2006 - Năm tuyên chiến với tệ tham nhũng

- Thứ Bảy, 30/12/2006, 00:00 - Chia sẻ
Một cảnh sát muốn bảo vệ luận án cao học với đề tài chống tham nhũng ở Trung Quốc. "Sếp" của anh khuyên rằng đừng vòng vo các giải pháp, mà hãy thực hiện nguyên tắc "3 Không": không dám, không thể và không cần. Dù đó chỉ là một tình tiết trong phim nhưng biện pháp này đã phản ánh được chính sách chống tham nhũng của Trung Quốc và thậm chí của cả thế giới.

      Khó có thể giải thích đầy đủ và thỏa đáng về nguồn gốc của tham nhũng, chỉ biết rằng tham nhũng xuất hiện từ rất sớm, từ khi có sự phân chia quyền lực và hình thành Nhà nước. Đến nay, tham nhũng đã trở thành vấn nạn toàn cầu, không chừa một quốc gia nào, kể cả những nước phát triển nhất.
      Trong năm 2006, thế giới có khá nhiều vụ tham nhũng và cũng có không ít thành tích trong cuộc chiến chống tham nhũng. Nạn tham nhũng giờ đây diễn biến hết sức phức tạp về quy mô, tính chất và trong phạm vi rộng; có nơi còn có sự câu kết chặt chẽ giữa các quan tham và các băng nhóm tội phạm maphia; thậm chí hoạt động tham nhũng có tổ chức còn gắn liền với các vấn đề chính trị, vượt ra khỏi phạm vi quốc gia.
      Tình trạng tham nhũng đặc biệt nghiêm trọng ở những nước giàu tài nguyên thiên nhiên, đặc biệt là những nước giàu tài nguyên dầu mỏ như Angola, Azerbaijan, Chad, Ecuador, Indonesia, Iraq, Iran, Libya, Nigeria, Nga, Sudan, Venezuela, Yemen… Một phần không nhỏ giá trị hợp đồng của Nhà nước trong ngành dầu mỏ trở thành nguồn doanh thu chảy vào túi các giám đốc của các công ty dầu khí phương Tây, những kẻ trung gian và các quan chức trong nước. Những nước châu Phi giàu tài nguyên nhất cũng là những quốc gia có nạn tham nhũng trầm trọng nhất, như Nigeria, Angola, Sudan, Congo...  Theo số liệu thống kê của Quỹ tiền tệ quốc tế, hàng năm, tại châu Phi có khoảng 148 tỷ USD (chiếm 25% tổng sản phẩm quốc dân của toàn châu lục) đã bị mất hay thất thoát do tệ tham nhũng gây ra.
      Tại Trung Quốc, chiến dịch chống tham nhũng được thúc đẩy trên toàn quốc. Trong nhiều năm qua, Chính phủ Trung Quốc đã kỷ luật hàng nghìn quan chức tham nhũng, trong đó có những nhân vật giữ trọng trách rất cao như Phó chủ tịch Quốc hội chẳng hạn. Cuối tháng 9 vừa qua, Trần Lương Vũ, một ủy viên Bộ chính trị đầy quyền lực của Đảng Cộng sản Trung Quốc, đã bị cách chức Bí thư thành ủy Thượng Hải vì đã xử lý sai trái hàng trăm triệu USD trong quỹ hưu của thành phố. Đây là quan chức cao cấp nhất trong đảng Cộng sản Trung Quốc bị cách chức gần đây.
      Trong khi đó, tại Nga, Tổng thống Nga Vladimir Putin thẳng thắn đề cập một số tồn tại trong nước, trong đó có sự bất tín nhiệm của công dân đối với chính quyền và giới doanh nghiệp. Trong Thông điệp Liên bang được trình bày trước Quốc hội hồi tháng 5, ông Putin đã nhấn mạnh vào việc phải khắc phục ngay tình trạng tham nhũng tại nước này. Đầu năm 2006, LHQ cũng công bố báo cáo về 200 vụ vi phạm tài chính nghiêm trọng, đặc biệt là series scandal đổi dầu lấy lương thực ở Iraq. Sau khi tiến hành thanh tra, Tổ chức đa phương lớn nhất thế giới đã đình chỉ công tác đối với 8 quan chức cao cấp của Vụ Quản lý và Vụ hoạt động gìn giữ hòa bình của LHQ.
      Có thể nói năm 2006 là năm thế giới “Tuyên chiến với tham nhũng”. Kinh nghiệm cho thấy để chống tham nhũng có hiệu quả, phù hợp với điều kiện và hoàn cảnh cụ thể của mình, mỗi quốc gia, vùng lãnh thổ đã tự lựa chọn những cơ chế tổ chức chống tham nhũng riêng. Có thể xét đến chính sách “3 Không” của Trung Quốc, theo đó chú trọng đến vấn đề giáo dục, giám sát và chế độ đối với công dân. Rất ngắn gọn, cô đọng mà bao trùm mọi phương diện. Có thể thành lập cơ quan chống tham nhũng từ trung ương đến địa phương với quyền hạn rộng lớn, đồng thời xây dựng hệ thống pháp luật và phòng chống tham nhũng đồng bộ và chặt chẽ (đã được áp dụng ở  Malaysia, Singapore, Indonesia và Hong Kong). Ngoài ra, có thể xây dựng các đơn vị, tổ chức đặc biệt có chức năng chống tham nhũng thuộc các cơ quan bảo vệ pháp luật như Cục Điều tra Tham nhũng của Bộ Tư pháp Đài Loan, Cục Chống tham nhũng của Cơ quan Giám sát hành chính Ai Cập; sử dụng các cơ quan thanh tra, giám sát được trao thêm các quyền đặc biệt chống tham nhũng như Ban Thanh tra và Kiểm toán Hàn Quốc, Bộ Giám sát Hành chính Trung Quốc… Ngoài ra, hầu hết các nước còn sử dụng mạnh mẽ các phương tiện truyền thông để đưa tin, điều tra các vụ tham nhũng, nâng cao nhận thức của nhân dân về đấu tranh phòng chống nạn tham nhũng. Đây cũng chính là thành tích của báo chí Việt Nam trong công tác chống tham nhũng thời gian qua.
      Ai cũng nhận thức được sự nguy hiểm của tham nhũng đối với ổn định xã hội và sự tồn vong của mọi chế độ. Vì lợi ích dân tộc và cũng của chính mình, các quốc gia phải nỗ lực và quyết liệt hơn nữa trong cuộc chiến chống tham nhũng, để hướng tới một thế giới công bằng hơn.

Đỗ Vân