Khuyến nông

Làm giàu nhờ cây cam, cây bưởi

- Thứ Bảy, 25/02/2023, 15:20 - Chia sẻ

Với sự vào cuộc của chính quyền và người dân, phát huy thế mạnh của địa phương, Tuyên Quang đã hình thành nhiều vùng sản xuất hàng hóa cho chuỗi giá trị sản phẩm cao, trong đó có cam, bưởi.

Cam Hàm Yên - cây trồng kinh tế chủ lực

Huyện Hàm Yên hiện nay nổi tiếng với cây cam - cây trồng chủ lực, mang lại hiệu quả kinh tế cao giúp người dân thoát nghèo. Theo thống kê, vùng cam của huyện Hàm Yên tập trung  chủ yếu ở 13 xã, thị trấn với 7.200ha và hơn 5.600 gia đình trồng cam. Ngoài cam, cây bưởi hiện cũng là cây trồng phát triển nhanh về diện tích và sản lượng. Tổng diện tích bưởi toàn huyện hiện đạt 360ha. Trong số này có trên 250ha bưởi cho thu hoạch ổn định.

Anh Chuyền, thôn Pá Han, xã Phù Lưu, huyện Hàm Yên chia sẻ, với việc tận dụng lợi thế về đất, vị trí và khí hậu, gia đình anh chuyển đổi các loại cây trồng không đem lại hiệu quả kinh tế cao bằng cây cam và chanh với diện tích 3ha cam và hơn 3000m2 chanh. Được tạo điều kiện vay vốn ngân hàng lãi suất ưu đãi, anh đã đầu tư mở rộng sản xuất và đến nay với việc trồng cam và chanh, mỗi năm thu nhập của gia đình từ 300 - 400 triệu đồng, kinh tế ổn định, cuộc sống ngày càng được cải thiện.

Từ lâu, cây cam được coi là một trong những loại cây trồng chủ lực trong phát triển kinh tế nông hộ của huyện Hàm Yên. Tuy nhiên từ năm 2005 trở lại đây cây cam sành phát triển mạnh cả về số lượng, chất lượng; mẫu mã sản phẩm cam quả từng bước được nâng lên, chất lượng thơm ngon. Theo thống kê, huyện Hàm Yên hiện có 7.200ha diện tích cây cam, 52ha quýt, 360ha bưởi, 940ha chanh. Đại diện phòng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Hàm Yên cho biết, huyện đã đưa vào nhiều giống cam mới như cam chanh, cam Vinh, cam V2, cam rải vụ… nhằm đa dạng hóa giống cam, rải vụ thu hoạch.

Ngoài ra, để nâng cao chất lượng, giá trị sản phẩm, huyện tích cực vận động, tuyên truyền người dân chuyển đổi phương thức sản xuất từ truyền thống sang VietGAP, hữu cơ. Đến nay, diện tích áp dụng theo tiêu chuẩn VietGAP 870,8ha cam, 15,5ha bưởi; hữu cơ là 22,4ha cam, 10ha bưởi.

Cây ăn quả trên đất đồi

Tại xã Minh Quang, huyện Lâm Bình, nhiều hộ dân đã mạnh dạn chặt bỏ nhiều hécta đất đồi rừng trồng lạc và mía để chuyển sang trồng bưởi và cam. Anh Dính tại thôn Poói chia sẻ, cuối năm 2014 gia đình anh đã phá bỏ cây lạc và mía trồng thử nghiệm trên 200 cây cam Vinh cùng 600 gốc bưởi Diễn, 100 gốc bưởi da xanh, bưởi đào đường. Thời gian đầu, do chưa có kinh nghiệm chăm sóc nên cây phát triển chậm, nhiều cây cam Vinh bị chết. Tuy nhiên, nhờ rút kinh nghiệm, không ngừng nghiên cứu, tìm tòi, sau hơn 7 năm chuyển đổi sang trồng cây ăn quả, đến nay, mặc dù phần lớn diện tích cây ăn quả mới chỉ cho thu hoạch, nhưng gia đình anh Dĩnh đã thu lãi gần 250 triệu đồng/năm từ việc thu hoạch quả các loại. Đây chính là thành quả của việc mạnh dạn xóa bỏ vườn tạp, thay thế các loại cây có giá trị kinh tế thấp bằng cây ăn quả có giá trị kinh tế cao hơn.

Gia đình ông Thỏa đã có nhiều năm kinh nghiệm trồng bưởi đường. Đây là loại cây giúp gia đình ông cùng các hộ tại thôn Soi Hà, xã Xuân Vân, huyện Yên Sơn xóa đói giảm nghèo và từng bước giúp nhiều hộ dân trong xã làm giàu. Ông Thỏa cho biết, việc tiêu thụ bưởi đường giờ đây rất thuận lợi. Ngay đầu vụ, thương lái tới đặt cọc tiền mua cả vườn khi bưởi còn nhỏ. Gia đình ông Thỏa chủ yếu bán buôn chứ không bán lẻ. Hiện bưởi đường có giá dao động từ 20.000 - 30.000 đồng/quả, với 2ha bưởi đường đang cho thu hoạch, trừ chi phí, gia đình ông Thỏa thu lãi hơn 200 triệu đồng/ha/vụ. 

Đại diện Phòng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Yên Sơn cho biết, cây bưởi được người dân trong huyện trồng từ năm 2002. Đến nay, tổng diện tích cây bưởi trên toàn huyện đã lên tới trên 4.000ha. Hiện tại, thị trường tiêu thụ bưởi Yên Sơn tương đối tốt, giá trị kinh tế từ trồng bưởi vẫn đang dẫn đầu trong cơ cấu cây trồng, chưa xảy ra tình trạng cung vượt cầu. Ðể nâng cao giá trị của cây bưởi, UBND huyện Yên Sơn đã mở các hội nghị tập huấn khoa học - kỹ thuật cũng như chuyển giao khoa học - kỹ thuật mới để người dân áp dụng vào quy trình sản xuất, đáp ứng đúng tiêu chuẩn VietGAP, đồng thời hướng tới mục tiêu xuất khẩu sản phẩm bưởi ra nước ngoài. Năm 2017, bưởi Soi Hà được Hội Người tiêu dùng Việt Nam bình chọn vào Top 10 nhãn hiệu, thương hiệu nổi tiếng, năm 2021, được cấp chứng nhận chỉ dẫn địa lý. Đây là cơ hội để sản phẩm này tăng sức cạnh tranh, mở rộng thị trường tiêu thụ.

Văn Anh