“Vẽ” giai điệu bằng màu sắc

- Thứ Sáu, 19/07/2019, 22:54 - Bản đầy đủ
Chiều 19.7, tại Nhà Triển lãm Mỹ thuật, 16 Ngô Quyền, Hà Nội đã khai mạc triển lãm “Những giai điệu vẽ bằng màu sắc” của cố nhạc sĩ - họa sĩ Nguyễn Đức Toàn. Triển lãm do nhà phê bình mỹ thuật Quang Việt phối hợp với Hội Mỹ thuật Việt Nam và gia đình họa sĩ tổ chức nhân kỷ niệm 90 năm ngày sinh của ông.

Nghệ thuật vẫn là vấn đề con người

Nhạc sĩ, họa sĩ Nguyễn Đức Toàn sinh năm 1929 tại Hà Nội, quê gốc Bắc Ninh, mất năm 2016. Ông là cựu sĩ quan quân đội có nhiều ca khúc được nhiều người biết đến, từng được Nhà nước Việt Nam trao tặng Huân chương Độc lập hạng Ba, Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học - Nghệ thuật (năm 2000, cho các tác phẩm: “Quê em”, “Biết ơn chị Võ Thị Sáu”, “Đào công sự”, “Nguyễn Viết Xuân cả nước yêu thương”, “Tình em biển cả”, “Chiều trên bến cảng”).

Trên phương diện hình ảnh, triển lãm “Những giai điệu vẽ bằng màu sắc” mang tính chất hồi cố, tưởng nhớ một nhạc sĩ - họa sĩ mà tên tuổi của ông gắn với nhiều tác phẩm âm nhạc. Song, theo giám tuyển độc lập bộ tranh tư nhân của cố nhạc sĩ - họa sĩ Nguyễn Đức Toàn, nhà phê bình mỹ thuật Quang Việt, một thời gian dài, tài năng hội họa của ông đã được giới phê bình đánh giá cao. “Triển lãm nhấn mạnh tài năng hội họa của Nguyễn Đức Toàn những năm 1970 - 1980, cố gắng khái quát tiến trình tiếp cận nghệ thuật của ông cho đến những năm cuối đời. Khác với hàng chục triển lãm trong nước và nước ngoài của ông trước đây, chủ yếu diễn ra dưới thời bao cấp, đây là triển lãm đầu tiên hoàn toàn mang tính chất nghệ thuật”.

Nhà phê bình Quang Việt lý giải, gói gọn trong một bộ sưu tập, triển lãm tuy không có sự lựa chọn rộng rãi nhưng đã bao quát đầy đủ bút pháp, chất liệu, phong cách mà Nguyễn Đức Toàn sử dụng. Nhiều người đón chờ triển lãm bởi giá trị nghệ thuật cao của một số tác phẩm. Điển hình như sự có mặt của ba bức sơn dầu: “Làng em” (2010), “Mẹ 1000 năm Thăng Long” (2010), “Cuộc hành quân chân  đất” (1999 -  2000). Đây là các tác phẩm được giới trong nghề đánh giá ở độ bền màu và giá trị nghệ thuật.


Tác phẩm “Cuộc hành quân chân đất”, sơn dầu, 1999 -  2000

60 tác phẩm được lựa chọn giới thiệu theo hệ thống, mang tính định kiến. Tuy nhiên, nhận xét của nhiều người xem triển lãm, trong các tác phẩm của Nguyễn Đức Toàn, nghệ thuật vẫn là vấn đề con người. “Con người dù trực tiếp hay gián tiếp trong các tác phẩm, đều là chủ đề chính để tác giả thể hiện suy nghĩ và đời sống tình cảm của mình. Nguyễn Đức Toàn là người sử dụng nhiều chất liệu nhất, gồm khắc gỗ, giấy dó, bột màu, màu nước, sơn mài, lụa… và đặc biệt ông biết chọn đề tài phù hợp. Ví dụ, ông vẽ phong cảnh, tĩnh vật bằng sơn dầu, khi một bè, khi nhiều bè, với các tầng nhạc đệm phong phú. Ông vẽ phong cảnh bằng sơn mài, tranh thiếu nữ trên nền lụa, với những nốt nhạc du dương, huyền ảo, lắm khi chỉ như bản vẽ phác mà vẫn gây hiệu quả hoàn thiện. Rồi khi vẽ bố cục trừu tượng hoặc bán trừu tượng, ông sử dụng đầy mảng màu, đường nét chuyển động “thoát - đuổi” linh động... Vả lại, kỹ năng nghề nghiệp khá vững chắc về hội họa ở Nguyễn Đức Toàn cũng xứng tầm để ông thể hiện tất cả những gì ông muốn…”, nhà phê bình Quang Việt cho biết.

