Hà Nội kiến nghị bố trí nguồn lực để thực hiện chương trình kiên cố hóa trường, lớp học

- Thứ Năm, 09/02/2023, 10:46 - Chia sẻ

Thông qua đợt giám sát của Đoàn Đại biểu Quốc hội TP.Hà Nội, Sở GD - ĐT Hà Nội kiến nghị cho phép tiếp tục bố trí nguồn lực để thực hiện chương trình kiên cố hóa trường, lớp học giai đoạn 2021 - 2025. 

Thể chế hoá các Nghị quyết

Đánh giá kết quả việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 88/2014/QH13 và Nghị quyết số 51/2017/QH14 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông giai đoạn 2014 - 2022 trên địa bàn Thủ đô, Sở Giáo dục - Đào tạo cho biết, Hà Nội đã chủ động thể chế hoá các Nghị quyết bằng việc ban hành hệ thống các văn bản hướng dẫn thực hiện chương trình, SGK giáo dục phổ thông, cụ thể về tiêu chí lựa chọn sách giáo khoa, biên soạn và thẩm định tài liệu giáo dục địa phương; đảm bảo tính pháp lý, chỉ đạo, hướng dẫn cụ thể giúp các cấp tiến hành thực hiện đảm bảo theo quy định.

Nội dung chỉ đạo kịp thời, chỉ rõ chi tiết nhiệm vụ trọng tâm, lộ trình thực hiện, phân công tổ chức thực hiện rõ ràng; các văn bản ban hành nhất quán trong chỉ đạo, phù hợp với điều kiện của địa phương, đáp ứng yêu cầu triển khai thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018 và sách giáo khoa mới. 

Để chuẩn bị điều kiện về cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học phục vụ việc triển khai, tổ chức thực hiện các Nghị quyết, UBND TP Hà Nội đã chỉ đạo Sở GD - ĐT tiếp tục đẩy mạnh chương trình xây dựng trường chuẩn quốc gia, đồng thời thành phố dành nguồn vốn cho việc mua sắm trang thiết bị dạy học tối thiểu.

Đối với các trường chưa bảo đảm chất lượng, số lượng phòng học, hiện còn tình trạng sĩ số cao, hiện hầu hết đã được các quận, huyện, thị xã phê duyệt sửa chữa, cải tạo hoặc xây mới, thành lập thêm trường tiểu học, đẩy nhanh tiến độ thi công công trình, hoàn thành trong năm học 2019 - 2020 hoặc đầu 2020 - 2021.

Ngoài ra, ngành giáo dục đã chủ động chuyển đổi, cải tạo một số phòng thành phòng học văn hóa, phòng chức năng, dồn, gom điểm trường lẻ; có các phương án phẫn tuyến hợp lí nhằm giảm áp lực quá tải sĩ số; 100% trường tiểu học có phương án ưu tiên, sắp xếp đủ phòng học đạt tiêu chuẩn cho học sinh lớp 1 thực hiện Chương trình 2018... 

Hà Nội:  -0
Hà Nội thừa nhận áp lực về cơ sở vật chất và tình trạng thiếu trường, lớp học...

Riêng tại các quận nội thành, Sở GD - ĐT chỉ đạo phối hợp với các phòng, ban, đơn vị liên quan tham mưu quận rà soát các khu đất trống, quản lý chặt chẽ các ô đất đã được quy hoạch, xin ý kiến thành phố, đề nghị các doanh nghiệp chuyển đổi mục đích sử dụng đất để xây trường học; tiếp tục đầu tư sửa chữa, cải tạo phòng học mới đảm bảo tính chiến lược, hiện đại, tổng thể và lâu dài.

Áp lực về cơ sở vật chất, thiếu trường học, lớp học

Về bảo đảm điều kiện đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, công tác rà soát, sắp xếp đội ngũ giáo viên đã được Sở GD - ĐT tích cực chuẩn bị. Theo đó, Sở đã tổ chức cho 1.300 giáo viên cốt cán, 160 cán bộ quản lý cốt cán tham gia chương trình bồi dưỡng theo các mô-đun; ban hành Quyết định giao chỉ tiêu Kế hoạch và dự toán kinh phí đào tạo bồi dưỡng công chức, viên chức ngành Giáo dục năm 2022; công tác đào tạo bồi dưỡng đại trà cho 100% giáo viên các cấp học theo kế hoạch được hoàn thành trong năm 2022...

Bên cạnh những kết quả đã đạt được, Sở GD - ĐT cũng thẳng thắn chỉ ra một số tồn tại, khó khăn, vướng mắc trong việc thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội.

