Chính sách pháp luật phát triển năng lượng tái tạo

Đánh thức tiềm năng điện mặt trời

- Thứ Hai, 15/06/2015, 08:25 - Chia sẻ
Với lợi thế giàu nắng nhưng công nghiệp điện mặt trời của Việt Nam vẫn còn ngủ yên. Nhiều nhà đầu tư, hộ gia đình đang chờ đợi Chính phủ ban hành chính sách hỗ trợ các dự án sản xuất điện sử dụng năng lượng mặt trời, và làm thế nào để phát triển nguồn năng lượng tái tạo này là câu hỏi lớn…

Nguồn: ITN

Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng Việt Nam có nguồn năng lượng mặt trời dồi dào. Theo bản đồ nhiệt năng lượng mặt trời mới nhất mà Dự án hỗ trợ kỹ thuật "Thúc đẩy phát triển điện mặt trời tại Việt Nam" do Chính phủ Tây Ban Nha tài trợ đưa ra mới đây, cường độ bức xạ nhiệt trung bình ngày của miền Trung và miền Nam ở mức 5kWh/m2, ở miền Bắc ở mức 4,5kWh/m2. Tiềm năng điện mặt trời ở Việt Nam ước tương đương 43,9 tỷ tấn dầu quy đổi. Việc phát triển công nghiệp điện mặt trời ở Việt Nam cũng có nhiều thuận lợi khi hiện nay, công nghệ điện mặt trời được nhiều nước phát triển, có giá thành rẻ hơn. Giá điện mặt trời trung bình năm 2010 là 3,5USD/Wp. Đến năm 2015, chỉ còn khoảng 1,5USD/Wp. Hiệu suất pin mặt trời cũng đã tăng đáng kể, hiện vào khoảng 17% - 28%. 

Các cường quốc công nghiệp điện mặt trời như Đức với tổng công suất là 35,65GW, chiếm 5,3% tổng điện năng quốc gia; tổng công suất điện mặt trời của Italy là 18GW, chiếm 9% tổng điện năng cả nước. Tương tự, Trung Quốc (17,7GW; 0,1%); Nhật Bản (11,86GW; 0,8%); Hoa Kỳ (11,42GW; 0,3 %)… (Chuyên gia Trịnh Quang Dũng - Tư vấn quốc gia Dự án điện mặt trời - UNDP Việt Nam).

Điện mặt trời luôn nằm trong mục tiêu ưu tiên của Chính phủ trong Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia nhằm bảo đảm cung cấp đủ năng lượng với chất lượng cao, sử dụng nhiều nguồn tái tạo đi đôi với bảo vệ môi trường. Cùng với đó, với đặc thù về địa lý, nước ta có hàng vạn đảo lớn nhỏ có dân cư sinh sống cùng nhiều vùng địa lý cách trở mà chưa kéo điện lưới đến được. Vì vậy, việc phát triển điện mặt trời là giải pháp khả thi nhằm cung cấp điện tại các nơi này, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh. Theo chuyên gia Trịnh Quang Dũng (Tư vấn quốc gia Dự án Điện mặt trời của UNDP Việt Nam) hiện nay, giá điện mặt trời ở Việt Nam khoảng 4 - 5 nghìn đồng/kWh. Trong khi đó điện chạy dầu dùng trên các hải đảo có giá thành khoảng 7 nghìn đồng/kWh. So với điện than, điện mặt trời hiện có giá thành sản xuất cao hơn, nhưng nếu so với điện chạy than nhập khẩu, thì giá điện mặt trời có thể cạnh tranh được. Hơn nữa, với việc nhiều quốc gia định hướng phát triển và công nghệ ngày càng tiến bộ, dự đoán tới đây điện mặt trời có thể cạnh tranh với điện sản xuất từ các nguồn truyền thống.

 Khi công nghiệp điện mặt trời mới phát triển, có giá thành gấp 4 - 5 lần giá điện từ các nguồn truyền thống nhưng nhiều quốc gia vẫn đầu tư, khuyến khích phát triển. Đến nay, giá thành điện mặt trời đã giảm và gần tương đương với một số nguồn điện truyền thống, trong tương lai không xa chắc chắn sẽ cạnh tranh được với nguồn điện truyền thống. Vậy thì, hà cớ gì mà chúng ta còn cấn cá mà không ưu tiên, khuyến khích phát triển. Đặc biệt, đây lại là nguồn năng lượng gần như vô tận, năng lượng sạch, bảo đảm cho phát triển bền vững - chuyên gia Trịnh Quang Dũng nhấn mạnh.

Đầu năm nay, Dự án Nhà máy điện mặt trời tại huyện Côn Đảo, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu được khánh thành đã tiếp tục nhen nhóm hy vọng phát triển của điện mặt trời. Dự án do Chính phủ Tây Ban Nha tài trợ, có công suất ở mức cao nhất là 36kW, với tổng sản lượng điện ước tính khoảng 51,5MWh/năm, sử dụng công nghệ Tây Ban Nha. Tuy nhiên, dự án này vẫn tiếp tục nối dài danh sách một số dự án điện mặt trời nhỏ lẻ, được sự tài trợ của nước ngoài do một vài tổ chức, viện nghiên cứu và các trường đại học tham gia. Còn phía doanh nghiệp, hộ gia đình cơ bản chưa mặn mà với việc đầu tư phát triển điện mặt trời. Cho đến nay Việt Nam vẫn chưa hình thành ngành công nghiệp điện mặt trời cũng như thị trường điện mặt trời. Bên cạnh nguyên nhân do giá thành sản xuất điện mặt trời còn cao, suất đầu tư lớn, thì việc chưa có cơ chế riêng về giá bán điện cũng như hành lang pháp lý để hình thành thị trường điện mặt trời khiến nhà đầu tư vẫn còn đứng ngoài và chờ đợi…

Theo ông Trịnh Quang Dũng, chính sách ưu tiên phát triển điện mặt trời tại Việt Nam cần tập trung ở 3 quy mô. Thứ nhất là điện mặt trời trên các mái nhà. Theo đó, người dân sẽ đầu tư lắp đặt các hệ thống điện mặt trời, đồng thời kết nối với điện lưới và lắp đồng hồ điện đo đếm hai chiều. EVN sẽ mua điện mặt trời khi người dân không sử dụng hết với giá dự kiến khoảng 15cent/kWh. Đây là nguyên tắc bù trừ năng lượng giữa lượng điện phát và tiêu thụ ở các dự án lắp điện mặt trời trên mái nhà được nhiều quốc gia thực hiện. Thứ hai là tập trung phát triển các dự án điện mặt trời độc lập tại các vùng hải đảo, vùng sâu vùng xa mà việc kéo điện lưới không khả thi. Thứ ba là thu hút đầu tư, phát triển các dự án điện mặt trời quy mô công nghiệp cấp MW. Dự kiến, với đối với những nhà máy dưới 100MW, thì EVN sẽ mua với giá khoảng 12 cent/kWh. Hiện các nhà đầu tư đang sẵn sàng, chỉ chờ chính sách là sẽ triển khai đầu tư với công suất ước tính hàng trăm MW.

Để khuyến khích phát triển điện sử dụng năng lượng mặt trời, Nhà nước cần có các chính sách ưu đãi đầu tư với từng loại dự án về thuế, đất đai; xây dựng bản đồ quy hoạch điện mặt trời khoa học. Về lâu dài, cần có chính sách thúc đẩy ngành công nghiệp sản xuất thiết bị điện mặt trời, tấm module quang điện, pin mặt trời… trong nước nhằm hạ giá thành sản phẩm.

Nguyễn Văn