|
Theo lý giải của Phó tổng Cục trưởng Tổng cục Năng lượng, Bộ Công thương Nguyễn Khắc Thọ khi gửi công văn lên Thủ tướng Chính phủ đề nghị giảm thuế xuất khẩu than từ 20% xuống 10% nhằm hỗ trợ việc tiêu thụ lượng hàng tồn kho lên đến gần 10 triệu tấn do tập đoàn này khai thác ra không bán được từ đầu năm đến nay. Theo ông Thọ, khối lượng tồn kho của Tập đoàn rất cao, do đó gây ảnh hưởng đến một số mục tiêu lớn như: ảnh hưởng tới việc làm của trên 10 vạn công nhân mỏ; thiếu vốn đầu tư để tái sản xuất mở rộng mỏ; và đặc biệt là việc phải tạo điều kiện cho ngành than giữ được hệ số tín nhiệm để vay vốn với lãi suất ưu đãi… Hơn nữa, thị trường than trong nước đã giảm, một số nước trước đây là thị trường lớn của xuất khẩu than Việt Nam, như Indonesia, Australia cũng chỉ áp thuế xuất khẩu than có 0%, Trung Quốc là nước kinh doanh than rất lớn, cả xuất và nhập cũng đang áp thuế ở mức 10%... Vì thế, nếu không giải quyết được bài toán xuất khẩu, khả năng cạnh tranh với các thị trường trên thế giới sẽ rất khó và trên cơ sở đó, chúng ta sẽ không giải quyết được bài toán tồn kho cũng như khó khăn cho tập đoàn.
Không chỉ với than, Vụ trưởng Vụ Công nghiệp nặng, Bộ Công thương Nguyễn Mạnh Quân cũng cho rằng, hiện nay doanh nghiệp hoạt động trong ngành công nghiệp khai thác và chế biến khoáng sản đang gặp rất nhiều khó khăn do tiến độ các dự án chế biến sâu vào rất chậm, không theo đúng quy hoạch, nên có sự chênh lệch cung - cầu lớn. Chính phủ đã cho phép xuất khẩu tinh quặng titan đến hết 30.6. Tuy nhiên theo số liệu thống kê của một số địa phương, cụ thể như Bình Định (tồn đọng khoảng 300.000 tấn), hiện nay đang đề nghị Chính phủ cho phép gia hạn xuất khẩu tinh quặng titan đến hết năm 2012… Theo ông Quân, một trong những biện pháp quan trọng nhất và thiết thực nhất đối với các doanh nghiệp khai khoáng hiện nay là Chính phủ có lộ trình cũng như giải pháp để giúp các doanh nghiệp tiêu thụ được các sản phẩm tồn kho, đặc biệt là đối với quặng sắt, quặng titan và một số loại quặng khoáng sản khác…
Theo Cục trưởng Cục Kiểm soát hoạt động khoáng sản, Bộ Tài nguyên và Môi trường Lại Hồng Thanh, Nghị quyết số 02-NQ/TƯ của Bộ Chính trị ngày 25.4.2011 về định hướng chiến lược khoáng sản và công nghiệp khai khoáng đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 đã được Chính phủ cụ thể hóa bằng Quyết định phê duyệt chiến lược khoáng sản đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 và Chỉ thị số 02 về tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với các hoạt động thăm dò, khai thác, chế biến, sử dụng và xuất khẩu khoáng sản - đã khẳng định: khai thác khoáng sản nhất thiết phải gắn với chế biến sâu, sử dụng phù hợp với tiềm năng, giá trị của từng loại khoáng sản; và, việc xuất khẩu khoáng sản phải tuân thủ theo quy định của Chính phủ, không xuất khẩu khoáng sản thô.
Cũng theo ông Lại Hồng Thanh, mặc dù thực tế hiện nay doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực khai khoáng gặp khá nhiều khó khăn ngay cả bởi những bất cập trong quy định về chế biến sâu và khoáng sản thô… Tuy nhiên, Bộ Công thương với chức năng quản lý nhà nước về công nghiệp khai thác cũng như xuất khẩu khoáng sản - cần phải tính toán, phân loại cụ thể từng loại khoáng sản và có đánh giá tổng thể để giúp cho việc sử dụng nguồn tài nguyên khoáng sản có hiệu quả hơn chứ không thể chỉ tính tới những giải pháp tình thế hay căn cứ vào tình hình thực tế khó khăn của doanh nghiệp để xử lý.
Tuy nhiên, Phó viện trưởng Viện Tư vấn phát triển (CODE) Phạm Quang Tú cho rằng, sử dụng từ tồn kho là không đúng ngữ cảnh đối với một mặt hàng đặc biệt như khoáng sản. Bởi khác với các mặt hàng khác, nếu để lâu sẽ có nguy cơ hết hạn sử dụng (hết date) hoặc bị hư hỏng dẫn đến buộc phải bán đi bằng mọi giá để thu hồi vốn, khoáng sản là nguyên liệu không tái tạo, ngay từ khi ở trong lòng đất đã thuộc dạng dự trữ. Vì vậy, cho dù nó nằm ở trong lòng đất hay đã khai thác lên mặt đất cũng không nên dùng từ tồn kho, mà nên sử dụng là sản phẩm dự trữ cho chiến lược trong tương lai. Hơn nữa, đặc điểm của khoáng sản khi để dự trữ thì không những giá trị không bị mất theo thời gian như các loại mặt hàng khác mà do là tài nguyên không tái tạo nên giá trị sẽ được tăng lên trong tương lai…
Với lý lẽ đó, Phó viện trưởng Viện Tư vấn phát triển (CODE) Phạm Quang Tú cho rằng, cần tuân thủ Định hướng chiến lược khoáng sản theo tinh thần Nghị quyết 02 của Bộ Chính trị và các quyết định của Chính phủ trong quản lý tài nguyên khoáng sản, theo hướng chuyển từ khai thác theo chiều rộng, khai thác thô tài nguyên sang chế biến sâu tạo giá trị gia tăng cao. Trong quá trình chuyển đổi tất yếu sẽ gặp khó khăn. Tuy nhiên, nếu có công tác lập quy hoạch tốt, có định hướng tốt và sự vào cuộc quyết liệt của Chính phủ, các bộ, ngành và sự đồng thuận của doanh nghiệp thì chắc chắn sẽ vượt qua được. Và một trong những công cụ giúp giảm dần và tiến tới chấm dứt hoàn toàn việc khai thác xuất khẩu thô tài nguyên, đó chính là việc điều hành thông qua chính sách thu thuế xuất khẩu tài nguyên, khoáng sản ở mức cao.