Thanh Hóa:

Nhiều giải pháp giảm mất cân bằng giới tính khi sinh

- Thứ Hai, 09/11/2020, 18:53 - Chia sẻ
Là tỉnh có quy mô dân số lớn với cơ cấu dân số trẻ, tiềm năng sinh sản lớn, những năm gần đây, công tác dân số - kế hoạch hóa gia đình của Thanh Hóa đã đạt được nhiều kết quả quan trọng. Tuy nhiên, tỷ số giới tính khi sinh trên địa bàn vẫn ở mức cao, đòi hỏi phải có những giải pháp can thiệp đồng bộ, kiên trì.

Tăng tỷ số giới tính khi sinh

Theo số liệu thống kê dân số hàng năm, tỷ số giới tính khi sinh năm 2016 ở Thanh Hoá là 115,2; năm 2017 là 115,4; năm 2018 là 116; năm 2019 là 115. Giai đoạn 2016 - 2019, tốc độ tăng tỷ số giới tính khi sinh đạt chỉ tiêu đề ra. Các loại dịch vụ phục vụ con người gia tăng, trong đó, dịch vụ y tế ngày càng phát triển.

Các phòng khám tư nhân liên tục mở rộng, đặc biệt là dịch vụ siêu âm chăm sóc sức khoẻ - bên cạnh việc giúp phát hiện bệnh lý, cũng phần nào làm tăng nguy cơ về các hành vi lựa chọn giới tính thai nhi đối với những cặp vợ chồng mong muốn sinh con trai. Đây cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến tăng tỷ số giới tính khi sinh trên địa bàn tỉnh Thanh Hoá.

Chú trọng truyền thông, nâng cao nhận thức nhằm giảm tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh

Qua các năm thực hiện đề án kiểm soát can thiệp giảm thiểu tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh, tỷ số giới tính khi sinh ở Thanh Hoá có giảm nhưng không ổn định, vẫn ở mức cao so với toàn quốc. Thông qua nhiều hoạt động can thiệp, đề án bước đầu đã mang lại những hiệu quả thiết thực trong việc cung cấp thông tin kiến thức cơ bản về tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh. Công tác truyền thông nâng cao nhận thức và thay đổi hành vi đối với công tác kiểm soát tỷ số giới tính khi sinh được chú trọng, đẩy mạnh.

Đại diện Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình tỉnh Thanh Hóa cho hay, thời gian qua, đã đẩy mạnh thực hiện các hoạt động truyền thông, vận động lãnh đạo, chính quyền, người có uy tín trong cộng đồng; xây dựng các phóng sự, bài phát thanh tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã. Đồng thời, tổ chức hội nghị và nói chuyện chuyên đề về mất cân bằng giới tính khi sinh cho gia đình, nam nữ thanh niên chuẩn bị kết hôn và những người cung cấp dịch vụ có liên quan đến giới tính thai nhi.

Cụ thể, tỉnh đã nhân bản hơn 200.000 tờ rơi cấp cho đối tượng là thanh niên chuẩn bị kết hôn, phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ; 6.200 cuốn tài liệu hỏi đáp cho cán bộ dân số huyện, xã và cộng tác viên dân số với nội dung chủ yếu về mất cân bằng giới tính khi sinh, các quy định nghiêm cấm lựa chọn giới tính khi sinh, các văn bản quy định mới nhất về xử phạt vi phạm hành chính về lựa chọn giới tính khi sinh; tổ chức các cuộc nói chuyện chuyên đề về nguyên nhân, hệ lụy của mất cân bằng giới tính khi sinh...

Cuộc đấu tranh kiên trì, bền bỉ

Theo Phó Chi cục trưởng Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình tỉnh Thanh Hóa Nguyễn Đình Tuấn, nhận được sự quan tâm từ Trung ương đến địa phương, công tác dân số - kế hoạch hóa gia đình của tỉnh được đẩy mạnh và đạt hiệu quả cao. Đặc biệt là nhận thức và hành động của các cấp, các ngành, các tầng lớp nhân dân được nâng lên rõ rệt. 

Tuy nhiên, Phó Chi cục trưởng Nguyễn Đình Tuấn cho hay, công tác dân số - kế hoạch hóa gia đình vẫn còn những tồn tại, hạn chế như kết quả giảm sinh chưa bảo đảm được tính bền vững, tỷ suất sinh còn chênh lệch giữa các vùng, miền như vùng ven biển, vùng đồng bào công giáo có mức sinh còn cao (17 - 18%), tiềm ẩn nhiều nguy cơ tăng sinh trở lại; tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên có chiều hướng gia tăng; tỷ số giới tính khi sinh đang ở nhóm cao trong cả nước… Mặc dù đã có nhiều cố gắng, bằng các hoạt động can thiệp, song tỷ số giới tính khi sinh vẫn còn ở mức cao, dự kiến phải đến năm 2025, tỷ số này mới có thể được khống chế.

Cùng với đó, tình trạng ưa thích con trai đã ăn sâu vào tâm lý của nhiều người. Do đó, để thay đổi được tâm lý này là một cuộc đấu tranh khó khăn, phức tạp, lâu dài đòi hỏi phải kiên trì, bền bỉ, thực hiện nhiều biện pháp can thiệp vào từng nhóm nguyên nhân, góp phần giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh. Đồng thời, cần tăng cường cung cấp thông tin về giới và mất cân bằng giới tính khi sinh cho người dân, trước hết là các cặp vợ chồng sẽ sinh con, những người cung cấp dịch vụ siêu âm, nạo phá thai... những người có uy tín trong cộng đồng nhằm hạn chế hành vi không phù hợp với việc sinh đẻ theo quy luật tự nhiên.

Ngoài ra, thời gian tới, để giảm thiểu được tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh, Thanh Hoá sẽ tiếp tục nghiêm cấm việc lựa chọn giới tính thai nhi và các hành vi liên quan; kiểm soát chặt chẽ việc sử dụng các phương pháp, kỹ thuật giúp tạo giới tính thai nhi, chẩn đoán giới tính thai nhi; xử lý nghiêm minh vi phạm về chính sách dân số - kế hoạch hóa gia đình.

Vân Phi