Doanh nghiệp điện tử Việt Nam đứng trước cơ hội lớn
Chuỗi cung ứng toàn cầu là chủ đề nóng trong 3 năm trở lại đây, đặc biệt khi đại dịch Covid-19 và chiến tranh đang làm thay đổi, định hình lại chuỗi cung ứng này.
Theo bà Đỗ Thị Thúy Hương, Ủy viên Ban chấp hành Hiệp hội Doanh nghiệp điện tử Việt Nam, từ đầu năm đến nay, đã có nhiều hãng lớn, doanh nghiệp trong chuỗi cung ứng công nghiệp điện tử dịch chuyển từ thị trường nước ngoài vào Việt Nam. Đáng chú ý, Apple đã có nhà máy ở Việt Nam song sẽ chuyển sang sản xuất sản phẩm cao hơn như máy tính bảng, máy tính để bàn, thay vì sản phẩm cấp thấp như tai nghe trước đây, là tín hiệu rất đáng mừng bởi sẽ kéo theo hàng loạt doanh nghiệp hỗ trợ, giúp các doanh nghiệp Việt Nam có thể tham gia sâu vào chuỗi cung ứng toàn cầu, gia tăng giá trị nội địa trong chuỗi.
Bên cạnh đó, Việt Nam cũng có cơ hội tăng cường xuất khẩu sang các thị trường khó tính và một số thị trường mới do sự điều chỉnh chuỗi cung ứng. “Gần đây, chúng tôi đã tiếp nhiều đoàn doanh nghiệp đến từ các nước châu Âu, Đông Âu (cũ), Nga… mời gọi xúc tiến đầu tư và xuất khẩu sản phẩm sang các thị trường này”, bà Hương thông tin.
Xu hướng dịch chuyển đầu tư và sản xuất cũng đang tạo cơ hội cho Việt Nam tăng cường thu hút đầu tư FDI lớn và chất lượng trong ngành công nghiệp điện tử, đặc biệt trong lĩnh vực sản xuất, sản xuất chip. Doanh nghiệp sản xuất chip trong chuỗi cung ứng của Apple đang xem xét tìm vị trí đặt nhà máy tại Việt Nam, bà Hương thông tin.
Cùng với đó, việc các nước đang thúc đẩy liên kết kinh tế song phương và đa phương với Việt Nam cũng như phê chuẩn các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới CPTPP và EVFTA… diễn ra khẩn trương, tạo thuận lợi hơn cho thương mại và đầu tư trong các ngành công nghệ cao, đặc biệt là điện tử.
Đồng tình với nhận định trên, ông Darren Seah, Giám đốc Danh mục phụ trách Triển lãm Chuyển đổi Công nghiệp châu Á - Thái Bình Dương (ITAP) cho rằng, doanh nghiệp điện tử Việt Nam đang đứng trước cơ hội rất lớn để tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu bởi thế giới đang có xu hướng tìm kiếm các địa điểm sản xuất về điện tử thay đổi cho các thị trường truyền thống. Đặc biệt, với việc nhiều tập đoàn công nghệ lớn như Samsung, Intel, LG, Apple… đầu tư và hình thành được mạng lưới doanh nghiệp công nghiệp phụ trợ ngành điện tử ở Việt Nam, Việt Nam “hoàn toàn có thể trở thành trung tâm sản xuất điện tử của ASEN, thậm chí là châu Á”. Thêm vào đó, sự ổn định về chính trị, nền kinh tế tăng trưởng tốt khiến Việt Nam càng trở nên hấp dẫn nhà đầu tư.
