Vẫn còn hiện tượng né tránh trách nhiệm
Theo HĐND thành phố Hà Nội, việc xây dựng một số nghị quyết về một số cơ chế, chính sách còn chậm ban hành so với chỉ đạo, kế hoạch chung, cá biệt còn một số chính sách còn chưa được ban hành. Mặc dù, UBND thành phố đã giao Sở Tư pháp đôn đốc, hướng dẫn nhưng việc rà soát, hệ thống hóa cũng như việc đề xuất xây dựng văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL) của thành phố còn chậm; thậm chí nhiều văn bản còn bỏ sót còn không báo cáo hoặc không kịp thời báo cáo đăng ký kế hoạch xây dựng để thành phố xem xét ban hành.
Việc rà soát, hệ thống hóa VBQPPL chưa thực sự được các cơ quan chuyên môn quan tâm đúng mức, còn tình trạng một số văn bản đã ban hành có sự thay đổi về căn cứ pháp lý của nội dung quy phạm nhưng chậm được nghiên cứu sửa đổi hoặc bãi bỏ...; vẫn còn tình trạng xin hoãn, lùi thời gian ban hành do công tác lập hồ sơ xây dựng nghị quyết chưa bảo đảm; việc chuẩn bị hồ sơ dự thảo nghị quyết gửi các Ban của HĐND thành phố để thẩm tra còn chưa bảo đảm về thời gian, thành phần hồ sơ, chất lượng nội dung dự thảo còn hạn chế, nhất là ở lĩnh vực kinh tế - ngân sách... dẫn đến công tác thẩm tra của các Ban HĐND thành phố gặp khó khăn.
"Nguyên nhân trách nhiệm của những hạn chế của cấp thành phố nêu trên thuộc trách nhiệm trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, đôn đốc của UBND thành phố và của một số sở, ngành được giao nhiệm vụ tham mưu xây dựng nghị quyết. Đặc biệt, là trách nhiệm của cơ quan chủ trì tham mưu là Sở Tư pháp", báo cáo giám sát nêu rõ.
Ở cấp huyện, công tác xây dựng, ban hành VBQPPL, trong đó, có nghị quyết của HĐND) còn một số hạn chế, bất cập. Còn một số nghị quyết không đúng thẩm quyền, chưa bảo đảm về nội dung, thể thức trình bày cần phải xử lý và khắc phục. Cơ bản ở các quận, huyện đều chưa xây dựng và ban hành kế hoạch xây dựng nghị quyết của HĐND... Nguyên nhân trách nhiệm của hạn chế nêu trên thuộc trách nhiệm của UBND cấp huyện trong việc chỉ đạo xây dựng và trình HĐND cùng cấp để ban hành các nghị quyết.
Bên cạnh đó, việc tổ chức triển khai thực hiện các yêu cầu, kiến nghị, kết luận sau giám sát của HĐND trên thực tế vẫn còn nhiều bất cập mà thành phố cần sớm tháo gỡ trong thời gian tới. Trước hết, việc chỉ đạo thực hiện các yêu cầu, kết luận, kiến nghị sau giám sát của HĐND, Thường trực, các Ban HĐND cả cấp thành phố và cấp huyện còn bất cập khi một số nhiệm vụ được giao sau giám sát chưa được UBND thành phố phân công cụ thể; một số việc còn chồng chéo, chưa rõ thẩm quyền, trách nhiệm của cơ quan tham mưu; một số nhiệm vụ còn chưa rõ thời gian và tiến độ hoàn thành...
Mặt khác, một số nội dung đã được HĐND, Thường trực HĐND thành phố cụ thể bằng nghị quyết, kết luận nhưng việc chỉ đạo, đôn đốc thực hiện các cam kết, “lời hứa” của UBND thành phố, các sở, ngành, đơn vị, địa phương còn chậm, chưa có nhiều chuyển biến, hiệu quả (kể cả những nội dung đã được đưa ra tái chất vấn). Ngoài ra, một số sở, ngành chuyên môn của thành phố, UBND cấp huyện chưa thực sự chủ động trong việc giải quyết các công việc thuộc nhiệm vụ của cơ quan mình cũng như chưa kịp thời tham mưu với UBND thành phố để xử lý dứt điểm các nhiệm vụ tồn đọng. Thậm chí, vẫn còn hiện tượng né tránh trách nhiệm, chỉ làm hết thẩm quyền; nhiều nội dung khó khăn, phức tạp còn gửi văn bản xin ý kiến các cơ quan khác không đúng quy định gây kéo dài thời gian giải quyết... Trách nhiệm trước hết do công tác lãnh đạo, chỉ đạo của UBND thành phố; tiếp đó, là của các cơ quan chuyên môn được giao nhiệm vụ trực tiếp.
Chưa rõ lộ trình, thời hạn giải quyết kiến nghị của cử tri
Đáng chú ý, trong việc giải quyết, trả lời kiến nghị cử tri, HĐND thành phố đánh giá, còn chưa rõ lộ trình, thời hạn, tiến độ; chưa sát với nội dung kiến nghị của cử tri hoặc trả lời chưa đầy đủ. Trong khi đó, công tác phối hợp trong việc giải quyết kiến nghị của cử tri còn chưa chặt chẽ; việc giải quyết kiến nghị có đủ điều kiện của một số đơn vị chưa kịp thời, chưa đáp ứng được nguyện vọng của cử tri... Để xảy ra những tồn tại, bất cập trong việc giải quyết, trả lời kiến nghị cử tri trước hết thuộc công tác lãnh đạo, chỉ đạo của UBND thành phố. Đồng thời, là trách nhiệm của các sở, ngành thành phố trong công tác tham mưu với UBND thành phố để giải quyết, trả lời kiến nghị cử tri, trong đó có các sở, ngành còn nhiều nội dung chưa giải quyết xong như Sở Tài nguyên và Môi trường; Kế hoạch và Đầu tư; Sở Tài chính; Sở Xây dựng; Sở Giao thông Vận tải...
Riêng đối với công tác tiếp công dân, giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo, kiến nghị phản ánh của công dân, báo cáo giám sát cũng chỉ rõ việc triển khai thực hiện một số quyết định giải quyết khiếu nại đã có hiệu lực pháp luật và các kết luận nội dung tố cáo còn chậm. Công tác phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị có liên quan trong giải quyết những vụ việc cụ thể đôi khi còn thiếu chặt chẽ, làm chậm tiến độ giải quyết. Kết quả giải quyết các vụ việc, đơn thư do Đoàn ĐBQH thành phố và Thường trực HĐND thành phố còn chậm, mới giải quyết xong 30/74 vụ việc (tỷ lệ 40,5%)...
Ngoài ra, việc ứng dụng công nghệ thông tin, cập nhật, chia sẻ dữ liệu về công tác tiếp công dân, xử lý đơn thư khiếu nại, kiến nghị, phản ánh đôi lúc chưa kịp thời và hiệu quả. Mặt khác, do số lượng đơn thư nhiều, vụ việc phức tạp, cán bộ thực hiện nhiệm vụ tiếp công dân và xử lý đơn còn thiếu so với khối lượng công việc cần xử lý. Năng lực cán bộ được phân công làm nhiệm vụ tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo tại một số đơn vị còn hạn chế, chưa đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo trong giai đoạn hiện nay... "Nguyên nhân trách nhiệm của hạn chế nêu trên thuộc trách nhiệm của cơ quan tham mưu là một số sở, ngành chuyên môn thuộc thành phố", Báo cáo giám sát nêu rõ.