"3 tại chỗ” và nhà ở công nhân

- Chủ Nhật, 15/08/2021, 06:11 - Chia sẻ
Cả thành công và thất bại của những doanh nghiệp áp dụng “3 tại chỗ” để thích ứng với dịch Covid-19 đều đặt ra vấn đề nóng đến cả chục năm nay là nhà ở cho công nhân.

Bắc Giang là điển hình của thành công trong áp dụng “3 tại chỗ”. Khi tỉnh quyết định khôi phục sản xuất giữa lúc dịch bệnh vẫn phức tạp, có 7 doanh nghiệp nộp hồ sơ. Và 2 doanh nghiệp đầu tiên được phép nối lại sản xuất là bởi họ có sẵn ký túc xá bảo đảm nơi ăn chốn ở cho công nhân. Người lao động ăn, ngủ, nghỉ tại ký túc xá của công ty, đi xe chung đến nơi làm việc, tất cả đều không tiếp xúc với cộng đồng bên ngoài. Nhờ quy trình khép kín như vậy, doanh nghiệp mới thực hiện được mục tiêu kép, vừa sản xuất, vừa bảo đảm an toàn dịch bệnh.

Cũng thực hiện “3 tại chỗ” nhưng nhiều doanh nghiệp ở các tỉnh phía Nam lại thất bại với mô hình này. Phần lớn doanh nghiệp không có chỗ ở tập trung cho công nhân. Nay áp dụng “3 tại chỗ”, doanh nghiệp phải bố trí nơi ở tạm, sắm sửa chăn, chiếu, gối màn để công nhân nghỉ lại. Chỗ ngủ có thể dễ dàng sắp xếp nhưng việc đáp ứng những điều kiện sinh hoạt khác như nhà vệ sinh, nơi tắm giặt… cho hàng trăm, hàng nghìn lao động không đơn giản. Và sau hơn 1 tháng sản xuất theo mô hình “3 tại chỗ”, rất nhiều doanh nghiệp đã xin dừng hoạt động, mà một trong những nguyên nhân chính là chi phí lưu trú lao động tại nhà máy quá nhiều, doanh nghiệp không thể kham nổi trong thời gian dài.

Có nơi ăn chốn ở tập trung cho người lao động rõ ràng là điều kiện tiên quyết giúp doanh nghiệp có thể duy trì sản xuất an toàn trong dịch bệnh. Tuy nhiên, không chỉ ở các tỉnh phía Nam, nhà ở xã hội thiếu gay gắt trên bình diện cả nước. Toàn quốc hiện chỉ có 214 dự án nhà ở xã hội dành cho công nhân với quy mô sử dụng đất khoảng 600ha, trong đó đã hoàn thành 116 dự án với diện tích đất hơn 250ha. Riêng nhà ở cho công nhân khu công nghiệp mới có 2,58 triệu mét vuông, đủ bố trí cho hơn 330 nghìn người. Con số này thật quá ít ỏi so nhu cầu về nhà ở của hàng chục triệu công nhân!

Một thực tế không thể phủ nhận là các khu công nghiệp mọc lên tới tấp trên mọi miền đất nước nhưng khâu quy hoạch nhà ở cho công nhân hầu như không được quan tâm. Chương trình phát triển nhà ở công nhân không đạt kết quả mong muốn, vướng mắc lớn nhất là vốn (mới đáp ứng được 24% nhu cầu đến năm 2020). Hiện tại, hầu hết công nhân phải thuê nhà trọ ở các khu dân cư. Ngay như Bắc Giang có 6 khu công nghiệp với khoảng 160 nghìn công nhân nhưng họ chủ yếu sống trong các nhà trọ; có thôn ở huyện Việt Yên dân số 1.000 người còn số công nhân ở trọ là hơn 9.000 người. Những khu nhà trọ tốt thì không nói và có lẽ cũng không nhiều. Còn những khu tự phát, ọp ẹp chắc chắn không bảo đảm được điều kiện môi trường sống cũng như sức khỏe cho người lao động.

Nhà ở cho công nhân là vấn đề lớn không chỉ trong điều kiện dịch bệnh mà cả ở trạng thái bình thường; là vấn đề lớn không chỉ ở tầm Chính phủ mà ở trong chỉ đạo của các địa phương. Trên hết và trước hết, địa phương phải đưa chỉ tiêu phát triển nhà ở xã hội vào kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội hàng năm và trung hạn; rà soát, quy hoạch đất để xây dựng nhà ở cho công nhân và kêu gọi doanh nghiệp đầu tư; thực hiện nghiêm quy định dành 20% quỹ đất trong các dự án nhà ở thương mại để phát triển nhà ở xã hội.

Các địa phương phát triển công nghiệp hầu như không có đủ nguồn lao động tại chỗ mà doanh nghiệp phải tuyển dụng thêm ở các tỉnh lân cận. Nếu có thể giữ người lao động gắn bó lâu dài với mình thông qua con đường “an cư” thì đây sẽ là lợi thế cạnh tranh lớn của các địa phương trong thu hút dòng vốn đầu tư nước ngoài chất lượng cao, nhất là khi dịch bệnh qua đi.

Hà Lan