Hiện thực nhiệm màu


Tác phẩm “Đôi bạn”, lụa, 1980

Với các tác phẩm âm nhạc được nhiều người biết đến đã không chỉ tạo cho hội họa Nguyễn Đức Toàn những khoảng cách cần thiết với sự thật, với thực tại, cũng như khoảng cách giữa thực nghiệm và đề tài, hay nói khác đi, âm nhạc đã giúp ông tiếp cận được với “hiện thực nhiệm màu của họa sĩ”, mà âm nhạc còn tạo cho ông một năng lực “nghe” hình - màu mà không phải họa sĩ nào cũng có. Nhà phê bình Quang Việt cho rằng, “tranh của ông có rất nhiều “giọng” lạ, đôi khi chỉ khác bình thường một chút là đã đủ trở nên đặc sắc”.


“Làng”, bột màu, 1990


“Ráng chiều”, sơn mài, 1989

Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam Trần Khánh Chương nhận xét, họa sĩ - nhạc sĩ Nguyễn Đức Toàn là người tiếp năng lượng cho cả một thế hệ cầm súng. Tâm hồn ông là của một nghệ sĩ yêu nước, yêu quê hương, chiến đấu vì tự do và cái đẹp. Là người có hai sự nghiệp song trùng, Nguyễn Đức Toàn thích khai thác vốn cổ dân tộc, tìm về quá khứ cha ông. Chất lính trong con người ông có thể xuề xòa, bất cần ở ngoài đời, nhưng bao giờ cũng đầy khí phách, tráng kiện trong nghệ thuật.


Nhiều tác phẩm của Nguyễn Đức Toàn khai thác vốn cổ dân tộc

“... Bởi trí tuệ và tài năng quá khiêm tốn, lại trong một môi trường văn hóa còn chưa phát triển, đặc biệt là âm nhạc, thì dẫu rằng có sống trăm tuổi, cũng chỉ có thể là một nhạc sĩ viết ca khúc với một số bài hát được yêu thích. Thế là đủ!”. 

Về mình, Nguyễn Đức Toàn đã viết như vậy. Nhưng rốt cuộc, theo nhạc sĩ Nguyễn Chính Nghĩa, con trai cố họa sĩ Nguyễn Đức Toàn, ông vẫn là một trong số vô cùng ít nghệ sĩ đã liên kết được sức mạnh của cả âm nhạc và hội họa. Bên cạnh một Văn Cao họa sĩ “lập thể”, một Nguyễn Đình Phúc họa sĩ “biểu hiện”- Nguyễn Đức Toàn là một họa sĩ “trữ tình” như có cả hai cái đó và... Thế mới là đủ!

Trong tuyển tập “Nguyễn Đức Toàn - Hà Nội trái tim hồng” (NXB Quân đội Nhân dân, 2016) cố họa sĩ - nhạc sĩ từng chia sẻ: “Tôi vẽ tranh với ý tưởng của họa sĩ chuyên nghiệp, như một họa sĩ chính cống, chứ không xuê xoa, dễ dãi, nhố nhăng. Tôi vốn đã học vẽ ở Trường Mỹ thuật Đông Dương thời Pháp thuộc. Chỉ có một điều, trong hội họa, tôi không đủ sức xông pha như âm nhạc, đành chỉ vẽ tranh hoa lá cành. Trong hội họa lắm khi nhỏ mà có ý nghĩa về cuộc đời, nên tôi yên tâm nhảy múa trên mảnh đất của mình”.

Bài và ảnh: Hương Sen

Cơ quan chủ quản: Văn phòng Quốc hội

©2024. Bản quyền thuộc về Báo Đại biểu Nhân Dân.

Phiên bản AMP