Hài hòa văn hóa châu Âu và Việt Nam
Tối 25.9, tại Trung tâm Văn hóa Pháp, Hà Nội, đã diễn ra buổi diễn vở nhạc kịch “Kim Vân Kiều” phỏng theo kiệt tác văn học “Truyện Kiều” của đại thi hào Nguyễn Du. Tác phẩm do nghệ sĩ Pháp và Việt Nam thực hiện, từng được biểu diễn tại Pháp và lần đầu ra mắt khán giả Việt Nam bằng ngôn ngữ Pháp, phụ đề tiếng Việt.
“Truyện Kiều” được nghệ sĩ Pháp chuyển tải bằng ngôn ngữ mới mẻ |
Vở diễn được chuyển thể và soạn kịch bản bằng tiếng Pháp từ những nghiên cứu, phân tích nhiều bản dịch của Nguyễn Văn Vĩnh, Nguyễn Khắc Viện. Từ những vần thơ nổi tiếng của Đại thi hào Nguyễn Du, câu chuyện về nàng Kiều đã được đạo diễn Christophe Thiry tái hiện qua góc nhìn mới mẻ, hiện đại, với ngôn ngữ nghệ thuật độc đáo của kịch, múa, âm nhạc, opera... Đạo diễn tiết lộ, ông dựng vở diễn từ sự tình cờ được tiếp cận truyện thơ nổi tiếng của Nguyễn Du. “Tôi có người bạn Việt Nam đang sống tại Paris, là khán giả trung thành của nghệ thuật sân khấu trong 25 - 30 năm qua. Anh có đưa cho tôi “Truyện Kiều” và nói hãy đọc đi, có thể tìm được điều gì trong đó. Quả thật, đọc tác phẩm này, tôi có cảm giác được du hành qua nhiều quốc gia, nhiều nền văn hóa ở nhiều thời kỳ”...Nhận thấy những giá trị độc đáo của tác phẩm, dù chưa đến Việt Nam, đạo diễn Christophe Thiry cố gắng tìm hiểu văn hóa Việt, về Nguyễn Du và các tác phẩm, chìm đắm trong “Truyện Kiều”, từ đó bắt tay truyền tải tác phẩm bằng ngôn ngữ của sân khấu. Ông cho biết: “Đây là tác phẩm đồ sộ, có nhiều lát cắt, có độ dày về văn hóa, nhưng với kinh nghiệm dựng các vở lớn từ những kiệt tác của Molière, Shakespeare... tôi cố gắng tìm hiểu chiều sâu, sự phức tạp của tác phẩm và chuyển tải tối đa mọi lát cắt: Câu chuyện của tác phẩm, câu chuyện trong lịch sử Việt Nam, và lớn hơn nữa là lịch sử nhân loại”.
“Ý tưởng ban đầu của “Kim Vân Kiều” là của nhóm Việt kiều Pháp mê kịch và yêu “Truyện Kiều”. Họ bỏ công chuyển soạn tác phẩm sang tiếng Pháp và làm vở opera về Kiều, nhưng thể loại ấy quá hiện đại, đến mức không phải người Pháp nào cũng cảm nhận được. Với mục tiêu đưa tác phẩm của Đại thi hào Nguyễn Du đến gần công chúng hơn, họ quyết định chuyển sang nhạc kịch và giới thiệu truyện thơ này cho đạo diễn nổi tiếng Christophe Thiry... Hai tác phẩm đều đã được biểu diễn ở Pháp. Cùng với việc đưa nhạc kịch “Kim Vân Kiều” về Việt Nam, chúng tôi cũng sẽ diễn trích đoạn vở opera ở TP Hồ Chí Minh vào cuối tháng này”. Nghệ sĩ Mai Thanh Sơn |
Tuy nhiên, đạo diễn Christophe Thiry cho biết ông cũng gặp phải những thách thức từ chuyển soạn truyện thơ của Nguyễn Du sang một kịch bản có chương hồi, với nhiều lớp lang; việc phối hợp nhiều loại hình nghệ thuật khác nhau, tuyển diễn viên từ nhiều mảng nghệ thuật để có thể thẩm thấu kiệt tác văn học này từ nhiều chiều: Sự sống, cảm nhận tình yêu, bạo lực, bất hạnh, hy vọng, tàn nhẫn, thiên đường và sự trống vắng… làm cho những khái niệm này trở nên sống động và có giá trị biểu tượng...
