
“Trong cuộc đời mình tôi đã có hai lần được gặp Bác. Cả hai lần ấy đều trên quê hương Đình Bảng. Lần thứ nhất là sau khi Việt Minh cướp chính quyền năm 1945, Bác Hồ có mặt ở Đình Bảng, chỉ trong một thời gian ngắn nhưng dấu ấn và hình ảnh về Người mãi không phai mờ. Đến bây giờ tôi cũng không khỏi ngỡ ngàng, chân dung vị đứng đầu một nước mà lại giản dị đến thế. Lần thứ hai là khi miền Bắc xây dựng CNXH, làm hậu phương lớn cho miền Nam, Bác Hồ về địa phương thăm hỏi bà con nhân dân. Hai lần được gặp Bác, thời gian cách nhau đến gần 20 năm nhưng dấu ấn về Bác trong tôi vẫn là một người bình dị, gần gũi nhân dân và hết lòng chăm lo cho nhân dân.”. Ngồi trong ngôi nhà đã màu thời gian, người cựu binh rưng rưng kể.
Bắt đầu từ những kỷ niệm ấy, đến một ngày đầu Thu năm 1969, ông Hải tình cờ mua được tờ báo Thiếu niên Tiền phong (số 607 ra ngày 12.9.1969), số báo đặc biệt về lễ tang Bác Hồ. Xem xong tờ báo, ông Hải cất đi như một báu vật. “Từ đấy trở đi, tôi có ý định làm sao để có thật nhiều bức ảnh về Người. Tôi tự đi tìm, sưu tầm bằng những vốn hiểu biết của mình, bên cạnh đó tôi thông báo cho người thân, bạn bè xa gần giúp đỡ. Cho đến giờ tôi thấy toại nguyện. Tôi đã có được những tấm ảnh lịch sử về chặng đường hoạt động, những thời khắc lịch sử của một con người, một lãnh tụ gắn liền với những bước phát triển của dân tộc. Đặc biệt là trong giai đoạn đất nước đang tranh đấu để thống nhất”.
Nói rồi ông Hải thong thả mở tủ và lấy đưa ra cho tôi một chồng album tranh ảnh. Tôi không thể đếm được có khoảng bao nhiêu bức tranh, ảnh chân dung Bác, cũng như tranh ảnh đình đền, miếu mạo của một vùng quê văn hóa. Ông Hải cũng không nhớ rõ, chỉ riêng những bức ảnh về Bác, ông bảo cũng lên đến vài trăm chiếc. Tôi mở tập ảnh đầu tiên, thấy dòng chữ nắn nót: “Hồ Chủ tịch sống mãi trong sự nghiệp chúng ta”, bao gồm 151 tấm ảnh. Chủ tịch Hồ Chí Minh với các vị lãnh đạo Đảng, Nhà nước, quân đội, mặt trận tổ quốc, với giai cấp công nông binh, trí thức yêu nước, với thương binh, phụ nữ, các cháu thiếu niên nhi đồng, các anh hùng, dũng sỹ miền Nam... Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp và nói chuyện với các nguyên thủ, các chính khách, các đoàn đại biểu quốc tế đến thăm Việt Nam, rồi tiếp đến là những bức ảnh chụp khi Người đi thăm Liên Xô, Trung Quốc và các nước anh em Xã hội chủ nghĩa... Tập thứ 2 có tựa đề: Hồ Chí Minh với chiến dịch Trần Đình (Điện Biên Phủ), gồm 71 tấm ảnh, trong đó có những tấm ảnh rất quý và sinh động như Hồ Chủ tịch họp bàn với Bộ Chính trị, với các đồng chí Võ Nguyên Giáp, Trường Chinh, Phạm Văn Đồng, với anh em chiến sỹ, pháo binh lập công tại chiến dịch. Nửa tập còn lại là những hình ảnh về lễ tang Hồ Chủ tịch, những nhà máy, những trường học trên mọi miền đất nước ngày Bác mất. Tập thứ ba là hình ảnh Bác Hồ bốn lần về thăm quê hương Đình Bảng mà ông Hải đã có hai lần được gặp Bác và bên cạnh đó, là những bức tranh về đền Đô, về phong cảnh làng quê ngày xa xưa rất phong phú, thơ mộng trong đó phải kể đến bức tranh đền Đô năm 1913 với những hình nét còn khá rõ.
Ông Hải “khoe”, kể từ ngày cả nước có phong trào “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” đã có nhiều đoàn thể, trường học, các thầy cô giáo đến xin được xem, chụp lại, in sao ra để họ làm giáo án và tài liệu... Theo Đại tá Nguyễn Tiến Dũng, nguyên Chủ tịch Hội Cựu chiến binh huyện Từ Sơn: “Quanh năm lam lũ với ruộng đồng, cuộc sống còn khó khăn nhưng việc làm và công sức ông Hải bỏ ra rất đáng quý, góp phần vào việc giáo dục truyền thống cách mạng, truyền thống uống nước nhớ nguồn và đời đời ghi nhớ công ơn Hồ Chủ tịch...”