Văn hóa - Du lịch

Lễ cúng Bàn Vương - Hướng người Dao về nguồn cội

- Thứ Hai, 25/12/2023, 15:26 - Chia sẻ

Người Dao có nhiều cách để nhắc nhớ con cháu về các giá trị nhân văn dân tộc. Trong đó, lễ cúng Bàn Vương thể hiện đậm đặc tâm thức cộng đồng - luôn hướng về nguồn cội, biết ơn tổ tiên, cố kết dòng họ, làng bản…

Truyền thuyết vị thủy tổ của người Dao

Tục lệ thờ cúng Bàn Vương có từ xa xưa, nằm trong hệ thống tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên của người Dao. Tuy nhiên, Bàn Vương không phải tổ tiên gần của một vài gia đình hay một vài dòng họ mà được quan niệm là thủy tổ của người Dao.

Các già làng, trưởng bản đồng bào Dao vẫn truyền tai nhau truyền thuyết về thủy tổ của dân tộc. Bàn Vương hay còn gọi là Bàn Hồ, tức con long khuyển (chó thần) dài ba thước, lông đen, vằn vàng. Bàn Hồ từ trên trời giáng xuống cung Bình Vương, được vua yêu quý. Một hôm, nhận được chiến thư của Cao Vương, nhà vua chưa tìm ra phương cách giao chiến thì Bàn Hồ xung phong đi giết Cao Vương. Trong cuộc giao chiến, Bàn Hồ lập công giết được Cao Vương và được vua gả cho cung nữ Cối Kê, phong là Bàn Vương.

Theo lời kể, Bàn Vương sinh được 12 người con, 6 trai, 6 gái. Vua ban sắc cho con cháu Bàn Vương thành 12 họ (Bàn, Phàn, Mãn, Uyển, Đặng, Trần, Lương, Tống, Phượng, Đối, Lưu, Triệu), cấp cho Quá sơn bảng văn (hay còn có tên khác là Bình hoàng thắng điệp, tức Giấy thông hành qua núi - sách này có nhiều dị bản), để con cháu Bàn Vương phân tán đi sinh sống các nơi. Khi Bình Vương chết, Bàn Vương lên làm vua. Tuy làm vua nhưng Bàn Vương vẫn giữ nếp sống giản dị, dạy dân cách trồng lúa, dệt vải, giữ thói quen săn bắn… Sau khi Bàn Vương chết, được người Dao thờ cúng.

Các nhóm người Dao dù ở bất cứ nơi đâu cũng quan niệm có chung một nguồn gốc lịch sử, chung lòng tưởng nhớ vị thủy tổ anh hùng của dân tộc. Bàn Vương được coi là ma nhà (ma tốt), được thờ cúng cùng với tổ tiên của từng dòng họ, từng gia đình. Trong các nghi lễ lớn như lễ cấp sắc, “tẩu slai” (lễ cấp sắc ở bậc cao hơn), “chẩy chấu” (lễ tảo mộ), tết nhảy, làm ma chay… đồng bào Dao đều phải cúng Bàn Vương.

Ngoài ra, lễ cúng Bàn Vương còn được tiến hành riêng như một nghi lễ trọng. Các dị bản của Quá sơn bảng văn đều đề cập lễ cúng Bàn Vương được tổ chức quay vòng trong 3 năm: năm thứ nhất gọi là lễ Lạc khánh, năm thứ hai gọi là lễ Hoàn nguyên, năm thứ ba làm lễ to gọi là lễ Đại hội. Tuy nhiên, trong thực tế mỗi dòng họ, thôn bản người Dao đều có cách thực hành riêng và quy định kỳ cúng bái khác nhau. Có họ 3 năm, có họ lại tổ chức cúng vào 12 năm, 20 năm hoặc hơn nữa, có khi cả đời mới làm lễ lớn để cúng Bàn Vương một lần, song đều nhất tâm coi việc thờ cúng Bàn Vương liên quan đến vận mệnh của mỗi người, mỗi dòng họ.

Ánh xạ văn hóa cộng đồng

Tục thờ cúng Bàn Vương ăn sâu vào tâm thức người Dao, đáp ứng nhu cầu tâm linh đồng thời phản chiếu giá trị cùng những biến đổi trong đời sống của cộng đồng dân tộc. Từ truyền thuyết về thủy tổ Bàn Vương mà từ xa xưa các tộc người Dao ở Việt Nam có tục kiêng ăn thịt chó. Ngày nay, do quá trình tiếp biến văn hóa, tục kiêng thịt chó ở một số cộng đồng người Dao đã được nới lỏng nhưng vẫn có sự kiêng kỵ nhất định như vào các ngày lễ tết, không được ăn thịt chó trong nhà…

Theo các nhà nghiên cứu, tuy mỗi nhóm Dao có nét riêng song tục cúng Bàn Vương căn bản giống nhau. Nếu vào năm làm ăn thất bát, sinh hoạt gia đình gặp nhiều khó khăn, người Dao thường làm lễ cúng để khất, hứa rằng nếu Bàn Vương phù hộ để tai qua, nạn khỏi, làm ăn thuận lợi hơn trước thì sẽ tổ chức lễ cúng Bàn Vương. Từ lúc khất, hứa với Bàn Vương, đồng bào sẽ đặc biệt chăm sóc hai con lợn để chuẩn bị cúng lễ, một con cúng gia tiên, thánh thần, một con cúng Bàn Vương. Trước ngày làm lễ cúng vài tuần, người Dao bắt đầu nấu rượu, dành hai chum hay vò riêng, một cho Bàn Vương, một cho các vị thánh thần khác và gia tiên.

Thực hiện nghi lễ cúng Bàn vương của dân tộc Dao. Nguồn: TTXVN
Thực hiện nghi lễ cúng Bàn vương của dân tộc Dao. Nguồn: TTXVN

Lễ cúng Bàn Vương được cử hành bởi 3 thầy cúng với sự tham gia của con cháu dòng họ. Thầy cúng thứ nhất là thầy cả (vìn nhủng sai) cúng trả lợn thần cho Bàn Vương; thầy cúng thứ hai (người Dao đỏ gọi là sai pành piê, người Dao tiền gọi là diang gòa con) cúng cầu sức khỏe, thần lúa, thần chăn nuôi; thầy cúng thứ ba cúng trả lễ vật cho tổ tiên và các vị thần. Trong quá trình thực hiện các nghi thức cúng lễ, sự tích về người Dao được kể lại như một lần nhắc nhớ mọi người không được quên nguồn gốc của mình, kể về quá trình khai thiên lập địa, tích nạn hồng thủy và câu chuyện quả bầu, tích Bàn Vương, quá trình chuyển cư đầy gian truân của người Dao khắp nẻo đồi núi sông suối...

Xen kẽ các nghi thức cúng tế, mọi người trình diễn điệu múa chuông, múa kiếm là điệu múa phổ biến trong sinh hoạt văn hóa của dân tộc Dao, tái hiện hoạt động sản xuất, sinh hoạt từ thời xa xưa. Từng lời khấn, cử chỉ, hành động diễn ra trong không gian thiêng như một cách trấn an tinh thần rằng bên cạnh mình đã có tổ tiên là Bàn vương linh thiêng đầy sức mạnh bảo trợ. Đồng thời, sợi dây kết nối cộng đồng, liên kết mối quan hệ gia đình, dòng họ, làng bản cũng qua đó mà thêm bền chặt…

Thái Minh