Gia Lai

Đánh thức tiềm năng kinh tế du lịch

- Thứ Năm, 28/12/2023, 08:38 - Chia sẻ

Tỉnh Gia Lai đang nỗ lực triển khai nhiều giải pháp nhằm tăng cường, quảng bá và đưa các sản phẩm du lịch của địa phương đến với du khách để tăng nguồn thu, đóng góp vào sự phát triển bền vững của kinh tế - xã hội. 

Dự kiến đầu tư 500 tỷ đồng phát triển hạ tầng du lịch

Gia Lai có tiềm năng lớn để phát triển đa dạng các loại hình du lịch sinh thái, văn hóa, cộng đồng... Cụ thể, địa phương được ghi nhận có nền văn hóa đa dạng, không gian văn hóa cồng chiêng, khu dự trữ sinh quyển cao nguyên Kon Hà Nừng, vườn quốc gia Kon Ka Kinh cùng nền nông nghiệp đa dạng. Ngoài ra, còn có hệ thống thác nước tự nhiên hùng vĩ, khí hậu mát mẻ, nhiều cụm di tích lịch sử và di tích sơ kỳ đá cũ…

Tuy nhiên, so với các tỉnh trong khu vực Tây Nguyên, du lịch Gia Lai đóng góp cho GDP của địa phương chưa tương xứng với tiềm năng. Trong 6 tháng đầu năm 2023 chỉ có khoảng 620.000 lượt du khách, tăng 31% so với cùng kỳ, đạt 56% so với kế hoạch. Số liệu này cho thấy, ngành du lịch của Gia Lai đang đi chậm hơn so với các tỉnh khác trong khu vực. Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Gia Lai Nguyễn Tấn Thành cho hay, tiềm năng địa phương dồi dào và hấp dẫn, nhưng để biến thành sản phẩm du lịch thì cần có sự đầu tư chỉn chu, chọn lọc, tỉnh cần xác định nơi nào thuận tiện, có điều kiện phát triển hơn thì đầu tư trước, theo quy trình để du khách mới biết tới, người dân mới có thu nhập từ du lịch. “Tiềm năng du lịch thì dồi dào nhưng sự đầu tư còn chừng mực, thành ra các sản phẩm của du lịch Gia Lai có đặc trưng nhưng còn thiếu tính hoàn thiện”, ông Thành chia sẻ.

Thác nước tự nhiên hùng vĩ, khí hậu mát mẻ và nhiều cụm di tích lịch sử có giá trị với du khách. Ảnh: ITN
Thác nước tự nhiên hùng vĩ, khí hậu mát mẻ và nhiều cụm di tích lịch sử có giá trị với du khách. Nguồn: ITN

Còn theo đại diện Trung tâm Xúc tiến đầu tư tỉnh cho biết, trên địa bàn hiện có 12 dự án du lịch ngoài ngân sách tuy nhiên có 9 dự án chưa có nhà đầu tư, 2 dự án tạm dừng 1 dự án đang thực hiện điều chỉnh. Điều này ít nhiều ảnh hưởng đến phát triển du lịch của địa phương. Để đáp ứng kỳ vọng của cộng đồng doanh nghiệp và người dân, tỉnh Gia Lai đặt mục tiêu phát triển kinh tế du lịch không chỉ bằng cách hàng năm tổ chức nhiều sự kiện văn hóa, thể thao; tăng cường quảng bá các tiềm năng lợi thế về du lịch mà còn xây dựng kế hoạch cụ thể cho giai đoạn 2021 - 2025. Theo đó, địa phương phấn đấu tới năm 2025, du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn với đa dạng các loại hình chuyên nghiệp và chất lượng. Giai đoạn này, tỉnh Gia Lai xác định bố trí trên 500 tỷ đồng nguồn vốn đầu tư công để triển khai 9 dự án hạ tầng, tạo tiền đề phát triển kinh tế du lịch.

