55 năm sáng ngời Di chúc
~~~~~
GS.TS VŨ VĂN HIỀN
Nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản, nguyên Phó Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương
Trong kho tàng những giá trị văn hóa do ông cha ta để lại, bản Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh là một trong những báu vật đặc biệt của quốc gia. Nếu như “Hịch tướng sĩ” của Trần Hưng Đạo, “Bình Ngô đại cáo” của Nguyễn Trãi, “Tuyên ngôn độc lập” khai sinh nước Việt Nam mới, được coi như những áng thiên cổ hùng văn, thì bản Di chúc của Bác Hồ lại là mẫu mực của những điều gửi gắm với một tình thương yêu vô bờ bến.
Với “muôn vàn tình thương yêu”, bằng những lời lẽ mộc mạc, gần gũi, Di chúc của Bác đã dành những tình cảm sâu nặng, ân cần đến toàn thể Nhân dân lao động, cán bộ và chiến sĩ, các cụ phụ lão, các cháu thanh niên và nhi đồng. Bác dặn: “Cần phải có kế hoạch thật tốt để phát triển kinh tế và văn hóa, nhằm không ngừng nâng cao đời sống của Nhân dân”. Bác khuyên: “Bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau là một việc rất quan trọng và cần thiết”. Bác mong “toàn Đảng, toàn dân ta đoàn kết phấn đấu, xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh”. Càng ngày chúng ta càng hiểu rằng, tất cả những lời căn dặn, sự khuyên nhủ hoặc điều mong muốn của Bác đều là những di huấn đối với Đảng ta, vì mọi sự thành bại của sự nghiệp cách mạng Việt Nam đều thuộc trách nhiệm lớn lao của Đảng.
Trong Di chúc, phần quan trọng nhất và trước hết là Bác lưu tâm về công tác của Đảng. Bác viết: “Trước hết nói về Đảng - Nhờ đoàn kết chặt chẽ, một lòng một dạ phục vụ giai cấp, phục vụ Nhân dân, phục vụ Tổ quốc, cho nên từ ngày thành lập đến nay, Đảng ta đã đoàn kết, tổ chức và lãnh đạo Nhân dân ta hăng hái đấu tranh tiến từ thắng lợi này đến thắng lợi khác”. Những đánh giá khái quát về những thành tựu của Đảng như vậy là rất rõ ràng và chính xác. Nhưng không chỉ có vậy. Thấu hiểu những giá trị tinh túy trong văn hóa Đông - Tây - Kim - Cổ, với sự tinh tường qua trải nghiệm phong phú của một lãnh tụ thiên tài, Bác nhận rõ những vấn đề đặt ra đối với Đảng ta. Bác nhấn mạnh tầm quan trọng vô cùng là đoàn kết nhất trí trong Đảng. Bác viết: “Giữ gìn sự đoàn kết nhất trí của Đảng như giữ gìn con ngươi của mắt mình”. Đoàn kết toàn Đảng, đoàn kết toàn dân tộc sẽ là sức mạnh tổng lực để có thể làm nên tất cả. Đoàn kết là sức mạnh đưa tới thắng lợi, dẫn đến thành công. Chia rẽ làm suy yếu lực lượng và dẫn tới thất bại. Thực tế đã minh chứng sáng rõ điều hệ lụy trong đó.
Cùng với việc giữ gìn đoàn kết nhất trí, việc thực hành dân chủ rộng rãi trong Đảng là điều bác rất lưu tâm. Bác viết: “Trong Đảng thực hành dân chủ rộng rãi, thường xuyên, nghiêm chỉnh tự phê bình và phê bình là cách tốt nhất để củng cố và phát triển sự đoàn kết và thống nhất của Đảng, phải có tình đồng chí thương yêu lẫn nhau". Chỉ có thực sự dân chủ mới có sự đoàn kết nhất trí trong toàn Đảng. Đoàn kết trong Đảng, dân chủ trong Đảng được thực hiện sẽ thúc đẩy dân chủ trong xã hội, thực hiện được một cách đầy đủ quyền dân chủ của Nhân dân. Từ đó tạo ra sự đồng thuận của toàn dân tộc, thành chất keo gắn kết giữa ý Đảng với lòng dân để phát triển đất nước vững bền. Đó là bài học sinh động và cũng là quy luật của sự phát triển đất nước.
