Những tấm gương làm kinh tế, giữ bình yên cho quê hương
Ở xã Trung Lý, huyện Mường Lát hầu như ai cũng biết đến ông Giàng Seo Vảng ở bản Khằm 2; ông Vảng là người luôn sát cánh cùng cấp ủy, chính quyền địa phương tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện tốt các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; không di cư tự do, tham gia bảo vệ đường biên, cột mốc, giữ gìn an ninh trật tự trên tuyến biên giới. Trong phát triển kinh tế, ông đã vận động các hộ dân mạnh dạn tận dụng tiềm năng, lợi thế phát triển mô hình trồng trọt kết hợp chăn nuôi với những sản phẩm nông sản đặc trưng như lợn bản địa, mận hậu, dưa chuột. Nhờ đó, đời sống người dân bản Khằm nói riêng, xã Trung Lý nói chung ngày càng khấm khá.
Nhận xét về ông Vảng, Chủ tịch UBND xã Trung Lý Ngân Văn Lon cho biết, Trung Lý là một trong những xã biên giới đặc biệt khó khăn của tỉnh Thanh Hóa với 1.322 hộ dân, gồm 4 dân tộc Mông, Thái, Mường, Kinh cùng sinh sống. Những năm gần đây, do chính sách mở cửa hội nhập kinh tế nên hoạt động giao lưu, trao đổi hàng hóa của người dân bản Khằm nói riêng, xã Trung Lý nói chung trở nên nhộn nhịp, kéo theo nhiều vấn đề về tệ nạn xã hội. Được bà con tin yêu nên ông Vảng luôn phối hợp với chính quyền địa phương và các tổ chức đoàn thể có mặt kịp thời, giải quyết các vụ tranh chấp, mâu thuẫn trong nội bộ nhân dân, không để nảy sinh thêm các vấn đề phức tạp trong công tác dân tộc, tôn giáo. Bên cạnh đó, ông cũng vận động bà con đề cao cảnh giác, không nghe lời dụ dỗ của kẻ xấu; tham gia tố giác các đối tượng mua bán các chất ma túy, kịp thời thông tin cho lực lượng biên phòng, công an để đẩy lùi các tệ nạn xã hội, gìn giữ bình yên cho quê hương.
Còn ở huyện Như Xuân, ông Trần Văn Hùng ở thôn Đức Thắng, xã Thượng Ninh luôn được người dân tin yêu, quý mến; bởi ông Hùng không chỉ tiên phong, gương mẫu trong mọi phong trào của địa phương, mà còn hỗ trợ, dẫn dắt bà con cùng phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo. Theo người dân thôn Đức Thắng, ông Hùng đã cho 6 hộ trong thôn khai thác 12ha keo, 3ha cao su của gia đình để cải thiện đời sống với thu nhập mỗi hộ khoảng 45 triệu đồng/năm. Bên cạnh đó, ông cũng tìm nơi tiêu thụ sản phẩm cho người dân trong thôn, tạo thêm việc làm cho các hộ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Trong công việc chung của địa phương, ông đã tặng địa phương bộ âm thanh phục vụ công tác tuyên truyền chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước đến người dân. Vừa qua, nhờ sự tiên phong, gương mẫu của mình, ông Hùng đã vận động 84 hộ dân trong thôn hiến hơn 800m2 đất, đóng góp ngày công, tiền của xây dựng hơn 4km đường bê tông, 4km đường điện chiếu sáng, góp phần đẩy nhanh tiến độ xây dựng NTM của địa phương.
Quan tâm, chăm lo đời sống cho người có uy tín
Toàn tỉnh Thanh Hóa có 1.494 người có uy tín ở 1.494 thôn, bản, khu phố thuộc 11 huyện miền núi và 6 huyện, thị có xã, thôn miền núi. Đội ngũ người có uy tín trong vùng đồng bào DTTS đã và đang thể hiện tốt vai trò của mình trong tổ chức, vận động người dân thực hiện các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; luôn dẫn dắt, đi đầu trong các phong trào thi đua yêu nước; tích cực vận động người dân hưởng ứng phong trào bảo vệ đường biên, cột mốc chủ quyền quốc gia, giữ gìn trật tự an toàn xã hội, xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị. Họ thực sự là “cầu nối” giữa Đảng, chính quyền với đồng bào DTTS.
Trong phát triển kinh tế, người có uy tín đã mạnh dạn ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào trồng trọt, chăn nuôi, kinh doanh, là những tấm gương có ảnh hưởng tích cực đến công tác xóa đói giảm nghèo ở các địa phương; tuyên truyền, vận động nhân dân thay đổi, bài trừ những phong tục tập quán lạc hậu trong tang ma, cưới xin, góp phần thực hiện tốt cuộc vận động “Toàn dân xây dựng đời sống văn hóa tại khu dân cư”. Đặc biệt, người có uy tín là những người gần gũi nhất để nắm bắt tình hình tư tưởng, tâm tư, nguyện vọng của nhân dân để phản ánh kịp thời tới cấp ủy, chính quyền.
Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Mai Xuân Bình chia sẻ, những năm gần đây, các thôn bản khu vực DTTS và miền núi của tỉnh đã có rất nhiều đổi thay tích cực, vươn mình phát triển từng ngày. Để có được những đổi thay đó, ngoài sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và nỗ lực của cấp ủy, chính quyền địa phương, đội ngũ người có uy tín trong đồng bào DTTS được xem là những “điểm tựa” vững chắc. Do đó, tỉnh Thanh Hóa đặc biệt quan tâm chăm lo đến đời sống vật chất và tinh thần của đội ngũ người có uy tín. Bên cạnh thực hiện đầy đủ chế độ, chính sách, tỉnh cũng kịp thời biểu dương, tôn vinh những điển hình tiên tiến trong đồng bào DTTS, từ đó động viên, khích lệ để người có uy tín thực sự là “cánh tay nối dài” đắc lực của cấp ủy, chính quyền địa phương.
Trong tháng 11, tỉnh Thanh Hóa sẽ tổ chức Đại hội đại biểu các DTTS tỉnh lần thứ IV - năm 2024. Đại hội sẽ tôn vinh những cá nhân, tập thể tiêu biểu, xuất sắc trong thực hiện chính sách dân tộc. Đây sẽ là những hạt nhân lan tỏa, thực hiện thắng lợi các mục tiêu quyết tâm thư của Đại hội ở vùng đồng bào DTTS và miền núi của tỉnh. Việc biểu dương, tôn vinh điển hình tại Đại hội đại biểu các DTTS tỉnh Thanh Hóa lần thứ IV tiếp tục là nguồn động viên để những điển hình tiên tiến (trong đó có đội ngũ người có uy tín) tiếp tục phát huy vai trò nêu gương trong các phong trào thi đua, các hoạt động ở cơ sở, góp phần làm nên diện mạo mới ở các thôn bản vùng đồng bào DTTS và miền núi Thanh Hóa.