Hàng xuất khẩu đối diện 242 vụ việc điều tra
Theo Cục Phòng vệ thương mại, Bộ Công thương, trên thế giới, việc áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại đã không ngừng gia tăng.
Theo đó, trong giai đoạn từ năm 1995 - 6.2023, tổng số vụ việc điều tra chống bán phá giá được Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) thu thập là 6.658 vụ việc; trong đó, giai đoạn 2012 - 2020 số vụ việc điều tra chống bán phá giá bùng nổ mạnh mẽ, chạm mốc 355 vụ việc điều tra trong năm 2020. Do ảnh hưởng của dịch Covid-19 kéo theo trao đổi thương mại toàn cầu giảm, số lượng các vụ việc điều tra chống bán phá giá trong các năm 2021 và 2022 có xu hướng giảm. Tuy nhiên, cùng với sự phục hồi của thương mại toàn cầu trong năm 2023, số lượng các vụ việc điều tra chống bán phá giá có xu hướng tăng lên. Chỉ trong 6 tháng đầu năm 2023, đã có 76 vụ việc điều tra mới được ghi nhận.
Đối với biện pháp chốngtrợcấp, trong giai đoạn 2010 - 2020, số lượng vụ việc khởi xướng liên tục tăng (trừ năm 2012), từ 9 vụ việc lên 56 vụ việc (năm 2020) - cao nhất trong suốt giai đoạn từ khi thành lập WTO đến nay. Tuy nhiên, số vụ việc này đã giảm dần, còn 18 vụ việc vào năm 2021 và 19 vụ việc vào năm 2022. Tính đến năm 2023, ghi nhận chỉ có 10 cuộc điều tra về chống trợ cấp diễn ra.
Thời gian qua, cùng với sự tăng trưởng của kim ngạch xuất khẩu, hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam phải đối mặt với nhiều vụ việc điều tra, áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại của nước ngoài, đặc biệt là các vụ việc điều tra chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại. Tính đến hết tháng 12.2023, hàng hóa xuất khẩu của nước ta là đối tượng của 242 vụ việc điều tra liên quan đến phòng vệ thương mại. Trong đó, riêng Hoa Kỳ đã điều tra 59 vụ việc, chiếm gần 25% tổng số vụ việc nước ngoài điều tra đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam. Liên quan điều tra về bán phá giá, giai đoạn 2020 - 2023, các doanh nghiệp Việt Nam theo WTO ghi nhận bị áp dụng 90 biện pháp, chiếm 3,2% tổng số vụ việc điều tra.
Chỉ tính riêng năm 2023, đã phát sinh 15 vụ việc mới do nước ngoài khởi xướng điều tra phòng vệ thương mại với hàng xuất khẩu của Việt Nam, bên cạnh nhiều vụ việc đang trong quá trình điều tra, hoặc thuộc diện rà soát hàng năm, rà soát cuối kỳ. Việt Nam đã tiến hành điều tra rà soát cuối kỳ 1 vụ việc tự vệ đối với sản phẩm phôi thép và thép dài nhập khẩu.
Cung cấp thông tin sớm để chủ động ứng phó
Theo đánh giá của Cục Phòng vệ thương mại, khung khổ pháp lý cho hoạt động quản lý nhà nước trong lĩnh vực phòng vệ thương mại đã được củng cố và hoàn thiện. Tuy nhiên, hiện nay, các vụ việc có xu hướng điều tra phòng vệ thương mại khắt khe hơn. “Các nước đang có xu hướng thắt chặt, đưa ra các yêu cầu cao hơn đối với chính phủ, doanh nghiệp bị điều tra, áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại. Tính chất các vụ việc cũng sẽ ngày càng phức tạp, khó khăn hơn trong ứng phó, xử lý. Điều này thể hiện thông qua việc yêu cầu các bên tuân thủ chặt chẽ về mặt thời gian trả lời câu hỏi; yêu cầu bổ sung thêm nhiều tài liệu, thông tin, dữ liệu trong khi thời gian trả lời bị hạn chế; việc xin gia hạn gặp nhiều khó khăn, rào cản ngôn ngữ”, Cục Phòng vệ thương mại lưu ý.
Kể từ lần đầu tiên Bộ Công thương công bố danh sách cảnh báo bị nước ngoài điều tra phòng vệ thương mại vào tháng 7.2019 đến hết tháng 12.2023, có nhiều sản phẩm nằm trong danh sách như: gỗ dán có nguyên liệu làm từ gỗ cứng, tủ gỗ, đệm mút, lốp xe ô tô, ống đồng, mật ong, thép chống ăn mòn, gạch men, ghế bọc đệm, pin năng lượng mặt trời, ống thép, ghim dập, dây cáp nhôm, thanh nhôm định hình…
Trên cơ sở đó, các cơ quan chức năng của Bộ Công thương, Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Công an, UBND các tỉnh, thành phố đã phối hợp, tăng cường kiểm tra, giám sát, xác minh việc cấp giấy chứng nhận xuất xứ, khai báo xuất xứ khi thông quan, đăng ký đầu tư nước ngoài... Đồng thời, các hiệp hội, doanh nghiệp liên quan có thể chủ động xây dựng chiến lược sản xuất, xuất khẩu, chuẩn bị nguồn lực, xây dựng kế hoạch ứng phó.
Trong bối cảnh thách thức đó, để hỗ trợ doanh nghiệp, đại diện Cục Phòng vệ thương mại đề xuất, các cơ quan đại diện thương mại ở nước ngoài cần cung cấp thông tin sớm hơn, phối hợp kịp thời, đầy đủ hơn và có những cảnh báo, khuyến nghị cho các hiệp hội, doanh nghiệp có thể ứng phó tốt hơn.
Bên cạnh đó, việc tăng cường công tác thông tin và truyền thông sẽ góp phần nâng cao hiểu biết và sự đồng thuận của xã hội, đặc biệt là của các doanh nghiệp đối với các thỏa thuận quốc tế, cơ hội, thách thức và những yêu cầu phải đáp ứng khi tham gia, thực hiện các hiệp định thương mại tự do. Từng cá nhân, tổ chức cần chủ động theo sát diễn biến tình hình thương mại toàn cầu, các xu hướng hợp tác song phương, khu vực và quốc tế, các điều chỉnh chính sách của các nước, đối tác để chủ động phân tích, dự báo và đề xuất, kiến nghị chủ trương, giải pháp ứng phó phù hợp.
Về phía Cục Phòng vệ thương mại, sẽ tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp xuất khẩu trong các vụ việc điều tra phòng vệ thương mại của nước ngoài và coi đây là một nhiệm vụ trọng tâm. Đồng thời, Cục sẽ tiếp tục sử dụng hệ thống cảnh báo sớm để đưa ra những dự báo từ sớm, từ xa, giúp các doanh nghiệp chủ động hơn trong việc chuẩn bị nguồn lực, xây dựng kế hoạch ứng phó hiệu quả với các vụ việc điều tra phòng vệ thương mại của nước ngoài. Đặc biệt, “việc tham gia vào các phiên họp về Tiểu ban Phòng vệ thương mại thực thi các hiệp định và tổ chức phiên đối thoại cấp cao giữa Việt Nam với các đối tác về phòng vệ thương mại sẽ là một trong những hoạt động, mục tiêu chính của Cục”.