Có một điều rất hệ trọng Bác nêu trong Di chúc chứa đựng rất nhiều khía cạnh cả về lý luận và thực tiễn đòi hỏi chúng ta tiếp tục nghiên cứu để hiểu rõ thấu đáo và thực thi hiệu quả. Đối với nước ta, Đảng vừa là người lãnh đạo, vừa là cầm quyền, Đảng ta cầm quyền có những nét rất đặc thù so với các Đảng cầm quyền khác trên thế giới. Thứ nhất, Đảng ta cầm quyền để thực hiện sự lãnh đạo đối với toàn xã hội, vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Thứ hai, sự cầm quyền của Đảng ta chính là sự ủy thác của toàn thể Nhân dân, bởi Hiến pháp nước ta quy định, tất cả quyền lực của Nhà nước ta thuộc về Nhân dân. Quyền lực là của Nhân dân, đảng cầm quyền lực đó là Nhân dân trao cho và Đảng phải chịu trách nhiệm trước toàn thể Nhân dân. Thứ ba, Đảng ta là Đảng duy nhất cầm quyền, không có đối thủ cạnh tranh và như một lẽ đương nhiên được xã hội thừa nhận. Thứ tư, là đảng duy nhất cầm quyền nên dễ nảy sinh căn bệnh “kiêu ngạo cộng sản” như Lênin đã từng cảnh báo, căn bệnh này dễ dẫn tới những bệnh khác, dễ bị lây nhiễm trong một bộ phận cán bộ, Đảng viên như chủ quan, quan liêu, hách dịch, mất dân chủ.
Dường như đã dự liệu được những vấn đề đó nên Bác chỉ rõ: “Đảng ta là đảng cầm quyền, mỗi cán bộ đảng viên phải thực sự thấm nhuần đạo đức cách mạng, thực sự cần, kiệm, liêm chính, chí công vô tư. Phải giữ gìn Đảng ta thật trong sạch, phải xứng đáng là người lãnh đạo, người đầy tớ thật sự trung thành của Nhân dân”. Theo Bác, để Đảng ta làm trọn được vai trò của người lãnh đạo, cầm quyền, nhất định cán bộ, đảng viên của Đảng phải nâng cao đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân, hết lòng, hết sức phục vụ Nhân dân, phục vụ Tổ quốc.
Thực hiện Di chúc thiêng liêng của Bác, 55 năm qua toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta đoàn kết một lòng, vượt qua mọi khó khăn, làm nên những kỳ tích lịch sử: Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, chiến thắng hai cuộc chiến tranh biên giới Tây Nam và phía Bắc, thực hiện công cuộc đổi mới sáng tạo, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Qua 40 năm đổi mới, chúng ta đã xây dựng đất nước “đàng hoàng hơn, to đẹp hơn”, theo lời Bác dặn. Đại hội XIII của Đảng khẳng định: Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay. Thực hiện phương châm của Bác “dĩ bất biến, ứng vạn biến” (biết mình, biết người, biết thời thế, biết tiến, biết lui), Đảng ta không ngừng sáng tạo, hình thành chính sách ngoại giao cây tre Việt Nam và đạt những kết quả rất đáng tự hào. Hiếm có nước nào trên thế giới có quan hệ ngoại giao ở mức cao nhất là đối tác chiến lược toàn diện với 7 nước: Trung Quốc, Mỹ, Nga, Ấn Độ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia. Điều này khẳng định Đảng ta đã “sánh vai với các cường quốc năm châu” như điều Bác dạy.
Điều khó tránh khỏi là trong hành trình đi lên chủ nghĩa xã hội, tình hình thế giới và trong nước có những diễn biến phức tạp, đất nước ta đứng trước nhiều khó khăn thách thức. Học tập và làm theo Di chúc của Bác chúng ta cần đánh giá đúng những gì đã đạt được, nhận thức rõ những gì còn thiếu sót, lường trước những thách thức, khó khăn để tìm ra phương thức đưa đất nước tiếp tục phát triển.
Có câu hát thật hay của nhạc sĩ Cao Việt Bách: “Trong mỗi ước mơ, trong mỗi trái tim, trong mỗi cuộc đời ta luôn có Bác. Lời Bác thiết tha, dìu dắt chúng ta…”. Câu hát đó bao lần vút lên, nói giúp lòng ta những điều sáng ngời trong Di chúc của Người.