Thúc đẩy nhiều giải pháp

Quán triệt tinh thần của lãnh đạo tỉnh, đó là phát triển du lịch chiều sâu gắn với khai thác và bảo vệ văn hóa truyền thống, Gia Lai lấy chủ thể là người dân các làng bản làm trọng tâm, làm đối tượng phát triển và thụ hưởng của ngành du lịch. Đồng thời, các địa phương, sở, ngành đẩy mạnh triển khai các dự án đầu tư hạ tầng cơ sở, chú trọng du lịch trong liên kết cụm, phát triển tour có trọng tâm, trọng điểm, tạo bản lề phát triển ngành du lịch.

Triển khai thực hiện, tỉnh Gia Lai đã thúc đẩy nhiều giải pháp tăng cường quảng bá và tạo thuận lợi để đưa các sản phẩm du lịch địa phương đến với du khách. Đơn cử, đưa các di tích lịch sử vào khai thác du lịch, góp phần tạo ra sức bật mới cho ngành và nâng tầm giá trị các di tích. Theo đó, các địa phương đã đầu tư, quy hoạch các điểm đến cho du khách như: Khu di tích lịch sử cách mạng của tỉnh tại xã Krong; Làng kháng chiến Stơr xã Tơ Tung; Vườn Mít - Cánh đồng Cô Hầu xã Nghĩa An; Di tích lịch sử Đền tưởng niệm liệt sĩ Ka Nak; Di tích lịch sử Chiến thắng Chư Ty; Nghĩa trang Liệt sĩ Đức Cơ; Di tích lịch sử Chiến thắng Chư Bồ, di tích Nhà lao Pleiku… “Để thu hút khách tham quan, chúng tôi tạo sự gắn kết chặt chẽ, thống nhất giữa bảo tồn, phát huy giá trị di sản và phát triển du lịch, tạo điều kiện cho du khách tiếp cận với các giá trị văn hóa ở địa phương”, đại diện Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch cho biết.

Hay như nhằm khai thác tiềm năng phát triển kinh tế đêm kết hợp thu hút du khách, UBND TP. Pleiku đã xây dựng kế hoạch dự thảo “Phát triển kinh tế ban đêm trên địa bàn TP. Pleiku”. Cụ thể, giai đoạn đầu triển khai một số mô hình cụ thể trên cơ sở quy hoạch, có lộ trình và bảo đảm nguồn lực thực hiện. Tổ chức các hội chợ triển lãm, xúc tiến thương mại, giới thiệu sản phẩm đặc trưng của địa phương, sản phẩm OCOP hàng năm để phục vụ du khách và người dân, tăng cường quảng bá, kết nối du lịch, phối hợp với các đơn vị thiết kế các tour, tuyến, điểm, khu du lịch để khai thác hiệu quả các sản phẩm, dịch vụ của kinh tế ban đêm.

Ngoài ra, các địa phương trên toàn tỉnh bước đầu đã xác định được lợi thế và định vị thế mạnh để xây dựng sản phẩm du lịch nông thôn, triển khai các hoạt động quảng bá, đào tạo nguồn nhân lực, xây dựng mạng lưới điểm đến, sản phẩm tiêu biểu. Ngành du lịch lựa chọn một số “làng vệ tinh” có điều kiện thuận lợi về nông nghiệp, bản sắc văn hóa độc đáo để khảo sát, định hướng cho địa phương xây dựng các mô hình du lịch nông thôn phù hợp.

Đại diện Hiệp hội Du lịch Gia Lai cho hay, để hiện thực hóa mục tiêu là ngành kinh tế mũi nhọn, địa phương xác định chiến lược quảng bá các sản phẩm du lịch nông nghiệp, nông thôn, cần nhấn vào đặc thù, vùng nào có thế mạnh gì, trải nghiệm hoạt động nào… để du khách thấy được sự thú vị, khác biệt, kích thích họ đến với Gia Lai. Quảng bá và hình thành có trọng tâm, trọng điểm sẽ làm cho du lịch địa phương có mảng màu riêng trên bản đồ du lịch Việt Nam.

Đức Trí
#