Ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật ở Lâm Đồng

- Thứ Tư, 17/07/2013, 08:37 - Chia sẻ
Là tỉnh miền núi nhưng Lâm Đồng được đánh giá là địa phương tiên phong trong việc ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Hiện, sản xuất nông nghiệp theo hướng công nghệ cao của tỉnh đã tăng hơn 2,5 lần so với đầu năm 2012, nâng giá trị sản phẩm thu hoạch từ 80 - 89 triệu đồng/ha và đang tiếp tục tăng nhanh.

Để đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của sản xuất, đồng thời giúp ngành nông nghiệp địa phương có chỗ đứng cũng như cơ hội vươn tới thị trường trong và ngoài nước, đội ngũ nghiên cứu khoa học của Lâm Đồng đã tập trung nghiên cứu các dự án chuyên đề, qua đó tạo ra những giống mới có năng suất và chất lượng cao. Đến nay, ngành nông nghiệp của tỉnh đã có hơn 100 giống rau, 60 giống hoa, 2 giống chè cao sản, 4 giống chè chất lượng cao, 6 dòng cà phê vối cao sản được trồng để khai thác hàng hóa, tăng hơn 2,5 lần so với đầu năm 2012, nâng giá trị sản phẩm thu hoạch trên một đơn vị diện tích từ 80 - 89 triệu đồng/ha. Trong đó, tỷ lệ giống mới trong các loại rau, hoa chiếm tới 80%, cây lương thực (lúa, bắp) chiếm 90%, các giống cây công nghiệp dài ngày như chè 47%, dâu tằm 30%, cà phê 12%. Bên cạnh đó, việc áp dụng công nghệ sinh học trong sản xuất cũng được quan tâm và đưa vào ứng dụng trong một số sản phẩm thực phẩm, ứng dụng phân bón, chế phẩm sinh học trong xử lý ô nhiễm chuồng trại, chăn nuôi, môi trường thủy sản và đặc biệt là trong các chế phẩm sinh học bảo vệ thực vật.


Nguồn: ITN
Trên nền công nghệ mới, tự động hóa, chế biến sâu đã cho ra nhiều nhóm sản phẩm ngày càng có lợi thế so sánh và khả năng cạnh tranh cao như: trà B’Lao, càphê Di Linh, rau - hoa Đà Lạt, chuối La Ba; sâm Đà Lạt, cam đường không hạt, chè dược liệu Thiên Kim Trà, Diệp Hạ Châu... Đặc biệt, mô hình giống cà chua theo hướng nông nghiệp công nghệ cao tại Đơn Dương, Đức Trọng cho năng suất đạt hơn 200 tấn/ha, hiệu quả kinh tế dẫn đầu cả nước với mức tăng 30-35% so với canh tác truyền thống; mô hình chè chất lượng cao gần 26.000ha, mỗi năm cho sản lượng hơn 200.000 tấn chè búp tươi, chiếm gần 27% sản lượng chè của cả nước, thu nhập trên mỗi hec-ta chè đạt 280 triệu đồng/ha, đứng đầu về giá xuất khẩu của cả nước.

Việc lai tạo, ghép giống cây cà phê đã tuyển lựa được nhiều giống cà phê có năng suất cao, kháng bệnh tốt, kích cỡ nhân lớn, chất lượng cao, đưa xuất khẩu cà phê chiếm 80% tổng kim nghạch xuất khẩu của cả tỉnh. Qua các đề tài, dự án và những chuyển giao công nghệ cho rau và hoa, hiện tại Đà Lạt và vùng phụ cận đã sản xuất hơn 1 triệu tấn rau. Riêng ngành trồng hoa, toàn tỉnh đạt 1 tỷ cành hoa cắt cành, chiếm gần 80% sản lượng hoa xuất khẩu của cả nước. Bình quân, trồng hoa đạt 350 triệu đồng/ha, đối với các loại hoa cao cấp, có nơi đạt từ 500 triệu đến 1 tỷ đồng/ha. Ngoài ra, dù là lĩnh vực mới, nhưng các nghiên cứu về môi trường nuôi, sinh sản, chế biến cá nước lạnh trong thời gian qua đã góp phần làm  tăng giá trị thu nhập cho ngành nuôi trồng thuỷ sản, đạt 4 tỷ đồng/ha mặt nước.

Cùng với đó, Lâm Đồng có 58 cơ sở công nghệ nuôi cấy mô thực vật trong ống nghiệm tiến bộ, đạt tới quy mô nhân giống công nghiệp, hằng năm cung cấp hàng chục triệu cây con cho sản xuất. Đặc biệt, hướng sản xuất nông lâm tạo được xu thế đầu tư xã hội hóa khoa học công nghệ khá mạnh, đạt nhiều kết quả ấn tượng. Thời gian qua, nhiều nông dân của Lâm Đồng đã có những sáng chế được các bộ, ngành công nhận bởi tính hiệu quả khi đưa vào ứng dụng thực tế… Không chỉ thành công trong việc đưa tiến bộ khoa học ứng dụng vào trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, ở lĩnh vực công nghiệp việc áp dụng khoa học và công nghệ trong sản xuất kinh doanh cũng đã góp phần đáng kể vào mức tăng trưởng chung của tỉnh. Nhanh chóng tiếp cận, làm chủ và vận hành được các thiết bị nhập khẩu, ngành công nghiệp Lâm Đồng đã có những đổi mới đáng kể về chủng loại, mẫu mã, chất lượng, kiểu dáng hàng hóa, góp phần từng bước nội địa hóa hàng hóa và ứng dụng rộng rãi trong sản xuất, chế biến, tiết kiệm năng lượng và giảm phát thải khí nhà kính...


Nguồn: datviet.vn
Từ những kết quả đạt được trong việc ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào nông nghiệp, tỉnh sẽ tiếp tục tăng cường nguồn vốn đầu tư cho các chương trình khuyến nông, chuyển giao ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật; tạo điều kiện gắn kết giữa nông dân và doanh nghiệp, bảo đảm đầu ra cho sản phẩm...; đồng thời có cơ chế khuyến khích các nhà khoa học nghiên cứu nhiều dự án để chuyển giao ứng dụng hiệu quả trong sản xuất, kinh doanh, tạo điều kiện cho ngành nông nghiệp tỉnh phát triển nhanh, bền vững.
Đăng Lộ