Theo đó, do bức xúc vì bị "đánh hội đồng", anh T.Đ.Th. quay về nhà thả hai con chó, trong đó có một con giống pitbull cao khoảng 70 cm, nặng khoảng 40 kg và một con giống becgie cao khoảng 60 cm, nặng 30 kg đi cắn đối thủ.
Đây là vụ việc rất hy hữu đã xảy ra, người chủ đã lợi dụng những chú chó hung dữ của mình để tấn công đối thủ là hành vi nguy hiểm cho xã hội. Bởi, hành vi lùa chó pibull và becgie tấn công lại người khác nếu không được kiểm soát có thể dẫn đến hậu quả đặc biệt nghiêm trọng, thậm chí gây tử vong. Và thực tế, thời gian qua, có rất nhiều trường hợp tử vong do bị chó dữ tấn công.
Sự việc nêu trên không thể đổ lỗi cho nạn nhân hay chính con chó mà lỗi hoàn toàn thuộc về chủ chó. Trong vụ việc này, cần phải xem xét đến động cơ, mục đích của chủ chó, nếu việc nuôi chó là để làm cảnh, giữ nhà thì không có vấn đề gì, nhưng nuôi chó với mục đích sử dụng để tấn công người khác thì đó là hành vi man rợ, cần phải lên án và xử lý thật nghiêm để giáo dục, răn đe người vi phạm.
Cụ thể, theo quy định tại Điều 7 Nghị định số 144/2021/NĐ-CP ngày 31.12.2021 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy, chữa cháy; cứu nạn, cứu hộ; phòng, chống bạo lực gia đình, thì hành vi để động vật nuôi gây thương tích hoặc gây thiệt hại tài sản cho tổ chức, cá nhân khác nhưng không bị truy cứu trách nhiệm hình sự sẽ bị phạt từ 1 - 2 triệu đồng.
Mặt khác, nếu cố tình thả chó dữ cắn người gây thương tích hoặc tử vong, thì tùy vào trường hợp mà người phạm tội có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội "Cố ý gây thương tích" theo Điều 134, Bộ luật Hình sự; hoặc tội "Giết người" theo Điều 123, Bộ luật Hình sự. Đồng thời, chủ sở hữu súc vật phải bồi thường thiệt hại do súc vật gây ra cho người khác theo quy định tại Điều 603, Bộ luật Dân sự 2015.
Trở lại vụ việc nêu trên, hành vi cố ý dùng chó dữ tấn công người khác gây thương tích là hành vi vi phạm pháp luật. Tùy theo tính chất, mức độ của hậu quả xảy ra, chủ vật nuôi có thể bị xử phạt hành chính, bồi thường thiệt hại theo quy định hoặc có thể bị xử lý hình sự nếu đủ yếu tố cấu thành tội phạm.
Cùng đó, sau sự việc trên, cơ quan chức năng cần tăng cường kiểm tra, xử lý các trường hợp vi phạm trong việc đăng ký, nuôi nhốt vật nuôi và các biện pháp phòng, chống dịch bệnh theo đúng quy định. Đặc biệt, chính quyền địa phương phải quản lý chặt chẽ đối với các hộ gia đình sở hữu vật nuôi hung dữ, có nguy cơ gây thương tích cho người khác; bắt buộc chủ vật nuôi phải cam kết đảm bảo an toàn trong việc quản lý vật nuôi của mình.