Trong sương hồng hiện ra (*)

- Thứ Tư, 10/02/2021, 07:03 - Bản đầy đủ

Tưởng chừng thời gian đang quay ngược lại, hậu thuẫn cho cuộc lội ngược dòng của những con người đau đáu với di sản của cha ông. Lời thơ hòa quyện tiếng nhạc, kép đàn, quan viên thi nhau khoe ngón nghề và đào nương ém hơi nhả chữ theo khổ phách khổ đàn đúng với khuôn thước nguồn cội. Cứ thế, hệ âm luật quý giá, hóc hiểm của ả đào cuối cùng đã được đưa ra ánh sáng.

Nơi tinh hoa phát tiết

“Khó mấy cũng phải làm” - nhà nghiên cứu âm nhạc Bùi Trọng Hiền và nghệ nhân Đỗ Quyên - Chủ nhiệm Giáo phường ca trù Hải Phòng đồng thanh. Dự án “Hiệu chỉnh khuôn thước, âm luật và bài bản tại các CLB Ca trù Hải Phòng” của Viện Văn hóa Nghệ thuật Việt Nam (VICAS) bắt đầu như vậy. Dự kiến diễn ra 7 tháng, nhưng do dịch Covid-19, đến giữa tháng 9.2020, dự án mới khởi động, rút xuống còn 2 tháng. Tại báo cáo nghiệm thu dự án cuối tháng 12.2020, nhà nghiên cứu Bùi Trọng Hiền chia sẻ: “Đó là cuộc thách đố căng thẳng tột độ”.

Thước băng tư liệu của các nghệ nhân thế kỷ XX là đường dẫn để tìm ra khuôn thước bài bản của ả đào

Thách đố bởi hành trình tìm về khuôn thước, âm luật và bài bản ca trù không đơn giản. Sau 6 năm tập trung nghiên cứu, Bùi Trọng Hiền sửng sốt, hóa ra ả đào khác hoàn toàn ba cấu trúc điển hình được đúc kết từ nền âm nhạc dân tộc. Không phải cấu trúc ca khúc dân gian như chèo, quan họ, lý Nam Bộ, không phải cấu trúc làn điệu như trong hát xẩm, hát văn hay cấu trúc lòng bảng thấy trong âm nhạc cung đình Huế, nhạc tuồng, nhạc lễ, tài tử cải lương. Ả đào thuộc cấu trúc lắp ghép, tập hợp khổ phách khổ đàn kết nối liền mạch. “Giá trị tinh vi kết tụ ở đấy, tinh hoa nghệ nhân phát tiết ở đấy, hay ở đấy mà khổ nhọc cũng ở cả đấy”.

Xưa, khi học ả đào trong giáo phường, đầu tiên đào kép phải đánh khúc 5 khổ đàn, gọi là khúc giáo đầu, luân chuyển khổ phách khổ đàn thuần thục mới được vào bài. Cổ truyền không bóc tách từng khổ nên để nắm được khuôn thước với độ dài thời gian chính xác, đào kép phải khổ luyện nhiều năm. Sinh thời, nghệ nhân Quách Thị Hồ được mẹ dạy phách từ 5 - 6 tuổi, hay nghệ nhân Nguyễn Thị Phúc trong lần trò chuyện với GS. Trần Văn Khê tâm sự bà không được may mắn học sớm như bà Hồ, 12 tuổi mới học phách, được đi hát là 20 tuổi. Nghệ nhân đàn đáy Nguyễn Phú Đẹ từng kể hồi bé chưa cầm nổi đàn đáy, bố đã treo cần đàn lên sào giăng qua sân, bắt ngồi đấy đánh khuôn thước 5 khổ đàn ngày này qua ngày khác.

Lần theo câu chuyện, phân tích tư liệu băng đĩa của nghệ nhân thế kỷ XX, Bùi Trọng Hiền mới hiểu tại sao có lúc bà Quách Thị Hồ bỏ hết phách trong khổ rải, nghệ nhân đàn đáy Đinh Khắc Bang cứ đàn mà đếm trên đầu phổ đủ đúng 11 nhịp. “Tiết tấu chuẩn chỉ và khép kín ngấm vào nghệ nhân nhờ năm tháng khổ luyện ấy. Đấy là điều cực khó, cũng điều kỳ diệu này khu biệt ả đào với tất cả loại hình âm nhạc còn lại. Có điều các nghệ nhân nhà nghề đều than rằng, đào kép bây giờ đàn hát không đúng phách, nhưng thế nào là đúng, đủ, các cụ không nói”.

