Theo chủ quán phở Hòa Pasteur, gia đình ông có người nhà liên quan đến những khoản nợ nhưng chưa trả được. Do đó, nhiều ngày qua có nhóm người đã tìm đến gia đình ông để đòi nợ. Trong vòng 1 tháng qua, quán phở này đã bị 8 lần “khủng bố”. Có một nhóm đối tượng lạ mặt đã tạt sơn, mắm tôm, chất bẩn vào quán phở, điều này ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động kinh doanh của cơ sở này. Và kết cục, quán phở buộc tạm thời đóng cửa để sửa chữa sau sự cố này. Liệu đứng đằng sau những hành vi của những kẻ côn đồ, coi thường pháp này có bóng dáng của “tín dụng đen” hay không? Đây là vấn đề cơ quan công an cần phải tích cực vào cuộc điều tra làm rõ.
Thực tế cho thấy, do kinh tế khó khăn, không tiếp cận được nguồn vốn ngân hàng, nhiều cá nhân, doanh nghiệp đã phải chấp nhận vay với mức lãi “cắt cổ”. Lãi mẹ đẻ lãi con, số nợ tăng chóng mặt, không có khả năng chi trả. Trong khi đó, các chủ nợ, với một đội ngũ đòi nợ thuê phần lớn được chiêu mộ từ những thành phần côn đồ, cộm cán. Để thu được nợ, các đối tượng đã dùng mọi thủ đoạn để uy hiếp, khủng bố tinh thần con nợ. Thậm chí, các đối tượng này bất chấp quy định pháp luật, khủng bố tinh thần cả người nhà của con nợ để đòi tiền. Các đối tượng đòi nợ đã bôi bẩn vào nhà cửa, đe dọa, uy hiếp sức khỏe, an toàn tính mạng của con nợ và người nhà của họ.
Vụ việc này có dính dáng đến tín dụng đen hay không sẽ sớm có câu trả lời từ cơ quan điều tra. Việc nhóm côn đồ ngang nhiên ném chất bẩn vào nhà người khác là hành vi thách thức pháp luật, phải xử lý nghiêm để răn đe. Nghị định số 167/2013/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng chống tệ nạn xã hội; phòng cháy và chữa cháy; phòng, chống bạo lực gia đình đã quy định rõ về vấn đề này. Theo đó, đối với hành vi gây rối trật tự công cộng, Điểm d, Khoản 2, Điều 5, Nghị định số 167/2013/NĐ-CP quy định: Phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với các hành vi: Ném gạch, đất, đá, cát hoặc bất cứ vật gì khác vào nhà, vào phương tiện giao thông, vào người, đồ vật, tài sản của người khác. Điều 15 của Nghị định này cũng quy định: Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với hành vi hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản của người khác.
Không chỉ bị xử lý về mặt hành chính, hành vi ném chất bẩn vào nhà người khác nhằm hủy hoại tài sản của người khác có thể xem xét để xử lý về mặt hình sự, tùy theo mức độ gây thiệt hại. Ngoài ra, Điều 318, Bộ luật Hình sự năm 2015 về Tội gây rối trật tự công cộng quy định: người nào gây rối trật tự công cộng gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội… thì bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 2 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 2 năm.
Rõ ràng, việc ném mắm tôm, sơn hay các chất bẩn vào nhà người khác là hành vi vi phạm pháp luật. Chế tài xử phạt cho các hành vi này đã có, nhẹ thì có thể bị phạt hành chính, nếu kéo dài và gây hậu quả lớn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Phải xử lý nghiêm minh đối với các hành vi vi phạm pháp luật này. Đừng để côn đồ ngang nhiên thách thức pháp luật, coi thường mạng sống của người khác.