Tuyển dụng, bổ nhiệm, quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ người dân tộc thiểu số

Cần xuất phát từ đặc thù

- Thứ Bảy, 25/02/2023, 15:29 - Chia sẻ

Theo đánh giá của Bộ Nội vụ, các bộ, ngành, địa phương đã có nhiều nỗ lực để bảo đảm tỷ lệ cán bộ, công chức, viên chức người dân tộc thiểu số, song cơ cấu vị trí công tác chưa hợp lý. Cán bộ, công chức người dân tộc thiểu số chủ yếu ở lĩnh vực dân vận hoặc công tác đảng; chỉ số ít tham gia quản lý, điều hành hoặc làm công tác chuyên môn.

Đạt tỷ lệ nhưng không đồng đều

Thống kê của Bộ Nội vụ cho thấy, tính đến ngày 25.11.2022, về cơ bản các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã đạt được mục tiêu tỷ lệ đề ra theo Quyết định số 402/QĐ-TTg phê duyệt Đề án Phát triển đội ngũ cán bộ, công, viên chức người dân tộc thiểu số trong thời kỳ mới. Đặc biệt có tỉnh tỷ lệ người dân tộc thiểu số chiếm từ 10% đến trên 70% tổng dân số của tỉnh, đạt hoặc vượt mức tỷ lệ cán bộ, công chức, viên chức người dân tộc thiểu số chiếm từ 5%, 10%, 15%, 20% tổng số biên chế được giao.

Trong khi đó, số lượng cán bộ, công chức, viên chức người dân tộc thiểu số của các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ là 3.952.225 người. Một số bộ, ngành đã quan tâm bố trí, sử dụng cán bộ, công chức, viên chức người dân tộc thiểu số với tỷ lệ trên 5% tổng số biên chế, số lượng người làm việc được giao như: Ủy ban Dân tộc 25,4%, Bộ Tư pháp 7,2%, Bộ Quốc phòng 6,69%, Bộ Kế hoạch và Đầu tư 5,45%, Bảo hiểm Xã hội Việt Nam 5,64%; các bộ, ngành còn lại có số lượng cán bộ, công chức, viên chức người dân tộc thiểu số chiếm tỷ lệ rất thấp, có tới 12 bộ, ngành dưới 1%.

Đánh giá này cũng tương đồng với kết quả thực hiện Đề án “Phát triển đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức người dân tộc thiểu số trong thời kỳ mới”. Theo đó, đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức người dân tộc thiểu số đến nay về cơ bản đã đáp ứng yêu cầu công việc, tham gia vào các lĩnh vực công tác; được quy hoạch, bổ nhiệm vào nhiều vị trí lãnh đạo, quản lý của cơ quan, đơn vị, địa phương; được hưởng các chế độ, chính sách ưu tiên, đãi ngộ trong tuyển dụng, quy hoạch, bổ nhiệm, đào tạo, bồi dưỡng theo đúng quy định của pháp luật.

Tuy vậy, thực tiễn cho thấy, số lượng, cơ cấu cán bộ, công chức, viên chức người dân tộc thiểu số ở các cơ quan, đơn vị, địa phương chiếm tỷ lệ thấp, không đồng đều ở các địa phương, lĩnh vực và cấp quản lý. Nhiều địa bàn có số lượng người dân tộc thiểu số tập trung đông, chiếm tỷ lệ cao trong cơ cấu dân cư nhưng tỷ lệ cán bộ, công chức, viên chức dân tộc thiểu số tham gia vào hệ thống chính trị chưa bảo đảm. Đáng quan tâm, cán bộ, công chức người dân tộc thiểu số chủ yếu ở lĩnh vực dân vận hoặc công tác đảng; số ít cán bộ, công chức người dân tộc thiểu số tham gia quản lý, điều hành hoặc làm công tác chuyên môn.

