Văn hóa - Du lịch

“Mảnh đất màu mỡ” thu hút khách du lịch

- Thứ Bảy, 25/02/2023, 15:40 - Chia sẻ

Di sản văn hóa vô cùng phong phú, đa dạng của các dân tộc thiểu số thời gian qua đã được đưa vào khai thác, trở thành sản phẩm hấp dẫn khách du lịch. Tuy nhiên, du lịch cũng gây ra các tác động tiêu cực đến văn hóa và môi trường. Đây là vấn đề cần đặc biệt lưu tâm để phát triển bền vững.

Đa dạng, độc đáo sản phẩm du lịch văn hóa

Những năm gần đây nét đặc sắc của các di sản văn hóa trên khắp các vùng miền Tổ quốc đã được khai thác và đóng góp không nhỏ trong phát triển du lịch ở Việt Nam. Theo TS. Nguyễn Quang Vinh, Khoa Du lịch học, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội, chỉ tính riêng hệ thống di sản văn hóa của các dân tộc thiểu số ở Việt Nam đã đem lại những sản phẩm du lịch đặc thù. Có thể kể đến các sản phẩm du lịch mang dấu ấn người Mông, Dao, Hà Nhì, Tày ở các tỉnh miền núi phía Bắc hay người Ba Na, Gia Rai, Ê Đê, M’nong, Cơ Ho, Mạ... ở Tây Nguyên.

Đó có thể là các sản phẩm du lịch phản ánh sự thích ứng với môi trường, như các loại hình canh tác trên hốc đá, trên ruộng bậc thang của đồng bào dân tộc ở Mù Cang Chải (Yên Bái), Hoàng Su Phì (Hà Giang), Bát Xát (Lào Cai)... hay các sản phẩm du lịch trải nghiệm những cánh rừng nguyên sinh độc đáo, hệ thống thác nước tuyệt đẹp ở buôn Đôn, bản Voi của đồng bào Đắk Lắk, Đắk Nông, Gia Lai, Kon Tum... Đó cũng là loại hình du lịch sinh thái gắn với nông nghiệp như du lịch nhà vườn, tham gia trải nghiệm các hoạt động lao động, sản xuất nông nghiệp; thăm các nghề thủ công truyền thống dệt vải thổ cẩm, nghề bánh tráng, nghề rèn, làm cung tên, nghề chạm khắc...; hay loại hình du lịch gắn với lễ hội để du khách được hòa mình vào những điệu xòe Thái, những điệu dân ca cổ, nghệ thuật thổi và múa Khèn Mông...

Giá trị văn hóa tộc người bổ sung các loại hình dịch vụ mới cho du lịch cũng ngày càng trở thành lựa chọn của du khách. Đó là du lịch ẩm thực, kết hợp trải nghiệm đời sống sinh hoạt và các món ăn của đồng bào dân tộc thiểu số như ngủ nhà sàn truyền thống, nằm đệm bông gạo, thưởng thức đặc sản núi rừng như: thịt trâu gác bếp, cá suối nướng, xôi ngũ sắc, rau rừng, rượu ngô men lá.....

“Di sản văn hóa các dân tộc thiểu số ngày càng trở thành mảnh đất màu mỡ với nhiều hấp lực thu hút khách du lịch” - TS. Nguyễn Quang Vinh nhận định. Tính đến năm 2019, các tỉnh vùng Trung du và miền núi phía Bắc, Tây Nguyên đã có khoảng 170 điểm du lịch di sản, du lịch cộng đồng, thu hút đông đảo khách du lịch trong nước và quốc tế. Điển hình như du lịch cộng đồng người Thái ở Bản Mển (xã Thanh Nưa, huyện Điện Biên, Điện Biên) và Bản Áng (xã Đông Sang, Mộc Châu, Sơn La); du lịch cộng đồng người Hà Nhì ở xã Y Tí (huyện Bát Xát, Lào Cai); du lịch cộng đồng người Mường ở Bản Lác (xã Chiềng Châu, Mai Châu, Hòa Bình); du lịch cộng đồng người Dao ở bản Nậm Đăm (xã Quản Bạ, huyện Quản Bạ, Hà Giang); du lịch cộng đồng người Cơ Tu ở Đăk Rơ Wa, du lịch cộng đồng người Ba Na ở Plei Klếch (Kon Tum)...

Phát huy vai trò cộng đồng

Nhờ khai thác các di sản văn hóa đa dạng với nhiều sắc thái đặc sắc, hấp dẫn giàu giá trị, trực tiếp tạo nên các sản phẩm du lịch di sản mang tính đặc thù mang lại nhiều lợi ích về thu nhập, việc làm, diện mạo kinh tế - xã hội vùng đồng bào các dân tộc thiểu số đã có nhiều khởi sắc. Du lịch cũng góp phần rất lớn tạo ra môi trường sống cho văn hóa, tạo điều kiện bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống.

Tuy nhiên, việc phát triển du lịch thời gian qua vẫn còn nhiều hạn chế, chưa thực sự theo hướng phát triển bền vững. Nhiều nơi, việc khai thác du lịch ồ ạt, thiếu định hướng đã dẫn tới không ít hệ lụy như lạm dụng di sản, phục dựng sai quy cách... tác động tiêu cực đến di sản văn hóa. Bên cạnh đó, việc liên kết giữa khai thác di sản văn hóa với hoạt động du lịch chưa thật sự chặt chẽ và thiếu tính hệ thống mà tự phát, tập trung ở một số địa bàn trong khi vẫn còn nhiều di sản văn hóa chưa được khai thác; ở nhiều nơi năng lực quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di sản phục vụ phát triển du lịch còn bất cập, hoạt động du lịch đơn điệu, nhàm chán, thiếu sáng tạo...

Nhằm bảo vệ di sản và phát triển du lịch tại các vùng đồng bào dân tộc thiểu số, GS.TS. Trương Quốc Bình, Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia góp ý, cần hoàn thiện hệ thống quản lý nhà nước, nâng cao năng lực quản lý của cơ quan quản lý du lịch từ Trung ương đến địa phương. Ban hành các văn bản quy định rõ về việc bảo vệ môi trường tự nhiên, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc để phát triển du lịch hiện đại và tương lai.

Bên cạnh đó, đẩy mạnh điều tra, đánh giá, kiểm kê tài nguyên du lịch, gồm các di sản văn hóa vật thể và phi vật thể, từ đó lên kế hoạch bảo tồn, tôn tạo, phục hồi, xây dựng quy hoạch, kế hoạch khai thác di sản phục vụ phát triển kinh tế - xã hội nói chung và phát triển du lịch nói riêng.

Đặc biệt, đẩy mạnh phát huy vai trò của cộng đồng trong bảo tồn sự đa dạng văn hóa. Điều then chốt là làm cho cộng đồng địa phương hiểu rõ những giá trị văn hóa cần bảo tồn như: kiến trúc nhà ở truyền thống, di tích lịch sử văn hóa; các di sản tự nhiên; chữ viết, tiếng nói, phong tục tập quán, lễ hội... Bảo đảm có sự tham gia của cộng đồng vào quá trình quy hoạch phát triển du lịch gắn với bảo tồn văn hóa.

Thảo Nguyên