Mùa Xuân tằm tang, dệt vải

- Thứ Bảy, 25/02/2023, 15:04 - Chia sẻ

Công việc tằm tang, dệt vải bao năm cứ đều đặn, lặng lẽ diễn ra trong đời sống của đồng bào Mường. Bên khung cửi, họ cần mẫn dệt nên hoa văn đậm bản sắc, dệt nên mùa xuân đong đầy mơ ước lưu giữ nghề truyền thống cho thế hệ hôm nay.

Mang hương sắc núi rừng

Sử thi Mường kể lại nghề dệt của dân tộc ra đời từ rất sớm, từ thời kỳ “đẻ đất, đẻ nước”, thời kỳ của những “ông Đá Cần, bà Dạ Kịt”, từ ngay sau khi tìm ra các Mường và tìm được lửa, biết làm nhà ở, người Mường bắt đầu truyền dạy cho con cháu dệt vải, may quần áo. Thổ cẩm người Mường có màu xanh của cây cỏ, màu đỏ, màu vàng của hoa rừng..., không cầu kỳ nhưng rất tươi sáng, mang âm hưởng của tự nhiên. Những đường răng cưa tượng trưng cho các dãy núi trùng điệp, nương rẫy, gò đồi, trong khi hình sóng nước tượng trưng cho dòng sông, con suối... Riêng cạp váy của phụ nữ Mường được dệt bằng sợi tơ tằm trang trí hoa văn độc đáo hình con hươu, hình quả trám, kẻ ô vuông, kẻ luống...

Cứ độ Xuân về Tết đến, những cô gái Mường lại xúng xính, duyên dáng trong chiếc khăn, áo rực rỡ tô điểm cho cảnh sắc núi rừng và làm say lòng những chàng trai xứ Mường; bà Phạm Thị Sơn, Bá Thước, Thanh Hóa cho biết: từ xưa người con gái Mường không ai là không biết dệt, trước khi về nhà chồng, người con gái phải tự tay mình dệt từ 6 - 12 chiếc chăn, đệm làm quà cho họ hàng nhà chồng thể hiện đức hạnh, tài năng của cô dâu, đồng thời cũng là niềm tự hào của gia đình nhà trai. Vì thế các bé gái 13 - 15 tuổi đã được bà, mẹ hướng dẫn se chỉ, quay sợi, tập tành ngồi dệt vải bên các khung cửi, 16 tuổi đã làm thành thạo.

Ấy vậy công việc làm ra một sản phẩm khá cầu kỳ và nhọc nhằn. Thường vào tháng 5 âm lịch, chờ ngày nắng đẹp, người Mường sẽ thu hoạch bông, nhặt sạch, phân loại, sau đó phơi 2 - 3 nắng cho khô, bỏ hạt cán bông. Múi bông sau khi tách, tơi mịn, ép thành con để kéo sợi, mỗi con bông dài 15 - 20cm. Kéo sợi bằng la, tay quay, tay kéo phải thật đều để bảo đảm sợi chỉ đều, đẹp, mịn. Xong công đoạn kéo sợi mới chuyển sang công đoạn hồ. Nguyên liệu hồ là cơm nấu bằng gạo trắng, dẻo, bảo đảm cơm vừa nước. Cho cơm và sợi vào đuống, dẫm cho cơm nhuyễn rồi lấy sợi ra phơi khô sau đó xe thành ống. Sợi đã xe sẽ được cho vào dụng cụ xếp để xếp sợi dọc, đi sợi dài, số lượng tính vải làm nhiều hay ít, độ khổ rộng hay hẹp tùy mục đích sử dụng. Hoàn tất các khâu chuẩn bị mới bước vào công đoạn dệt.

“Người Mường có hoa văn đặc trưng là cái móc, thể hiện sự liên kết các thành viên trong tộc người Mường, mang tinh thần đoàn kết, liên kết với nhau tạo thành sức mạnh để chiến đấu với các loài muông thú, thế lực khác. Nó còn có ý nghĩa là móc xích thời gian từ ngày này qua ngày khác, năm này qua năm khác, nối mùa đông với mùa xuân. Từ xưa đến nay, dân tộc Mường luôn gìn giữ và lưu truyền cho các thế hệ con cháu", bà Phạm Thị Sơn nói.