Như chuông treo chỉ mảnh

“Tôi vỡ òa phát hiện lời ca xưa nay vẫn nghĩ là tự do hóa ra không phải, tất cả đều có khuôn thước chính xác không tưởng. Sau khi tìm ra hệ khuôn thước, tôi mất 2 tuần nghe lại toàn bộ băng thu của bà Quách Thị Hồ và Nguyễn Thị Phúc, xem các cụ có “thò thụt” chỗ nào, kết quả không tìm thấy. Vậy ra, đây chính là những gì bí truyền nhất hàng trăm năm qua”.

Sau nhiều năm nghiên cứu, màn sương mù bí ẩn của quá khứ hằn sâu, hệ âm luật quý giá, hóc hiểm của ả đào cuối cùng cũng được đưa ra ánh sáng khoa học. Bùi Trọng Hiền mừng rỡ: “Chìa khóa” bảo tồn ả đào được tìm thấy. Ấy vậy, “sau ngọn núi này, còn ngọn núi khác, không kém gian nan”.

Nghệ nhân Đỗ Quyên ví hai tháng cùng nhà nghiên cứu Bùi Trọng Hiền như hành trình “lội ngược dòng”. “Tham dự nhiều liên hoan ca trù, các cụ nói đào kép mất nhịp, không có phách, chúng tôi thắc mắc vì nghe ra ai cũng đi phách đầy đủ. Đến khi thầy Hiền đưa ra khuôn thước, mới rõ mình hát thiếu mà lâu nay không biết. Nhưng đào kép Hải Phòng có nghề cũng mười mấy năm, sửa sai đâu dễ. Các giáo phường ca trù thực ra cũng chưa chắc dám đi ngược dòng như thế...”.

Khi giới thiệu khổ đàn, khổ phách, cấu trúc lắp ghép các khổ trong nhạc ả đào, thách thức lớn với nhà nghiên cứu Bùi Trọng Hiền là đào kép đều không đọc được nhạc. Làm sao viết một giáo trình dạy được tất cả khổ đàn, khổ phách tinh vi của ả đào? Anh chọn phương pháp sơ đồ, bóc tách toàn bộ tiếng tà rục, tiếng rục, tiếng phách, tiếng chát của nghệ nhân, tỉ mẩn dán vào cường độ sóng âm trên phần mềm âm thanh, nhằm tạo ra bài học thị phạm chuẩn xác và dễ hiểu.

Buổi học đầu tiên diễn ra với sự lo lắng của đào kép. Họ dường như nhận ra được phần nào cấu trúc của thứ âm nhạc này, nhưng cũng chưa định hình sẽ phải thay đổi làm sao so với thói quen nhiều năm qua.

“Ghi xong khuôn thước chuẩn mực của ả đào, đào kép rất kinh hoàng, thậm chí có tâm lý hoảng loạn khi thấy âm nhạc của các cụ vi diệu quá, tái hiện thế nào được. Sự thật là lúc nhìn ra âm luật, có người bỏ chạy vì sợ, mà bản thân người ở lại cũng sợ. Lúc này cũng là đỉnh điểm căng thẳng của khóa tập huấn. Nhưng có cách nào khác đâu, ngoài dũng cảm đối mặt với nếp sai để sửa. Đó chẳng phải là “miếng võ” cuối cùng giúp đào kép trở về khuôn thước cổ truyền? Sau mấy mươi năm vắng bóng trong đời sống xã hội, ả đào khác nào ‘chuông treo chỉ mảnh’, một chút chủ quan, sợ sệt, mặc kệ, là đứt đoạn, đánh mất di sản quý giá bậc nhất này”, nhà nghiên cứu Bùi Trọng Hiền suy tư.  

