Kỳ vọng rất nhiều…

- Thứ Ba, 15/02/2022, 15:24 - Chia sẻ
Chương trình phục hồi với gói tín dụng lên tới 350 nghìn tỷ đồng Chính phủ vừa công bố được cộng đồng doanh nghiệp và người lao động đặt nhiều kỳ vọng…

Doanh nghiệp kiệt sức vì phải cầm cự 

Trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 căng thẳng, cộng đồng doanh nghiệp (DN), đặc biệt là DN nhỏ và vừa gặp rất nhiều khó khăn thời gian qua. Nhiều DN phải ngừng hoạt động hoặc thu hẹp sản xuất, chi phí duy trì tăng cao do thực hiện phòng, chống dịch (xét nghiệm 3 ngày/lần, thực hiện “3 tại chỗ”…).

Giám đốc Công ty TNHH Hưng Nguyên Lê Hồ Bắc cho biết, do DN hoạt động trong lĩnh vực thêu và dịch vụ công nghiệp dệt may, phụ trợ cho các nhà máy khu vực Hải Dương, Bắc Ninh nên đã 20 tháng hoạt động cầm chừng. Phần vì các khu công nghiệp của hai địa phương trên phải trải qua những đợt dịch vô cùng phức tạp diễn ra từ cuối 2020 nên DN này chỉ duy trì 30% lao động và sản xuất tại chỗ 3 ca. Đây là việc chẳng đặng đừng vì nếu không làm việc, không có hàng giao cho khách sẽ mất đơn hàng. Dù cho chi phí tăng cao, lợi nhuận thậm chí không có, DN vẫn phải hoạt động để giữ chân khách.

Du lịch là ngành sớm phục hồi sau đại dịch
Du lịch là ngành sớm phục hồi sau đại dịch

“Hoạt động của DN đã hẹp hết mức có thể. Công ty cũng chuẩn bị cho việc mở rộng sản xuất nhưng trong ngắn hạn, nỗi lo là rất lớn", ông Bắc nói. “Khó khăn lớn là về vấn đề trả lãi suất ngân hàng do vốn đầu tư đều là nguồn vốn vay để phục vụ cho sản xuất. Việc nguồn nguyên liệu tăng cũng làm đội vốn đầu tư và giá thành sản phẩm cao, khách hàng không thể tiếp tục ký hợp đồng khiến cho doanh thu giảm rất nhiều!”

Ở phía Nam, theo số liệu của ngành thống kê, đến hết năm 2021, tại đa số các tỉnh, thành số lượng DN thành lập mới cao hơn số lượng DN, chi nhánh đã giải thể, tạm ngưng kinh doanh hoặc đang chờ giải thể. Tuy nhiên, chất lượng của nền kinh tế chưa thật thuyết phục bởi bản thân các DN còn duy trì hoạt động nhưng thực sự đang khó khăn nhiều bề.

Khảo sát tại một số DN nhỏ và vừa khác trong lĩnh vực dịch vụ cũng cho thấy, đang nỗ lực để phục hồi sản xuất nhưng đang rất cần sự hỗ trợ từ Nhà nước, các ngành chức năng. Giám đốc SET Travel Bùi Hương Giang nêu thực trạng DN đang phải đối mặt với việc phải trả lãi suất vay tại ngân hàng theo định kỳ, ảnh hưởng đến tâm lý sản xuất. DN trong ngành dịch vụ, du lịch, khách sạn, nhà hàng… mong muốn được hỗ trợ miễn, giảm lãi suất vốn vay, giãn nợ, cơ cấu lại thời gian trả nợ nhiều hơn để có kế hoạch khôi phục kinh doanh trong thời gian tới.

“Khó khăn nữa là việc cân đối đồng vốn trong giai đoạn này của nhiều DN khi thị phần bị giảm mạnh do các đối tác kinh doanh cũng bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19, doanh thu sụt giảm,” bà Giang phân tích. Các DN cho hay, đối với họ, đồng vốn được ví như máu trong cơ thể và nếu tình trạng kéo dài và trầm trọng thì sẽ ảnh hưởng đến sức sống của DN. Nhiều DN mong muốn có thêm trợ lực từ nhiều phía, Nhà nước có thêm những giải pháp cấp thiết để hỗ trợ DN vượt khó phục hồi sản xuất, kinh doanh.