Hai nhạc công Việt Nam được mời tham gia “Kim Vân Kiều” với mong muốn đưa một phần Việt Nam đương đại vào vở kịch từ xa xưa, tìm kiếm sự hài hòa giữa châu Âu và văn hóa châu Âu với Việt Nam và văn hóa Việt Nam.
Chạm bằng cảm xúc
“Kim Vân Kiều” được 8 diễn viên thể hiện qua các chất giọng, cảm xúc, ngôn ngữ hình thể và những điểm riêng của họ. Tuy nhiên, câu chuyện ấy đã cách xa thời điểm hiện tại vài trăm năm, cảm nhận của đạo diễn và các nghệ sĩ châu Âu khi đọc Kiều là “không thể tin nổi”, “sốc về văn hóa” và “hiếm thấy tác phẩm nào mà nhân vật chính lại có một câu chuyện dài như thế, gặp hết nỗi đau này đến nỗi đau khác, dường như không bao giờ cô ấy thoát ra được để tìm thấy hạnh phúc”.
Dù vậy, “chúng tôi cố gắng cảm nhận, chạm vào tình cảm của con người trong vở diễn để kể câu chuyện tình yêu, chuyện đời của người phụ nữ trải qua nhiều thử thách, vẫn luôn hướng đến cuộc sống hạnh phúc cho mình và gia đình. Điều đó cho thấy câu chuyện của Kiều mang tính toàn cầu và vẫn có giá trị đương đại. Vở diễn là kho báu để mỗi nghệ sĩ tìm kiếm ý nghĩa riêng, có cách diễn, ứng tác riêng, xuất phát từ cảm nhận nội tâm” - nghệ sĩ Odile Heimburger chia sẻ.
Để hoàn thành vở diễn, nhiều diễn viên đảm nhiệm cùng một lúc 3 - 6 vai diễn. Sân khấu cũng đặc biệt bởi hoàn toàn... trống. “Để nghệ sĩ có thể thăng hoa trí tưởng tượng của mình, chúng tôi không trang trí sân khấu, bởi bất kỳ trang trí nào cũng gợi tới sự bất biến, trong khi câu chuyện không bất biến về thời gian và không gian. Trên sân khấu chỉ có các nhạc cụ, với trống, sáo, đàn nguyệt, đàn bầu, piano, violon, guitar... để tạo sự gần gũi giữa không gian văn hóa xa xưa và đương đại” - đạo diễn Christophe Thiry nói.
Vở nhạc kịch đã có 5 buổi diễn tại Pháp, được khán giả Pháp và Việt kiều đón nhận nồng nhiệt. “Sau khi xem vở diễn, người bạn Việt Kiều của tôi đã quyết định tìm về cội nguồn và có dự án liên quan đến “Truyện Kiều” - nam diễn viên Nicolas Simeha tiết lộ.
Đảm nhiệm phần âm nhạc Việt Nam trong vở diễn, hai anh em nghệ sĩ Mai Thanh Sơn - Mai Thành Nam giới thiệu nhiều màu sắc âm nhạc Việt Nam như âm nhạc của chèo, bộ gõ mang màu sắc của trống tuồng, Dạ cổ Hoài Lang... nhằm mang tới không gian đặc trưng của Việt Nam trong vở diễn. “Ban đầu chúng tôi dự định năm 2018 sẽ diễn ở Việt Nam, nhưng còn tìm kiếm nguồn tài trợ, và các nghệ sĩ trong đoàn không thu xếp được lịch diễn, mà mỗi cá nhân nghệ sĩ trong vở diễn là không thể thay thế, nếu không cả đoàn sẽ phải tập lại mất rất nhiều thời gian, tốn kém. Do vậy, kế hoạch đổi nhiều lần cho đến năm nay...” - nghệ sĩ Mai Thanh Sơn cho biết.
Sau Việt Nam, các nghệ sĩ dự kiến đưa Kiều đến các quốc gia có cộng đồng người Việt, hoặc người Pháp sinh sống, hoặc chuyển lời thoại sang tiếng Anh, nhằm giới thiệu tác phẩm rộng rãi hơn đến bạn bè quốc tế.