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh phát biểu tại buổi làm việc
Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh phát biểu tại buổi làm việc

Trên địa bàn Tuyên Quang hiện có 3 tôn giáo hoạt động, gồm Phật giáo, Công giáo và Tin lành, với trên 54.000 tín đồ thuộc 5 tổ chức tôn giáo được Nhà nước công nhận và cấp chứng nhận đăng ký hoạt động tôn giáo và 3 tổ chức Tin lành chưa được cấp đăng ký hoạt động tôn giáo.

Tuyên truyền cho hơn 7.000 lượt chức sắc, chức việc, tín đồ

Theo báo cáo của UBND tỉnh tại cuộc làm việc với Đoàn giám sát của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục mới đây, từ khi Luật Tín ngưỡng, tôn giáo được Quốc hội thông qua và có hiệu lực, Tuyên Quang đã tăng cường tuyên truyền, phổ biến Luật cho cán bộ, công chức, đảng viên, chức sắc, chức việc, nhà tu hành, tín đồ các tôn giáo và nhân dân trên địa bàn tỉnh; tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân tôn giáo trong hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo theo quy định của Luật, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt tôn giáo của tín đồ và hoạt động tôn giáo của tổ chức, chức sắc, chức việc, nhà tu hành.

Cụ thể, tỉnh đã tổ chức 40 buổi tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo và các quy định của pháp luật khác có liên quan cho trên 7.000 lượt chức sắc, chức việc, tín đồ các tôn giáo. Cung cấp trên 6.000 bộ tài liệu có nội dung thông tin, tuyên truyền về tín ngưỡng, tôn giáo gồm: Luật Tín ngưỡng, tôn giáo; Nghị định số 162/2017/NĐ-CP của Chính phủ; bộ thủ tục hành chính trong lĩnh vực tín ngưỡng, tôn giáo. Tổ chức 4 hội nghị hướng dẫn sinh hoạt và hoạt động tôn giáo theo quy định của pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo cho trên 400 lượt chức sắc, chức việc, nhà tu hành các tôn giáo...

Đối với việc giải quyết nhu cầu về sinh hoạt và hoạt động của các tổ chức tôn giáo và tổ chức tôn giáo trực thuộc, tỉnh đã giải quyết theo thẩm quyền về các kiến nghị, đề nghị của các tổ chức, cá nhân tôn giáo theo quy định về thông báo phong chức, phong phẩm, bổ nhiệm, bầu cử, suy cử; đăng ký, thuyên chuyển nơi hoạt động tôn giáo của chức sắc, chức việc, nhà tu hành; mở lớp bồi dưỡng về tôn giáo, cuộc lễ giảng đạo ngoài địa bàn phụ trách, cơ sở tôn giáo; xem xét, chấp thuận để các đoàn của các tổng hội Tin lành thăm các Hội thánh, điểm nhóm trực thuộc trên địa bàn tỉnh…

Rà soát, thống kê, nắm tình hình quản lý, sử dụng nhà, đất liên quan đến tôn giáo của các tổ chức tôn giáo trực thuộc, cơ sở tôn giáo trên địa bàn. Đến nay, đã cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho 59/82 cơ sở tôn giáo; cấp giấy phép xây dựng công trình tôn giáo cho các cơ sở tôn giáo bảo đảm theo quy định của pháp luật về xây dựng…

Gắn bó, đồng hành cùng dân tộc

Nhờ vậy, tình hình hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo trên địa bàn tỉnh những năm qua ổn định theo chương trình và thông báo của các cơ sở tín ngưỡng, tổ chức tôn giáo đã đăng ký và thông báo với chính quyền cơ sở theo quy định của pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo. Chức sắc, chức việc, nhà tu hành và tín đồ các tôn giáo hoạt động theo giáo lý, giáo luật và phương châm hoạt động của các tổ chức tôn giáo, gắn bó, đồng hành cùng dân tộc, chấp hành chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, sống “tốt đời, đẹp đạo”, góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội tại địa phương.

Tuy nhiên, hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo trên địa bàn cũng còn có những khó khăn, vướng mắc. Một số tổ chức tôn giáo thực hiện việc chia tách, thành lập các tổ chức tôn giáo trực thuộc trước khi Luật Tín ngưỡng, tôn giáo và Nghị định số 162/2017/NĐ-CP của Chính phủ có hiệu lực thi hành đến nay chưa thực hiện các thủ tục chia tách, thành lập tổ chức tôn giáo trực thuộc theo quy định. Một số tổ chức, chức sắc, chức việc tôn giáo chưa thực hiện nghiêm túc nghĩa vụ thực hiện các quy định về tín ngưỡng, tôn giáo khi tham gia các hoạt động tôn giáo mà chỉ thực hiện quyền, do đó một số hoạt động tôn giáo không đăng ký, thông báo theo quy định.

Kịp thời nắm thông tin, xử lý vấn đề phức tạp

Đoàn giám sát của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục ghi nhận Tuyên Quang đã thực hiện tốt việc tuyên truyền, phổ biến chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo cho cán bộ, công chức, đảng viên; chức sắc, chức việc, nhà tu hành, tín đồ các tôn giáo và nhân dân. Tăng cường công tác quản lý nhà nước, kịp thời hướng dẫn thi hành pháp luật, bảo đảm an ninh, trật tự cho hoạt tín ngưỡng, tôn giáo trên địa bàn.

Tuy nhiên, Đoàn giám sát cũng chỉ ra rằng, đội ngũ cán bộ, công chức làm công tác quản lý nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo còn thiếu, nhất là cấp cơ sở. Tình trạng này không chỉ xảy ra ở Tuyên Quang mà còn tại nhiều địa phương khác. Một số tổ chức tôn giáo, chức sắc của Công giáo chưa thực hiện quy định của pháp luật về thông báo thuyên chuyển chức sắc, chức việc, nhà tu hành (như linh mục phụ tá, linh mục dòng). Vẫn còn hiện tượng hoạt động tôn giáo trái pháp luật ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Đoàn giám sát đề nghị tỉnh Tuyên Quang tăng cường công tác tuyên truyền, có giải pháp khắc phục những hạn chế, bất cập trong việc chia tách, thành lập các tổ chức tôn giáo trực thuộc và thông báo thuyên chuyển chức sắc, chức việc, nhà tu hành các tôn giáo trên địa bàn. Quan tâm, thực hiện công tác tập huấn, nâng cao năng lực của đội ngũ cán bộ, công chức làm công tác quản lý nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo; kịp thời nắm thông tin, xử lý các vấn đề phức tạp, nảy sinh có liên quan.

Hương Linh