Cấp bách phục hồi kinh tế

Phục hồi kinh tế sau thời gian chịu ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch Covid-19 đang trở thành nhiệm vụ cấp bách của nền kinh tế. Cùng với các kế hoạch của cả nước và mỗi địa phương, các DN tùy từng mức độ khác nhau đang nỗ lực khôi phục hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Chủ tịch Hiệp hội DN nhỏ và vừa Nguyễn Văn Thân quan tâm đến gói trên 110 nghìn tỷ đồng cho phát triển kết cấu hạ tầng, khơi thông nguồn lực xã hội phục vụ đầu tư phát triển. Theo ông Thân, Việt Nam hiện có khoảng trên 800 nghìn DN đang hoạt động, trong đó, DN nhỏ và vừa (DNNVV) chiếm khoảng 98% và tham gia vào tất cả ngành nghề trong xã hội. Trong những năm qua, DNNVV Việt Nam có vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội, đóng góp vào GDP, tạo công ăn việc làm, đặc biệt là câu chuyện an sinh xã hội. Tuy nhiên, ông Thân khẳng định, DNNVV đang vô cùng thiếu công việc, cũng đồng nghĩa với lao động của họ không tạo ra nhiều giá trị cho xã hội.

Trao đổi về chương trình phục hồi và phát triển kinh tế sắp tới, ông Thân đánh giá cao sự kết hợp hiệu quả, kịp thời giữa Quốc hội và Chính phủ thời gian qua, thể hiện sự thống nhất cao thông qua Kỳ họp bất thường lần thứ Nhất. Với cộng đồng DNNVV, tâm lý vô cùng phấn khởi. Bởi khi có chính sách hỗ trợ, các cấp điều hành sẽ dễ dàng đưa chính sách đi vào cuộc sống sớm hơn, mạnh mẽ hơn.

Chủ tịch Hiệp hội DNNVV Nguyễn Văn Thân tham gia một tọa đàm do Báo Đại biểu Nhân dân tổ chức
Chủ tịch Hiệp hội DNNVV Nguyễn Văn Thân tham gia tọa đàm do Báo Đại biểu Nhân dân tổ chức

Hiệp hội DNNVV hiện nay rất quan tâm đến phát triển hạ tầng, cụ thể là mức đầu tư hơn 113 nghìn tỷ đồng cho lĩnh vực này trong chương trình phục hồi kinh tế. “Trong nghị quyết có đề cập đến dự án đường cao tốc Bắc - Nam, chúng ta cần thống nhất quan điểm: dự án đường cao tốc không chỉ là câu chuyện hạ tầng, giao thông mà sâu xa dự án giải quyết rất nhiều công ăn việc làm trong quá trình triển khai thực hiện. Đây mới là trụ cột để thực hiện an sinh xã hội,” ông Thân đặt vấn đề. “Cụ thể, những gói thầu nào có thể giao cho doanh nghiệp nhỏ và vừa được, thì trên cơ sở đấu thầu nên ưu tiên cho cộng đồng này bằng 30% tổng thể. Hiện nay Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa quy định gói thầu 5 tỷ đồng mới ưu tiên thì rất khó cho các doanh nghiệp này có thể tham gia thực hiện”.

Cùng quan điểm, chuyên gia kinh tế Võ Trí Thành khẳng định, chương trình phục hồi kinh tế chắc chắn có tác động rất lớn đối với cộng đồng doanh nghiệp và tiến trình phục hồi kinh tế của nước ta sau đại dịch. Tất nhiên, nếu không có chương trình này thì kinh tế Việt Nam vẫn có thể phục hồi sau đại dịch nhưng chỉ tăng trưởng khoảng 4,5 - 5%. Còn nếu có các chương trình, các gói hỗ trợ thì tăng trưởng kinh tế của năm nay hoặc năm sau mỗi năm có thể tăng thêm 1 - 1,5%.

“Quan trọng hơn, một nền kinh tế đòi hỏi tăng trưởng nhanh như Việt Nam là vấn đề về việc làm. Chương trình này sẽ cải thiện điều đó. Chúng ta đặt ra mục tiêu, khát vọng năm 2030, tầm nhìn 2045 là nước có thu nhập trung bình cao. Dưới những câu chuyện lớn lao là câu chuyện rất vĩ mô về vấn đề việc làm, kinh doanh và hoạt động của doanh nghiệp, trong đó có rất nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ,” ông Thành thể hiện sự kỳ vọng vào chương trình hồi phục kinh tế.

Nam Anh