Cụ thể, công tác quy hoạch mạng lưới trường, lớp còn bất cập do tình trạng dân số cơ học tăng nhanh, phân bố không đều, nhiều khu đô thị, khu công nghiệp được tiếp tục xây mới, gây áp lực về cơ sở vật chất và tình trạng thiếu trường, lớp học; năng lực của một bộ phận cán bộ quản lý giáo dục, giáo viên còn hạn chế, thụ động, chưa đáp ứng kịp yêu cầu quản lý và dạy học, đổi mới...

Xây dựng nhóm giải pháp về xây dựng, hoàn thiện chính sách, pháp luật

Để khắc phục những bất cập nêu trên, UBND thành phố đã xây dựng nhóm giải pháp về xây dựng, hoàn thiện chính sách, pháp luật, trong đó có những chính sách khuyến khích đối tượng đủ điều kiện đầu tư vào lĩnh vực giáo dục bằng quy định ưu đãi đầu tư cao hơn mức ưu đãi đầu tư trong các luật hiện hành.

Đồng thời, có những chính sách tạo điều kiện cho các cơ sở giáo dục công lập được quyền thực hiện liên kết giáo dục với các cơ sở giáo dục nước ngoài khi đủ điều kiện do thành phố quy định.  

Ngoài ra, Hà Nội cũng có chính sách hình thức ưu đãi phát triển hệ thống trường học chất lượng cao, trường học thông minh, nâng cao chất lượng giáo dục ở các cấp học, bậc học; có những chính sách để Sở GD - ĐT được điều chỉnh, bổ sung - chương trình đối với một số môn học, hoạt động giáo dục để phù hợp với điều kiện Thủ đô, tiệm cận nền giáo dục của khu vực và quốc tế. 

Đồng thời, Sở GD - ĐT cũng đề ra nhóm giải pháp về quản lý nhà nước và triển khai thực hiện Chương trình Giáo dục phổ thông 2018.

Đáng chú ý, Hà Nội đã chủ động xây dựng nhóm giải pháp về đầu tư nguồn lực cho công tác bảo đảm chất lượng Giáo dục phổ thông với các giải pháp căn cơ, cụ thể như: Tiếp tục rà soát sắp xếp quy hoạch mạng lưới và chuẩn hóa cơ sở vật chất trường lớp học; đẩy mạnh xã hội hóa và tăng tự chủ trong các cơ sở giáo dục đào tạo; bố trí vốn xây dựng cơ bản, vốn sửa chữa bảo dưỡng công trình; kế hoạch xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia...

Thông qua đợt giám sát của Đoàn ĐBQH TP Hà Nội, Sở GD - ĐT kiến nghị với Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc chuẩn bị cơ sở vật chất, thiết bị dạy học phục vụ thực hiện Chương trình Giáo dục phổ thông 2018; đề nghị Quốc hội cho phép tiếp tục bố trí nguồn lực để thực hiện chương trình kiên cố hóa trường, lớp học giai đoạn 2021 - 2025. 

Kiến nghị với Chính phủ, UBND thành phố Hà Nội mong muốn sớm có cơ chế pháp lý việc dạy học trực tuyến và dạy học trên truyền hình đối với Giáo dục phổ thông; đề xuất với Chính phủ quan tâm đến chế độ chính sách đối với giáo viên và cán bộ quản lý, công chức tại các cơ quan quản lý ngành Giáo dục. 

Ngoài ra, cần cải cách chế độ tiền lương đối với viên chức ngành giáo dục để đảm bảo đời sống và thu hút nguồn nhân lực có chất lượng phục vụ ngành giáo dục; xem xét lại quy định về độ tuổi nghỉ hưu đối với giáo viên mầm non, tiểu học, THCS vì giáo viên lớn tuổi khó phù hợp với đặc điểm tâm lý lứa tuổi của học sinh các cấp học này. 

Về phía Bộ GD - ĐT, Hà Nội kiến nghị cần tiếp tục tăng cường chỉ đạo tập huấn bồi dưỡng thực hiện chương trình Giáo dục phổ thông tập trung vào các nội dung như phương pháp dạy học, xây dựng kế hoạch dạy học, kiểm tra đánh giá.

Sớm ban hành cơ cấu định mức giáo viên theo bộ môn để các địa phương xây dựng kế hoạch tuyển dụng viên chức cũng như Kế hoạch cử đi đào tạo bồi dưỡng hằng năm; tham mưu với Chính phủ để ban hành các chính sách liên quan đến đãi ngộ nhà giáo; bảo đảm ổn định kinh tế để yên tâm công tác đặc biệt là cấp Mầm non.  

Phi Long
#