Tăng cường năng lực thực hiện phân cấp, phân quyền

- Thứ Sáu, 15/03/2024, 08:08 - Chia sẻ

Giám sát việc thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia (CTMTQG) trên địa bàn giai đoạn 2021 - 2025, Đoàn giám sát HĐND tỉnh Lào Cai nhận thấy Chương trình phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi đã có 23/26 chỉ tiêu đạt, vượt kế hoạch; số hộ nghèo, cận nghèo giảm... Tuy nhiên, năng lực triển khai các văn bản hướng dẫn việc tăng cường phân cấp, phân quyền của cấp trên ở một số cấp huyện, xã còn hạn chế; nhiều dự án, tiểu dự án, nội dung thành phần của các chương trình chưa được triển khai do các địa phương lúng túng...

Tăng cường năng lực thực hiện phân cấp, phân quyền
Đoàn giám sát HĐND tỉnh giám sát trực tiếp tại UBND huyện Văn Bàn. Ảnh: Trần Minh Kiên

Lồng ghép nhiều nguồn vốn mang lại hiệu quả đa chiều

Tính đến hết năm 2023, các CTMTQG trên địa bàn tỉnh Lào Cai đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Các cơ chế, chính sách được ban hành đầy đủ, phù hợp với yêu cầu thực tiễn, tạo điều kiện để các địa phương nâng cao chất lượng, hiệu quả thực hiện. Cơ cấu tổ chức bộ máy chỉ đạo và cơ quan giúp việc thực hiện các chương trình được kiện toàn. Kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội như: giao thông, cơ sở vật chất văn hóa, trường học, trạm y tế, nhà ở dân cư, chợ... được nâng cấp khang trang, phục vụ tốt nhu cầu dân sinh cơ bản ở các xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

Trong đó, Chương trình phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi sau 3 năm thực hiện đã có 23/26 chỉ tiêu đạt, vượt kế hoạch. Các chỉ tiêu vượt kế hoạch như: giảm tỷ lệ hộ nghèo vùng đồng bào dân tộc thiểu số theo chuẩn đa chiều; tỷ lệ học sinh trong độ tuổi học trung học phổ thông đến trường; tỷ lệ người dân tộc thiểu số tham gia bảo hiểm y tế; tỷ lệ phụ nữ sinh con ở cơ sở y tế hoặc có sự giúp đỡ của cán bộ y tế. Việc thực hiện mục tiêu giảm nghèo đạt nhiều kết quả tích cực, số hộ nghèo, cận nghèo giảm. Chương trình xây dựng nông thôn mới có nhiều kết quả tích cực khi toàn tỉnh tiếp tục duy trì, củng cố 2 đơn vị cấp huyện đã đạt chuẩn nông thôn mới (thành phố Lào Cai và huyện Bảo Thắng).

Đạt được những kết quả trên, UBND các cấp đã chủ động lồng ghép nhiều nguồn vốn mang lại hiệu quả đa chiều, đa mục tiêu, góp phần hoàn thành đồng thời các mục tiêu của từng chương trình, dự án.

Mô hình trồng dâu tây tại xã Lùng Phình (huyện Bắc Hà) bước đầu đem lại thu nhập cao cho người dân giúp giảm nghèo bền vững. Ảnh: K. Thoa
Mô hình trồng dâu tây tại xã Lùng Phình (huyện Bắc Hà) bước đầu đem lại thu nhập cao cho người dân giúp giảm nghèo bền vững. Ảnh: K.Thoa

Còn tình trạng chờ hướng dẫn

Tuy nhiên, qua giám sát thực tế, Đoàn giám sát chỉ ra việc xác định nhu cầu đầu tư, lập kế hoạch thực hiện các CTMTQG ở cấp xã chưa bảo đảm. Năng lực triển khai các văn bản hướng dẫn việc tăng cường phân cấp, phân quyền của cấp trên ở một số cấp huyện, xã còn hạn chế. Đặc biệt, trình độ, năng lực của một bộ phận cán bộ, công chức xã còn yếu nên không triển khai được nhiệm vụ ở địa phương, nhất là trong việc lập quy hoạch, kế hoạch mang tính giai đoạn. Nhiều dự án, tiểu dự án, nội dung thành phần của các chương trình chưa được triển khai, trong đó có những nội dung sử dụng vốn sự nghiệp do các địa phương lúng túng, chưa chủ động, còn tình trạng chờ hướng dẫn của các cơ quan cấp trên. Khả năng cân đối ngân sách của cấp huyện, xã để đối ứng và huy động nguồn lực từ cộng đồng dân cư ở một số địa phương rất khó khăn, đặc biệt là vùng đồng bào dân tộc thiểu số ít người.

Để nâng cao hiệu quả thực hiện các CTMTQG, Đoàn giám sát HĐND tỉnh Lào Cai đã có những kiến nghị cụ thể với Trung ương trong việc sửa đổi, bổ sung một số quy định, cơ chế, chính sách phù hợp với thực tế. Đoàn giám sát cũng kiến nghị UBND tỉnh tập trung chỉ đạo giải quyết dứt điểm những tồn tại, vướng mắc do lỗi chủ quan; chủ động rà soát, kịp thời trình HĐND tỉnh sửa đổi những nội dung không còn phù hợp với thực tế và bổ sung những cơ chế, chính sách mới để thực hiện hiệu quả hơn các CTMTQG.

KIM THU