Nhiều nhưng chưa hiệu quả
Theo thống kê, tổng khối lượng chất thải rắn sinh hoạt trên cả nước phát sinh khoảng hơn 63.000 tấn/ngày, trong đó phần lớn lượng chất thải được xử lý bằng phương pháp chôn lấp (gồm cả chôn lấp hở và chôn lấp hợp vệ sinh), còn lại được xử lý tại các nhà máy sản xuất phân compost hoặc phương pháp đốt. Ngoài ra, còn có một số công nghệ xử lý chất thải rắn khác được nhập từ nước ngoài.
Hiện, cả nước có 1.322 cơ sở xử lý chất thải rắn sinh hoạt, gồm 381 lò đốt, 37 dây chuyền sản xuất phân compost, 904 bãi chôn lấp, trong đó có nhiều bãi chôn lấp không hợp vệ sinh. Một số cơ sở áp dụng phương pháp đốt có thu hồi năng lượng để phát điện hoặc kết hợp nhiều phương pháp xử lý.
Bà Đặng Kim Chi, Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam đánh giá, nhìn chung các công nghệ xử lý chất thải rắn đã và đang được áp dụng ở nước ta đều có những hạn chế riêng. Đơn cử, công nghệ compost tuy có giá thành đầu tư thấp nhưng vẫn cần kết hợp với quá trình đốt, tỷ lệ chất thải còn lại cao, tiêu thụ sản phẩm khó khăn. Công nghệ chôn lấp giá thành rẻ nhưng tốn diện tích, phải giám sát lâu dài kể cả khi đã đóng bãi, có thể làm phát sinh nước thải, mùi hôi nếu không được kiểm soát tốt. Trong khi đó, công nghệ đồng xử lý trong lò nung xi măng, tuy tận dụng được cơ sở hạ tầng có sẵn, tận dụng được nhiên liệu từ chất thải nhưng nhiều loại chất thải rắn sinh hoạt lại không phù hợp để đồng xử lý. Hiện, plasma là công nghệ tiên tiến nhất để xử lý chất thải rắn nhưng suất đầu tư rất cao.
Ở khía cạnh khác còn cho thấy, đối với các công nghệ xử lý tiên tiến thì lại gặp khó khăn do số lượng chất thải rắn được thực hiện phân loại tại nguồn chưa nhiều. Chính vì thế, lượng chất thải rắn tiếp nhận thấp hơn công suất thiết kế hoặc không ổn định trong khi vốn đầu tư lớn. Bên cạnh đó, nước ta có điều kiện khí hậu nhiệt đới đặc trưng, độ ẩm cao. Kết quả là máy móc, thiết bị mau bị ăn mòn, hư hỏng, hiệu quả xử lý chất thải chưa cao.
Tích hợp công nghệ
PGS.TS. Phạm Thị Mai Thảo, Trường Đại học Tài nguyên và Môi trường Hà Nội cho rằng, đối với lĩnh vực quản lý chất thải rắn, việc áp dụng, tích hợp công nghệ đã và đang được thực hiện tại nhiều nước trên thế giới. Điều này giúp cho việc quản lý và xử lý chất thải ngày càng hiệu quả hơn cả về yếu tố kinh tế, xã hội và môi trường.
Cụ thể như hệ thống áp dụng Internet of Things (IoT) hay còn gọi là Internet vạn vật đã được phát triển để giám sát việc phát sinh chất thải tại Ấn Độ và Trung Quốc. Các cảm biến được sử dụng để đo trọng lượng, không gian chiếm dụng và phát sinh khí do chất thải phân hủy trong các thùng rác, từ đó tạo ra dữ liệu liên quan đến trạng thái hoặc mức độ đầy của thùng. Các cảm biến thường được đặt bên trong thùng rác hoặc gắn vào xe thu gom để đo trọng lượng khi chất thải được chuyển từ thùng rác sang. Ngoài dữ liệu liên quan đến chất thải, hệ thống GPS còn được sử dụng để thu thập dữ liệu về vị trí của các xe thu gom.
Để thuận lợi trong việc quản lý chất thải ở các khu vực đô thị, các dự báo dựa trên dữ liệu về các dòng chất thải trong tương lai là rất quan trọng. Đáp ứng mục tiêu này, một công nghệ khác là trí tuệ nhân tạo đã được sử dụng để dự đoán sự phát sinh chất thải trong tương lai. Việc dự đoán chính xác có thể cung cấp cho các bên liên quan những thông tin hữu ích để cải thiện hệ thống quản lý chất thải hiện tại, đồng thời thiết kế các hệ thống quản lý chất thải mới theo nhu cầu cả trong ngắn hạn, trung hạn và dài hạn.
Ví dụ, mạng nơ ron nhân tạo đã được sử dụng để xây dựng các mô hình dự đoán chất thải rắn sinh hoạt phát sinh tại Canada. Dữ liệu được sử dụng cho dự đoán bắt nguồn từ dữ liệu chất thải khu dân cư trong 9 năm. Hay, khả năng dự đoán hoạt động tốt đối với tổng lượng rác thải giấy và kim loại, thủy tinh và nhựa cho hơn 600 khu vực tại New York, Mỹ.
Trước thực tế có nhiều phương pháp xử lý chất thải nhưng hiệu quả chưa đáp ứng yêu cầu, nhiều ý kiến cho rằng, để phát triển công nghệ xử lý chất thải trong nước, bên cạnh việc ứng dụng, chuyển giao các công nghệ tiên tiến như trên, cần đẩy mạnh hỗ trợ các đề tài nghiên cứu khoa học công nghệ một cách hiệu quả; rà soát và đánh giá kỹ lưỡng các công nghệ xử lý chất thải đang hoạt động cũng như hoàn thiện hoạt động thẩm định công nghệ các dự án đầu tư liên quan đến xử lý chất thải.