Khi bị chướng bụng đầy hơi, bạn sẽ thường có dấu hiệu căng, tức bụng do lượng khí trong đường tiêu hóa. Để giải phóng lượng khí này, bệnh nhân sẽ có thêm các triệu chứng như ợ hơi, ợ chua, thậm chí là buồn nôn ở một số trường hợp nặng hơn.
Mặc dù đầy hơi gây cảm giác khó chịu cho nhiều người, nhưng đó là một hiện tượng phổ biến có thể được khắc phục bằng những thay đổi trong thói quen ăn uống của bạn. Dưới đây là một số lời khuyên giúp bạn tránh được những cơn đầy hơi khó chịu.
1. Các loại thực phẩm gây đầy hơi phổ biến nhất
Carbohydrate, chất béo và protein đều là những tác nhân gây đầy hơi phổ biến. Tùy vào cơ địa và sức khỏe hệ tiêu hóa mà các tác nhân sau đây sẽ tạo ra mức độ khó tiêu khác nhau ở từng người: táo, đậu, các loại rau họ cải như bông cải xanh, súp lơ trắng và bắp cải, các sản phẩm từ sữa, rau xà lách, hành, đào và lê.
Bạn không nên tránh những thực phẩm này hoàn toàn mà chỉ cần giảm số lượng sử dụng các loại thực phẩm đó khi hệ tiêu hóa đang không ổn định để tránh khó tiêu, đầy hơi.
2. Theo dõi lượng chất xơ
Thực phẩm nhiều chất xơ như ngũ cốc nguyên hạt, đậu và các loại đậu có thể là nguyên nhân phổ biến gây đầy hơi. Mặc dù những thực phẩm này được quảng cáo là tốt cho sức khỏe hơn so với các loại thực phẩm tinh chế, nhưng hàm lượng chất xơ cao của chúng lại là nguyên nhân dẫn đến chứng đầy hơi ở một số người.
Chất xơ là một phần quan trọng trong chế độ ăn uống lành mạnh cho tim mạch, nhưng bạn nên tăng dần lượng ăn. Ví dụ, thay vì chuyển đổi ngay lập tức từ ngũ cốc trắng tinh chế sang ngũ cốc nguyên hạt, hãy thử sử dụng thay thế từng sản phẩm một để xem cơ thể bạn phản ứng như thế nào.
3. Hạn chế ăn muối
Ăn quá nhiều muối có thể gây ra hàng loạt vấn đề sức khỏe lâu dài, đặc biệt là huyết áp cao. Một bữa ăn quá mặn gây ra tình trạng giữ nước, dẫn đến đầy hơi.
Bạn nên tránh nạp quá nhiều natri trong chế độ ăn uống của mình bằng cách sử dụng các loại thảo mộc có hương vị thay vì muối. Ngoài ra, nên giảm lượng thực phẩm chế biến sẵn và đóng gói trong thực đơn của mình để đảm bảo sức khỏe đường tiêu hóa.
4. Tránh thức ăn béo
Một cạm bẫy của các bữa ăn giàu chất béo là cơ thể sẽ mất nhiều thời gian hơn để xử lý chúng. Chất béo di chuyển chậm qua đường tiêu hóa và điều này có thể gây đầy hơi.
Tuy nhiên, không phải tất cả các chất béo đều được tạo ra như nhau và quá trình tiêu hóa có thể khác nhau giữa chất béo chuyển hóa, bão hòa và không bão hòa.
Nếu các thực phẩm chiên rán có chất béo bão hòa và chất béo chuyển hóa có xu hướng gây ra vấn đề tiêu cực cho cơ thể, bạn hãy thử chất béo không bão hòa, lành mạnh hơn như bơ hoặc các loại hạt.
5. Hạn chế đồ uống có ga
Nước có ga và soda là thủ phạm hàng đầu gây đầy hơi trong thế giới nước giải khát. Khi bạn tiêu thụ những loại đồ uống này, khí carbon dioxide sẽ tích tụ trong cơ thể. Điều này có thể dẫn đến đầy hơi nhanh chóng, đặc biệt khi uống chúng với tốc độ quá nhanh.
6. Ăn chậm
Nhiều người bận rộn có thói quen ăn uống rất nhanh chóng. Khi ăn uống nhanh, bạn cũng nuốt vào một lượng không khí nhất định, điều này có thể dẫn đến tình trạng giữ khí trong dạ dày.
Bạn có thể đánh bại chứng đầy hơi bằng cách dành thời gian hợp lý cho việc ăn uống. Ăn chậm no lâu, hơn nữa còn có hiệu quả nhất định trong việc giảm cân.
7. Đi dạo
Không thể phủ nhận lợi ích của việc tập thể dục đối với sức khỏe thể chất và tinh thần của một người. Tập thể dục làm giảm sự tích tụ khí ở đường tiêu hóa góp phần gây đầy hơi.
Đi bộ một đoạn ngắn sẽ là một giải pháp tuyệt vời cho chứng đầy hơi, khó tiêu sau một bữa ăn.
8. Thử dùng thực phẩm chức năng
Men tiêu hóa giúp phân hủy thức ăn và hấp thụ chất dinh dưỡng tốt hơn. Một ví dụ là bổ sung a-galactosidase có thể chống đầy hơi, giúp ngăn ngừa sự tích tụ khí từ một số loại thực phẩm.
Có nhiều loại men tiêu hóa khác, như amylase, lipase và protease mà bạn cũng có thể sử dụng. Những loại men này giúp phá vỡ carbs, chất béo và protein, từ đó hạn chế tình trạng đầy hơi, khó tiêu.
(Nguồn:https://www.healthline.com)