Ứng dụng khoa học công nghệ xây dựng thương hiệu doanh nghiệp

- Thứ Bảy, 21/10/2023, 18:07 - Chia sẻ

Ngày 21.10, tại trường Đại học Bách Khoa, Bộ Khoa học và Công nghệ tổ chức Hội nghị Martech - Con đường tăng trưởng của doanh nghiệp.

Martech hay còn được gọi là công nghệ tiếp thị (Marketing Technology) là một thuật ngữ marketing dùng để chỉ sự hợp nhất giữa hoạt động marketing và hoạt động công nghệ. Công nghệ này là tập hợp các giải pháp, nền tảng công nghệ phục vụ doanh nghiệp trong quá trình phát triển và xây dựng các chiến lược tiếp thị quảng cáo sản phẩm, dịch vụ tích hợp hàng loạt các kênh truyền thông.

Ứng dụng khoa học công nghệ xây dựng thương hiệu doanh nghiệp -0
TS. Nguyễn Quân, Chủ tịch Hội Tự động hóa Việt Nam phát biểu tại hội nghị

Phát biểu tại hội nghị, TS. Nguyễn Quân, Chủ tịch Hội Tự động hóa Việt Nam cho biết: trong cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4, chuyển đổi số là xu hướng tất yếu, vấn đề sống còn đối với các quốc gia, tổ chức, doanh nghiệp và người tiêu dùng trên toàn thế giới. Trong thời đại số, nếu các doanh nghiệp không đầu tư cho phát triển khoa học công nghệ, liên tục đổi mới công nghệ thì chắc chắn sẽ bị lạc hậu, dễ đánh mất thị trường.

Theo Chủ tịch Hội Tự động hóa Việt Nam, trong việc đầu tư phát triển khoa học công nghệ các doanh nghiệp cần quan tâm tới vấn đề thành lập hệ sinh thái cho doanh nghiệp. Hệ sinh thái đổi mới sáng tạo trong doanh nghiệp gồm 5 thành phần chính: Nguồn cung công nghệ từ các viện, trường, hợp tác quốc tế; nguồn cầu công nghệ chính là nhu cầu phát triển của doanh nghiệp và sản phẩm doanh nghiệp; môi trường pháp lý là hệ thống cơ chế, chính sách của Nhà nước hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo; hệ thống các nhà đầu tư cho doanh nghiệp; mối quan hệ của doanh nghiệp với các viện, trường và doanh nghiệp khác.

Để ứng dụng hiệu quả công nghệ Martech trong doanh nghiệp thì doanh nghiệp cần chú trọng phát triển hệ sinh thái đổi mới sáng tạo, từ đó lan tỏa nhu cầu của doanh nghiệp cũng như kêu gọi được chất xám, nguồn đầu tư của xã hội, của các viện nghiên cứu, trường đại học cho hoạt động nghiên cứu phát triển doanh nghiệp.

Ứng dụng khoa học công nghệ xây dựng thương hiệu doanh nghiệp -0
Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển truyền thông khoa học và công nghệ (Bộ Khoa học và công Công nghệ) ký kết hợp tác với các đơn vị nhằm hỗ trợ nâng cao năng lực ứng dụng công nghệ Martech tại Việt Nam

Bên cạnh đó, Tiến sĩ Nguyễn Quân cho rằng: Sở hữu trí tuệ là lĩnh vực khó, tiềm ẩn rất nhiều thách thức với doanh nghiệp Việt Nam. Hiện nay, việc thực thi quyền sở hữu trí tuệ vẫn còn rất khó khăn. Việc quản lý sở hữu trí tuệ được phân công cho rất nhiều bộ, ngành tham gia như: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quản lý vấn đề bản quyền; Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quản lý giống cây trồng, vật nuôi; Bộ Khoa học và Công nghệ quản lý sở hữu công nghiệp. Vì thế, các doanh nghiệp FDI vào Việt Nam rất lúng túng không biết làm việc với cơ quan nào để được đăng ký bảo hộ sản phẩm trí tuệ của họ

Thông qua các hoạt động hỗ trợ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia theo Đề án của Chính phủ; trong đó, có sự kiện ngày hôm nay, các đại biểu sẽ cùng nhau trao đổi, tìm kiếm cơ hội hợp tác, kiến nghị chính sách tới các cơ quan chức năng để có được hệ sinh thái khởi nghiệp hoàn thiện, vận hành hiệu quả nhằm đem lại lợi ích lớn nhất cho nền kinh tế đất nước.

Chia sẻ về con đường tăng trưởng doanh nghiệp, Phó chủ tịch Hiệp hội Marketing Việt Nam Bùi Quý Phong cho biết: tăng trưởng bền vững dù là doanh số, thị phần hay giá trị tài sản doanh nghiệp thì tăng trưởng bằng con đường thương hiệu là tối ưu nhất. Thương hiệu có tính đặc trưng sẽ thu hút sự chú ý của người tiêu dùng, khiến họ cân nhắc hoặc nghĩ tới khi có nhu cầu mua hàng, nhớ đến thương hiệu ở nhiều thời điểm nhất có thể. Do đó doanh nghiệp cần chú trọng xây dựng thương hiệu của mình trên thương trường.

Về vai trò của sở hữu trí tuệ, Luật sư Vũ Mạnh Hùng, Giám đốc Công ty TNHH Vũ Gia và Cộng sự chia sẻ: Sở hữu trí tuệ giúp nâng cao sức cạnh tranh, kêu gọi vốn, tăng giá trị cổ phiếu, ngăn chặn hành vi xâm phạm bản quyền sản phẩm, tạo ra thu nhập bằng cách chuyển giao sản phẩm trí tuệ, nâng cao giá trị doanh nghiệp khởi nghiệp trong mắt nhà đầu tư, giảm thiểu rủi ro và chi phí khi xây dựng thương hiệu, nâng cao cơ hội xuất khẩu cho các sản phẩm.

Trong khuôn khổ Hội nghị đã diễn ra Lễ ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác giữa Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển truyền thông Khoa học và Công nghệ và Hội Sáng chế Việt Nam; ký kết biên bản xác nhận tài trợ giữa Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển truyền thông Khoa học và Công nghệ, Làng Công nghệ Giải trí và Truyền thông và Quỹ Đầu tư khởi nghiệp sáng tạo Bách Khoa Hà Nội - BK Fund.

Ngọc Nam
#