Chưa cụ thể, khó vận dụng

Các quy định tại Nghị định số 05/2011/NĐ-CP của Chính phủ về công tác dân tộc; Luật Cán bộ, công chức, Luật Viên chức, các văn bản quy phạm pháp luật khác có liên quan đến tuyển dụng, bổ nhiệm, quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ người dân tộc thiểu số còn chung chung, chưa cụ thể hóa quy định về vùng kinh tế - xã hội khó khăn nên khó quy hoạch, bố trí cán bộ người dân tộc thiểu số. Đặc biệt, thiếu chính sách đặc thù trong tuyển dụng, nâng ngạch, thăng hạng, đào tạo, bồi dưỡng; tiêu chuẩn, điều kiện trong quy hoạch, bổ nhiệm chức danh lãnh đạo, quản lý đối với cán bộ, công chức, viên chức người dân tộc thiểu số cũng như các chế độ, chính sách thu hút nhân tài, trọng dụng, đãi ngộ, tiền lương, nhà ở…

Thực tế, đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức người dân tộc thiểu số được hình thành từ nhiều nguồn, nhiều địa bàn khác nhau, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ không đồng đều, một bộ phận năng lực còn rất hạn chế… nên rất khó cho đơn vị sử dụng lao động khi áp dụng các quy định chung về tuyển dụng, bổ nhiệm… Trong khi đó, việc tuyển dụng công chức đối với sinh viên cử tuyển người dân tộc thiểu số sau khi tốt nghiệp hiện nay gặp vướng mắc. Điều này xuất phát từ kế hoạch đào tạo theo chế độ cử tuyển chưa gắn với nhu cầu sử dụng; cơ cấu ngành nghề đào tạo chưa phù hợp với yêu cầu thực tiễn, nhất là khi các đơn vị, địa phương đang đẩy mạnh thực hiện chủ trương tinh giản biên chế, cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức nên số lượng người học diện cử tuyển ra trường chưa có việc làm hoặc phải tự liên hệ tìm việc làm ở khu vực doanh nghiệp còn nhiều.

Góp phần tháo gỡ những vướng mắc nêu trên, Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 05/2011/NĐ-CP của Chính phủ về Công tác dân tộc đã sửa đổi, bổ sung một số nội dung của chính sách cán bộ người dân tộc thiểu số theo hướng quy định rõ hơn về việc đảm bảo tỷ lệ hợp lý cán bộ, công chức, viên chức dân tộc thiểu số rất ít người, nhóm dân tộc thiểu số ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn tham gia vào các cơ quan, tổ chức trong hệ thống chính trị các cấp; đồng thời, làm rõ trách nhiệm của các cơ quan trong việc quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, bổ nhiệm, sử dụng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức là người dân tộc thiểu số để bảo đảm tỷ lệ hợp lý theo quy định.

Ủy ban Dân tộc cũng đề nghị Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Nội vụ chủ trì, phối hợp với các bộ, ban, ngành liên quan nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung Luật Cán bộ, công chức, Luật Viên chức và các văn bản hướng dẫn thi hành. Trong đó, quy định cụ thể “cơ chế, chính sách tuyển dụng, bổ nhiệm, quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng... cán bộ, công chức, viên chức người dân tộc thiểu số” để bảo đảm tỷ lệ hợp lý cán bộ, công chức, viên chức người dân tộc thiểu số, có ưu tiên cán bộ nữ, cán bộ trẻ, dân tộc thiểu số rất ít người, nhóm dân tộc thiểu số ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn tham gia vào các cơ quan, tổ chức trong hệ thống chính trị các cấp; đồng thời, nghiên cứu, xây dựng chế độ, chính sách hỗ trợ cán bộ, công chức, viên chức là người dân tộc thiểu số thường trú ở địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn và đặc biệt khó khăn khi được tuyển dụng, bổ nhiệm, điều động, luân chuyển công tác ở ngoài địa bàn cư trú.

Đình Khoa