Tâm huyết giữ gìn

Các dịp lễ, Tết là thời gian đẹp nhất để thổ cẩm khoe sắc, cũng là thời điểm người Mường nhìn lại thành quả bên khung cửi suốt một năm qua. Với tình yêu nghề và tâm huyết bảo tồn nét đẹp văn hóa dân tộc, những nghệ nhân Mường đã ngày đêm miệt mài làm ra sản phẩm thủ công mang đậm bản sắc. Nhiều người bảo là dệt thổ cẩm nhưng những con người ấy thực chất đang thảo dựng, phác họa lại cả một nền văn hóa với những giá trị cộng đồng, với niềm tin bắt rễ từ hàng trăm năm qua.       

Hà Thanh Dương là nghệ nhân nam hiếm hoi người Mường ở Thanh Hóa gắn bó với nghề dệt thổ cẩm. Năm 13 tuổi, anh bắt đầu dệt những trang phục đầu tiên. Bấy giờ thấy mẹ với bà dệt, anh học theo và dệt trộm, rồi dần dần quen tay dệt đẹp lên. “Mẹ tôi không khuyến khích, bảo nghề dệt dành cho con gái, nhưng thấy tôi đam mê, bà nói rằng đã theo nghề này thì phải cố gắng để nghề nuôi sống bản thân. Năm 17 tuổi, tôi đổi 2 bộ quần áo tự dệt để lấy một căn nhà. Ở tuổi đã ngoài tứ tuần, khi chứng kiến sự phát triển ồ ạt của dệt công nghiệp với mẫu mã kém chất lượng, tôi đã đốt 25 khung dệt, không làm nghề nữa. Nhưng rồi, bẵng đi hơn chục năm, giờ đây tôi đã quyết định trở lại với khung cửi, vì yêu nghề, nhớ nghề, nó thấm vào máu không sao bỏ được”.

Hà Thanh Dương chỉ là một trong rất nhiều người thợ giỏi, không chịu nổi những thách thức của đời sống hiện đại mà từ bỏ nghề truyền thống. Để rồi, sức hút của nghề dệt vẫn cứ níu kéo con người ta với nghề; bà Sa Thị Tâm, ở Tân Sơn, Phú Thọ tâm sự: “thổ cẩm làm ra vất vả mà bán rẻ cũng chẳng mấy người mua, thanh niên lớn lên là đi làm công nhân hoặc các nghề khác thu nhập cao hơn lại ổn định. Con gái đi lấy chồng theo tục lệ vẫn mang theo các bộ chăn, nệm thổ cẩm nhưng ít người tự tay dệt lấy. Thực tế là vậy nhưng dù thời đại có đổi thay, trang phục của người Mường có bị văn hóa bên ngoài ảnh hưởng thì tôi vẫn sẽ tâm huyết gìn giữ, vẫn sẽ kiên nhẫn tìm cách dạy lại cho con cháu biết dệt thổ cẩm dân tộc”.

Theo tháng theo năm, lớp nghệ nhân lớn tuổi mất đi, nghề dệt, như bao nét văn hóa đặc sắc khác của các cộng đồng dân tộc thiểu số, có thể theo đó mà mai một. Nhưng vẫn còn đó, dưới những nóc nhà sàn lọt thỏm giữa tứ bề rừng núi, công việc tằm tang, dệt vải vẫn diễn ra đều đặn, lặng lẽ trong đời sống người Mường. “Giờ đây, tôi đang tìm đến các nghệ nhân Mường để được chỉ dạy thêm rồi dạy lại cho lớp con cháu của mình. Mùa xuân nữa lại về, tôi tin rằng vẫn còn đó cơ hội nối tiếp dòng chảy sắc màu thổ cẩm dân tộc mình”, anh Hà Thanh Dương chia sẻ.

Thái Minh