Dự lễ công bố có: Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hoàng Long; Đại sứ Đan Mạch tại Việt Nam Nicolai Prytz; Cục trưởng Cục Năng lượng Đan Mạch Kristoffer Boxttzauw.
Báo cáo triển vọng năng lượng Việt Nam – Đường đến phát thải ròng bằng 0 (EOR-NZ) do Cục Điện lực và Năng lượng Tái tạo (Việt Nam), Cục Năng lượng Đan Mạch (DEA) và Đại sứ quán Đan Mạch hợp tác biên soạn. Báo cáo lần này là ấn phẩm thứ tư trong chuỗi các báo cáo triển vọng năng lượng Việt Nam được xây dựng trong khuôn khổ Chương trình Hợp tác đối tác năng lượng Việt Nam - Đan Mạch. Đây là chương trình hợp tác đối tác lâu dài giữa Việt Nam và Đan Mạch trong lĩnh vực chuyển đổi năng lượng xanh.
Báo cáo đã trình bày các kịch bản phát triển của hệ thống năng lượng Việt Nam đến năm 2050, tập trung vào việc phân tích các lộ trình thực tế để Việt Nam đạt được cam kết phát thải ròng bằng không vào năm 2050. Báo cáo cũng đưa ra thông điệp: Việt Nam có nhiều tiềm năng chuyển đổi xanh để trở thành một nền kinh tế có mức phát thải cacbon ròng bằng không vào năm 2050 như Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã cam kết tại COP26 ở Glasgow.
Phát biểu tại chương trình, Đại sứ Đan Mạch tại Việt Nam Nicolai Prytz cho biết: Báo cáo là tài liệu tham khảo có giá trị cho các đối tác Việt Nam trong quá trình hỗ trợ Việt Nam định hình quá trình chuyển đổi năng lượng đạt được mục tiêu phát thải ròng bằng không. Để làm được, Việt Nam cần có những nỗ lực mạnh mẽ và bền vững trong việc phát triển năng lượng xanh.
Với tiềm năng to lớn về điện mặt trời, điện gió trên bờ và ngoài khơi, Việt Nam có điều kiện tốt để chuyển đổi ngành năng lượng tử nhiên liệu hóa thạch sang năng lượng tái tạo.
Báo cáo cũng cho thấy, Việt Nam có thể chuyển đổi xanh hiệu quả về chi phí và đạt được mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 thông qua mở rộng quy mô năng lượng tái tạo, điện hóa các ngành công nghiệp và giao thông vận tải, đồng thời giảm sự phụ thuộc của Việt Nam vào năng lượng nhập khẩu…
Tại buổi lễ, Phó Cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo Đoàn Ngọc Dương cho biết: Nhu cầu năng lượng và nhu cầu điện của Việt Nam trong những năm tới dự báo sẽ tiếp tục tăng nhanh để đáp ứng nhu cầu của nền kinh tế và dân sinh. Tại Hội nghị thượng đỉnh của Liên hiệp quốc về biến đổi khí hậu COP26 được tổ chức tại Glasgow (Vương quốc Anh) vào tháng 11. 2021, Việt Nam đã cam kết đạt phát thải ròng bằng không vào năm 2050. Cam kết này thể hiện quyết tâm của Chính phủ Việt Nam thực hiện các mục tiêu chuyển dịch từ nguồn năng lượng hóa thạch truyền thống sang các nguồn năng lượng xanh, sạch, giảm phát thải khí nhà kính, chống biến đổi khí hậu.
Ngày 1.10. 2021, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1058/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 với mục tiêu thúc đẩy cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nhằm đạt được thịnh vượng về kinh tế, bền vững về môi trường và công bằng về xã hội; hướng tới nền kinh tế xanh, trung hòa các bon và đóng góp vào mục tiêu hạn chế sự gia tăng nhiệt độ toàn cầu…
Ngày 26.7.2023, Thủ tướng Chính phủ cũng đã ban hành Quyết định số 893/QĐ-TTg, phê duyệt Quy hoạch tổng thể về năng lượng quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, hướng đến mục tiêu phát triển ngành năng lượng của Việt Nam hài hòa giữa các phân ngành với hạ tầng đồng bộ và thông minh, đạt trình độ tiên tiến của khu vực, phù hợp với xu thế phát triển khoa học công nghệ của thế giới, đồng thời thực hiện thành công chuyển đổi năng lượng, góp phần đáp ứng mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.
Tại lễ công bố, các đại biểu cũng đã đưa ra nhiều khuyến nghị giải pháp hỗ trợ về xã hội và môi trường trong quá trình chuyển đổi năng lượng công bằng; Khuyến nghị hướng tới mục tiêu phát triển hệ thống năng lượng xanh và bảo đảm hiệu quả chi phí; bảo đảm an ninh cung cấp điện trong quá trình chuyển đổi năng lượng xanh; Khuyến nghị về giải pháp chuyển đổi năng lượng xanh trong ngành giao thông vận tải, trong đó chú trọng việc sử đụng năng lượng hiệu quả, bảo đảm đủ cơ sở hạ tầng để thúc đẩy chuyển đổi sang phương tiện giao thông công cộng và đường sắt điện hóa.