Màn biểu diễn của ca nương kép đàn Giáo phường ca trù Hải Phòng

“Cuối cùng, chỉ là khổ luyện”

Các đào kép của Hải Phòng đến với ả đào như duyên nợ. 30 năm gắn bó, cũng là người có công xây dựng Giáo phường ca trù Hải Phòng, nghệ nhân Tú Quyên hàng tuần dạy học sinh tại Trường Tiểu học Nguyễn Công Trứ, và tranh thủ cuối tuần dạy nhóm lớn hơn tại Đình Hàng Kênh. Còn ca nương Hải Phượng là diễn viên Nhà hát Múa rối Hải Phòng, đến với ca trù bởi đam mê. Hay Lê Quang Thái là quản lý văn hóa huyện Thủy Nguyên, Trịnh Thị Hoài Nam là giáo viên dạy tiếng Anh ở Đông Môn… đều khao khát được thỏa mãn tình yêu ả đào.

Nhưng trở về đúng diện mạo và tính chất của ca trù, gần như phải làm lại từ đầu. Nhiều vướng mắc phát sinh khiến cả thầy và trò đều mệt mỏi. Qua thực hành, kiểm tra mới thấy đào kép gần như không nắm đủ bài bản của các cụ xưa.

Có lần kiểm tra cung phím đàn đáy của kép đàn Tô Văn Tuyên, nhà nghiên cứu Bùi Trọng Hiền giật mình phát hiện sai sót lớn. Đàn đáy dẫn dắt giai điệu, làm chỗ dựa âm điệu cho đào nương, nếu cung phím sai thì đàn chênh hơi, đào nương theo đó cũng hát sai. Vậy là việc đầu tiên phải bẻ hết phím ra gắn lại. Sau khi chỉnh về đúng thang âm, các phím đàn, thế tay đúng với từng cung điệu, kỹ thuật chơi ngón nhấn, chùm, bẩy phím đúng cách cũng được điều chỉnh tỉ mỉ, kép Tuyên ngày đêm luyện tập và phát hiện nhiều kỹ thuật mà danh cầm Đinh Khắc Bang đã sử dụng.

“Tự mình viết ra sơ đồ, tôi lắp công thức của khổ rải vào từng câu của bài hát, tai nghe lời của cụ Quách Thị Hồ và tay ghi, mắt nhìn vào khuôn thước, tất cả ăn nhau rất chặt chẽ. Tôi mới vỡ lẽ hiểu ra vấn đề, bây giờ là luyện để lắp khuôn thước đó vào trong câu hát, câu đàn”, kép đàn Tô Văn Tuyên kể lại.

Nghệ nhân cổ nhạc có thuật ngữ “tận thổ can tràng”, tức là hát từ trong ruột gan hát ra. Người không biết nghề tưởng nghĩa bóng là hát bằng gan ruột, trút hết tình cảm tâm hồn, nhưng chưa đủ. Theo Bùi Trọng Hiền, “tận thổ can tràng” trong ả đào nên hiểu theo cả nghĩa đen, tức rung và láy từ hơi bụng. “Để các đào nương Hải Phòng áp dụng được phương pháp tận thổ can tràng, tôi vận dụng cả bài thở khí công, cốt để quay về với chuẩn mực hát tận thổ can tràng của quá khứ”. 

Nhà nghiên cứu Bùi Trọng Hiền luôn tâm niệm cung cấp hệ âm luật tinh tế và khoa học của ả đào chỉ là bước khởi đầu, muốn gìn giữ tinh túy của nghệ thuật còn phải dựa vào ý thức rèn luyện của từng đào kép. Nói như Chủ nhiệm Giáo phường ca trù Hải Phòng, đó là tâm thế dám chấp nhận cái sai và kiên trì thay đổi. “Cũng có người ủng hộ, có người không, có người vỗ tay cười. Nhưng chúng tôi bảo nhau, đã quyết tâm thì làm đến nơi đến chốn, chưa được 10 phần như các cụ thì ít ra nắm đến 7 phần đã quý hóa. Nếu không giữ đúng khuôn thước, ca trù mai một, tam sao thất bản là phải tội với cha ông”.

_____________

* Tên một tác phẩm của nhà văn Hồ Anh Thái

Hải Đường

Cơ quan chủ quản: Văn phòng Quốc hội

©2024. Bản quyền thuộc về Báo Đại biểu Nhân Dân.

Phiên bản AMP