Chính sách hỗ trợ cần sát thực tế
Dù vậy, thách thức với ngành công nghiệp điện tử của Việt Nam vẫn rất lớn. Theo bà Đỗ Thị Thúy Hương, những rủi ro chính là tính không chắc chắn gia tăng khi chiến tranh, dịch bệnh vẫn chưa chấm dứt. Lạm phát và lãi suất tăng, duy trì ở mức cao tại nhiều nền kinh tế; rủi ro về an ninh chuỗi cung ứng. Những rủi ro đó đã tác động trực tiếp tới ngành điện tử trong nước, khi nhu cầu thế giới giảm dần từ cuối năm ngoái khiến tốc độ tăng trưởng của ngành chậm lại, chỉ còn dưới 6% vào năm 2022 thay vì mức tăng trưởng 9,7 - 13% trong giai đoạn 2019 - 2021. Trong quý I.2023 cũng đã chứng kiến sự sụt giảm xuất khẩu điện tử gần 10% so với cùng kỳ và dự báo sẽ tiếp tục sụt giảm trong quý II, khi nhiều doanh nghiệp cho biết hết sạch đơn hàng từ tháng 6 tới.
Bên cạnh đó, chuyển dịch xanh, kinh tế xanh cũng đang đặt ra thách thức cho các doanh nghiệp trong ngành. Hạn chế về nguồn nhân lực chưa theo kịp sự phát triển ngành điện tử, đặc biệt trong việc tiếp thu và chuyển giao công nghệ. Chính vì thế, dù có nhiều cơ hội để tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị tân tiến của thế giới song vẫn là “con đường rất dài” với các doanh nghiệp Việt Nam.
Hơn nữa, chính sách vẫn chưa theo kịp thực tế, chậm ban hành hoặc ban hành ra nhưng thực thi không tốt, doanh nghiệp không được thụ hưởng trực tiếp. “Rất nhiều chính sách hỗ trợ đã ban hành nhưng hầu như doanh nghiệp điện tử khó tiếp cận. Hoặc trong lúc doanh nghiệp rất khó khăn, đáng ra phải tiếp tục chính sách giảm 2% thuế VAT nhưng hiện vẫn chưa được thông qua, trong khi nhiều doanh nghiệp đã “chết lâm sàng” là rất đáng tiếc”, bà Đỗ Thị Thúy Hương phát biểu.
Theo đại diện Hiệp hội Doanh nghiệp điện tử Việt Nam, phải kịp thời điều chỉnh chính sách hỗ trợ doanh nghiệp và thu hút FDI để bảo đảm dòng vốn FDI có chọn lọc, ưu tiên công nghệ tiên tiến, bền vững và có sức lan tỏa cho nền kinh tế. Về phía doanh nghiệp, tới đây sẽ phải kê khai về bảo đảm môi trường, an toàn cho người lao động trong chuỗi cung ứng. Do đó, doanh nghiệp cần chuẩn bị nhân lực cho vấn đề này, để đáp ứng yêu cầu khi xuất khẩu hoặc xuất khẩu tại chỗ.
Trong bối cảnh nhu cầu tiêu dùng đã thay đổi sau đại dịch Covid-19 cùng những vấn đề đặt ra như an ninh phi truyền thống, biến đổi khí hậu, khai thác tài nguyên, bà Hương lưu ý, các doanh nghiệp cần điều chỉnh định hướng tổ chức, năng lực sản xuất các thiết bị điện tử, chú trọng chất lượng và ứng dụng thực tế cũng như giá cả cạnh tranh hợp lý.
Khẳng định Việt Nam hoàn toàn có thể trở thành trung tâm sản xuất điện tử của khu vực và châu lục, ông Darren Seah khuyến nghị: Có 2 điểm quan trọng nhất với doanh nghiệp điện tử Việt Nam là cần kiểm soát về chất lượng sản phẩm và tăng cường kết nối, hỗ trợ từ các đối tác để nâng cao năng lực cạnh tranh cho sản phẩm. Đối với yêu cầu sản xuất xanh và phát triển bền vững, các doanh nghiệp cần xác định rõ mục tiêu và phải lựa chọn được điểm nhấn cần tập trung thực hiện.