Khuyến nông gắn với nông nghiệp, nông dân và nông thôn
Theo Giám đốc Trung tâm khuyến nông Hà nội, từ khi thành lập đến nay, đã triển khai thực hiện được khoảng 400 mô hình khuyến nông trồng trọt; trên 360 dạng mô hình khuyến nông chăn nuôi; phát triển các giống thủy sản.
Điển hình như mô hình nuôi tôm càng xanh (năng suất bình quân đạt 2.430 kg/ha), mô hình nuôi ếch lồng (năng suất trung bình đạt 12,6kg/m), mô hình nuôi cá rô phi đơn tính (năng suất bình quân đạt 15.300 kg/ha)... Qua đó đã góp phần chuyển đổi các vùng trũng sản xuất lúa kém hiệu quả sang nuôi trồng thuỷ sản có giá trị kinh tế cao hơn 3 - 4 lần so với cấy lúa.
Bên cạnh đó, các chính sách hỗ trợ hoạt động khuyến nông đã góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh của tổ chức, cá nhân hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp từ xóa đói, giảm nghèo chuyển sang chú trọng sản xuất hàng hóa để tăng năng suất, chất lượng sản phẩm, tăng giá trị thu nhập, thích ứng với các điều kiện sinh thái, khí hậu và thị trường. Qua đó, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp theo hướng phát triển sản xuất hàng hóa, nâng cao năng suất, chất lượng, an toàn thực phẩm đáp ứng nhu cầu trong nước và xuất khẩu.
Đáng chú ý, trong 30 năm hoạt động cùng với tiến trình phát triển của ngành nông nghiệp, tổ chức khuyến nông không ngừng phát triển, lớn mạnh từ Trung ương, tỉnh đến cấp cơ sở, gắn bó mật thiết với nông nghiệp, nông dân và nông thôn. Công tác khuyến nông của Hà Nội liên tục phát triển. Các mô hình khuyến nông ngày càng bám sát thực tế, không còn nặng về chuyển giao kỹ thuật mà chú trọng, kết hợp hài hòa các yếu tố từ sản xuất đến thị trường, tiêu thụ, liên kết 4 “nhà” trong sản xuất…
Các trạm khuyến nông phát huy tốt vai trò, tính chủ động trong công tác tham mưu UBND huyện; phối hợp với đơn vị liên quan trong hoạt động khuyến nông của đơn vị tại cơ sở; tận dụng được sự ủng hộ, hỗ trợ về chủ trương, kinh phí phát triển nông nghiệp của huyện về hoạt động khuyến nông. Trình độ năng lực của cán bộ cao, đồng đều, có khả năng đáp ứng được mọi yêu cầu về nhiệm vụ cũng như tiếp nhận và triển khai thực hiện được các chương trình, dự án quy mô lớn.
Đối với lĩnh vực lâm nghiệp, toàn thành phố có 8 huyện miền núi và đồi gò, ngành khuyến nông Thủ đô đã kịp thời chuyển giao những mô hình trình diễn bằng việc chọn lựa những cây trồng lâm nghiệp phù hợp điều kiện sinh thái của khu vực này để hỗ trợ cải tạo rừng bạch đàn, đất đồi trọc như cây keo lai, Lát Mexico, cây trám ghép vỏ vàng, mô hình kết hợp xen canh giữa cây lâm nghiệp và cây ăn quả, kết hợp nuôi gà thả vườn, nuôi dê dưới tán rừng... Mô hình này đã tác động đến nhận thức của người dân rất lớn trong việc khai thác tối đa hiệu quả từ đất đồi, rừng, tạo môi trường sinh thái, tạo được việc làm, có thêm thu nhập và tạo cảnh quan phát triển du lịch ngay tại địa bàn sinh sống của nông hộ. Hàng năm cung cấp hàng chục vạn cây giống các loại phục vụ Tết trồng cây và chương trình trồng cây phân tán của các huyện, thị xã.
Tiếp tục củng cố hệ thống khuyến nông thành phố
Ngày 2.3.1993, Nghị định số 13/1993/NĐ-CP của Chính phủ ra đời đánh dấu sự hình thành hệ thống khuyến nông trên cả nước. Theo đó, Trung tâm Khuyến nông Hà Nội (cũ) và Trung tâm Khuyến nông Hà Tây cũng được thành lập. Ngày 7.11.2008, UBND thành phố Hà Nội ban hành quyết định 1902/QĐ-UBND hợp nhất thành Trung tâm Khuyến nông Hà Nội hiện nay. Sau sáp nhập, Hà Nội cũng đi đầu miền Bắc trong cơ giới hóa với máy làm đất cỡ lớn, máy cấy, gặt liên hợp.
Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền cho rằng, để thực hiện chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn 2050 vừa được Chính phủ phê duyệt, toàn ngành nông nghiệp Thủ đô và hệ thống khuyến nông thành phố nói riêng cần củng cố, kiện toàn hệ thống khuyến nông thành phố theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; chú trọng kiện toàn hệ thống khuyến nông cơ sở theo mô hình “Tổ khuyến nông cộng đồng”.
Bên cạnh đó, đẩy mạnh xã hội hóa dịch vụ khuyến nông, khuyến khích các tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động khuyến nông, phát triển các hình thức hợp tác quốc tế, hợp tác công - tư để thu hút, huy động nguồn nhân lực, vật lực, kết hợp với kinh phí đầu tư ngân sách nhà nước cho các chương trình, dự án khuyến nông trọng điểm. Đặc biệt cho các vùng nguyên liệu, vùng sản xuất hàng hóa chất lượng cao; tiếp tục đẩy mạnh hợp tác, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật, công nghệ tiên tiến.
Hiện nông nghiệp của Hà Nội vẫn còn một số vấn đề cần giải quyết như tuy đã dồn điền đổi thửa nhưng ruộng đồng vẫn còn nhỏ, rồi chuyện ứng dụng công nghệ cao, chuyển đổi số, sản xuất nông nghiệp sinh thái, theo chuỗi… Vì thế đội ngũ khuyến nông cũng cần phải nâng cao kỹ năng, trình độ để đáp ứng được yêu cầu. Trung tâm Khuyến nông Hà Nội cần tiếp tục bám sát định hướng của thành phố, của ngành để nâng cao hiệu quả hoạt động trên tất cả các lĩnh vực từ thông tin tuyên truyền, đào tạo tập huấn, xây dựng mô hình trình diễn, tư vấn dịch vụ...
Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Hà Nội Vũ Thị Hương cho biết, thời gian tới, Trung tâm Khuyến nông Hà Nội sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác khuyến nông, bám sát chiến lược phát triển của ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn đến năm 2030, góp phần phát triển nông nghiệp hàng hóa, tích cực chuyển đổi từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp, đặc biệt là chủ trương phát triển ngành nông nghiệp Thủ đô theo hướng hiệu quả, hiện đại, bền vững.
_______
(Trang Thông tin có sự phối hợp của Trung tâm Khuyến nông Hà Nội)