Việt Nam có trên 1.400 doanh nghiệp công nghệ số

- Thứ Hai, 11/12/2023, 17:49 - Chia sẻ

Ngày 11.12, tại TP Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh, Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức Diễn đàn quốc gia về phát triển doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam lần thứ 5, với chủ đề “Sáng tạo ứng dụng số để phát triển kinh tế số - Động lực cho tăng trưởng kinh tế và năng suất lao động”.

img_0593.jpg -0
Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà cùng các đại biểu tham quan gian trưng bày trong khuôn khổ Diễn đàn quốc gia về phát triển doanh nghiệp công nghệ số

Phát biểu tại Diễn đàn, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà khẳng định, vị thế, uy tín của Việt Nam với thế giới quyết định bởi doanh nghiệp số, kinh tế số. Chính phủ lắng nghe doanh nghiệp mở ra môi trường pháp lý, đồng thời trở thành “nhà đặt hàng lớn nhất” tạo đầu ra cho doanh nghiệp; đồng thời hướng tới những sản phẩm số quốc gia, đủ chất lượng để đi ra thị trường nước ngoài.

Việt Nam có trên 1.400 doanh nghiệp công nghệ số -0
Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà phát biểu tại Diễn đàn

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà cũng lưu ý, việc phát triển sản phẩm ra thị trường nước ngoài có thể giúp Việt Nam giải bài toán về kinh tế, nhưng sâu xa hơn là học hỏi mô hình về quản trị, giao dịch. “Các doanh nghiệp nắm bắt cơ hội này mang tới sự thay đổi lớn để Việt Nam có sản phẩm khác biệt, của riêng Việt Nam. Chính phủ xác định khoa học công nghệ số là không gian mới, lực lượng sản xuất mới, nguồn tài nguyên mới để tăng năng suất lao động, động lực cho tăng trưởng kinh tế”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Tại Diễn đàn, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, từ năm 2019 đến nay, ngành công nghiệp công nghệ số Việt Nam đã có những bước phát triển đáng khích lệ. Số lượng doanh nghiệp công nghệ số tăng 30%, doanh thu tăng 32%. Riêng sản xuất phần mềm cho nước ngoài tăng 43%. Hiện, Việt Nam có trên 1.400 doanh nghiệp công nghệ số với doanh thu đang tiến đến mốc 10 tỷ USD.

Việt Nam có trên 1.400 doanh nghiệp công nghệ số -0
Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng phát biểu tại diễn đàn

Về định hướng phát triển, công nghiệp bán dẫn là ngành công nghiệp nền tảng, trọng yếu quốc gia trong 30-50 năm tới. Việt Nam có tới 100 triệu dân, là một thị trường lớn, lại đang ở giai đoạn công nghiệp hóa, chuyển đổi số nhanh, tiêu dùng điện tử nhiều, nên sẽ là một bối cảnh thuận lợi cho ngành công nghiệp bán dẫn phát triển.

Đánh giá về tiềm năng và cơ hội của các doanh nghiệp công nghệ Việt Nam, Tổng Giám đốc Tập đoàn FPT Nguyễn Văn Khoa cho rằng, Việt Nam có đầy đủ lợi thế để nắm bắt “cơ hội vàng” trong phát triển chíp. Cơ hội đó được bắt nguồn từ chính sách đối ngoại cởi mở, vị thế địa chính trị của Việt Nam, đặc biệt là sự quan tâm lớn của Chính phủ... Việt Nam nên phát triển theo lộ trình 3 giai đoạn, gồm trong ngắn hạn: Tập trung thiết kế, đóng gói, kiểm thử; trung hạn bắt tay sản xuất; dài hạn, làm chủ công nghệ lõi. Các lĩnh vực cần tập trung là: Viễn thông, xe điện, điện toán, năng lượng và hướng đến đưa AI vào mọi con chíp.

Việt Nam có trên 1.400 doanh nghiệp công nghệ số -0
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà và Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng trao giải Vàng cho doanh nghiệp có sản phẩm công nghệ số xuất sắc

Trong khuôn khổ Diễn đàn, Bộ Thông tin và Truyền thông trao giải thưởng “Make in Vietnam 2023” gồm 5 hạng mục: Sản phẩm công nghệ số xuất sắc cho chính phủ số; sản phẩm công nghệ số xuất sắc cho kinh tế số; sản phẩm công nghệ số xuất sắc cho xã hội số; sản phẩm công nghệ số xuất sắc cho thị trường nước ngoài; sản phẩm công nghệ số tiềm năng. Theo đó, có 43 sản phẩm Top 10, 4 giải Vàng, 5 giải Bạc, 6 giải Đồng của 5 hạng mục giải thưởng; riêng hạng mục Chính phủ số không có giải Vàng.

Khôi Nguyên
#